Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, cho hay xe 42 chỗ giường nằm từ bến Nước Ngầm vào cầu Bến Thủy một tháng chi 24,5 triệu đồng tiền phí, chưa kể 21 triệu tiền phí xuất bến, tác động rất lớn tới hiệu quả kinh doanh vận tải.
Tại cuộc tọa đàm về minh bạch phí BOT, do Cổng thông tin điện tử chính phủ tổ chức chiều qua 20.5, dẫn chứng cho áp lực phí đè nặng lên doanh nghiệp (DN), ông Liên nói: “Đề nghị các bộ có cách nào cứu ngành vận tải, hỗ trợ cho các DN hay không? Chủ trương thì đúng, sử dụng đường tốt hơn thì đóng phí, nhưng đóng đến bao giờ và đóng như thế nào?”.
Ông Liên cũng bày tỏ băn khoăn về tính minh bạch của dự án BOT, khi các dự án hợp đồng do Bộ GTVT và Bộ Tài chính ký không có dấu mật, nhưng bên trong hợp đồng lại có điều khoản bảo mật là không được cung cấp thông tin, dẫn tới ngay trong nội bộ cổ đông nhà đầu tư cũng nghi ngờ lẫn nhau.
Chưa kể, các điều khoản hợp đồng đều bảo vệ rủi ro cho nhà đầu tư như thu phí ít thì được lùi thêm thời gian thu phí… mà không có điều khoản nào bảo vệ người dân.
Theo ông Liên, không chỉ thiếu công khai minh bạch, do dự án BOT là vốn nhà đầu tư nên nhà nước kiểm soát suất đầu tư không chặt chẽ. “Bộ GTVT nên xem xét giảm phí BOT theo lộ trình tăng phí 3 năm/lần hiện nay”, ông Liên đề nghị và cho rằng cần điều chỉnh lại mục tiêu phát triển hạ tầng, không thể duy ý chí đầu tư bằng mọi giá, mà nên chọn lọc đầu tư, làm các tuyến thực sự cần thiết.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường khẳng định Bộ GTVT và Bộ Tài chính trong tuần tới sẽ ngồi lại rà soát lộ trình tăng phí cũng như thời gian thu phí. Thừa nhận nhiều bất cập trong thu phí BOT hiện nay, ông Trường “hứa với DN sẽ vào cuộc tích cực để giảm bớt áp lực tăng phí”.
Về khoảng cách các trạm BOT, ông Trường cho biết, với 71 trạm đang và sắp thu phí, có 60 trạm cơ bản đáp ứng khoảng cách 70 km giữa các trạm, 11 trạm còn lại sẽ xem xét sáp nhập để đảm bảo khoảng cách.
Ngoài ra, với các dự án đầu tư trên các tuyến đường khác nhau, trong vòng bán kính 50 km sẽ không quá 3 trạm, nếu quá sẽ ghép các trạm lại. “Bức xúc của người dân và DN về khoảng cách trạm BOT là chính xác, trong năm 2016, những bất hợp lý về khoảng cách, mật độ trạm sẽ được điều chỉnh lại.
Bộ GTVT khẳng định từ nay về sau các dự án giao thông sẽ không hằn lún vệt bánh xe nữa, các nhà đầu tư phải bảo hành từ 2 – 4 năm và bỏ tiền sửa chữa hư hỏng, không được tham gia đấu thầu các dự án tiếp theo”, ông Trường nói và cho biết đầu tháng 6 tới đây, Bộ GTVT sẽ tổng kết 5 năm thực hiện BOT, xem xét những ưu khuyết điểm báo cáo Chính phủ những điều chỉnh quy hoạch đầu tư các dự án, mức phí…
Mai Hà (TNO)
Bình luận (0)