Sự kiện giáo dụcTin tức

Sẽ giảm 50% số trường trung cấp công lập

Tạp Chí Giáo Dục

Theo Quyết định phê duyệt Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ký mới đây, từ nay đến 2025 sẽ giảm 40% trường trung cấp công lập và đến 2030 là 50%, đồng thời số trường cao đẳng cũng sẽ giảm.

Như vậy, Tổng cục GDNN không có thẩm quyền sắp xếp (sáp nhập hoặc giải thể) cơ sở GDNN mà chỉ có nhiệm vụ kiểm tra, giám sát. Việc sắp xếp lại các cơ sở GDNN công lập thì các cơ quan chủ quản sẽ lập đề án theo quy định tại Nghị định 120 của Chính phủ (quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập), luật Giáo dục nghề nghiệp 2014 và các văn bản quy phạm khác có liên quan.

Sẽ giảm 50% số trường trung cấp công lập  - Ảnh 1.

Tổng cục GDNN

Vùng nào cơ sở GDNN sẽ chiếm tỷ lệ cao ?

Thưa ông, vì sao cơ sở GDNN lại được quy hoạch theo vùng? Nếu một vùng có nhiều trường hoạt động hiệu quả nhưng lại bị "bóp" lại một cách cơ học thì có hợp lý không?

Ông Phạm Vũ Quốc Bình: Việc phân bổ này xuất phát từ thực trạng và định hướng phát triển kinh tế – xã hội của các vùng. Đồng bằng sông Hồng và Đông Nam bộ là 2 vùng có các chỉ số phát triển kinh tế – xã hội cao nhất cả nước, có nhiều trường cao đẳng (CĐ) đang hoạt động với quy mô đào tạo lớn, ngành nghề đa dạng, chất lượng đào tạo tốt, khả năng có việc làm của học sinh, sinh viên sau tốt nghiệp rất cao nên thu hút được nhiều học sinh.

2 vùng này cũng có khả năng thu hút đầu tư và tỷ lệ cơ sở GDNN xã hội hóa cao nhất cả nước, số cơ sở GDNN lần lượt chiếm 30% và 15,6% toàn quốc. Trong những năm gần đây, số lượng tuyển sinh tại 2 vùng này trung bình lần lượt khoảng 700.000 người và 480.000 người, chiếm 55% tổng tuyển sinh cả nước.

Chính vì thế, căn cứ vào dự báo phát triển kinh tế – xã hội, nhu cầu nhân lực đến năm 2030 và dựa trên thực trạng mạng lưới cơ sở GDNN của cả nước và 6 vùng kinh tế – xã hội, mục tiêu đến năm 2030 tỷ lệ cơ sở GDNN vùng đồng bằng sông Hồng chiếm khoảng 26%, vùng Đông Nam bộ chiếm khoảng 17% cơ sở GDNN cả nước.

Sẽ giảm 50% số trường trung cấp công lập  - Ảnh 2.

Số cơ sở giáo dục nghề nghiệp tính đến 31.12.2020. TỔNG CỤC GDNN

Trường CĐ, trung cấp công lập hoạt động không hiệu quả được đánh giá theo các tiêu chí nào? Giả sử tỉnh chỉ có một trường trung cấp (hoặc CĐ) mà trường đó hoạt động không hiệu quả thì quy hoạch lại ra sao?

Đánh giá hiệu quả hoạt động của trường trung cấp, CĐ dựa trên một số tiêu chí: mục tiêu, sứ mạng, tổ chức và quản lý; hoạt động đào tạo; nhà giáo, cán bộ quản lý, viên chức và người lao động; chương trình, giáo trình; cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo và thư viện; nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và hợp tác quốc tế; dịch vụ người học; giám sát, đánh giá chất lượng.

Sẽ giảm 50% số trường trung cấp công lập  - Ảnh 3.

Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp sẽ sắp xếp lại để được đầu tư tập trung, tránh dàn trải. MỸ QUYÊN

Đối với trường hợp địa phương có một trường trung cấp (hoặc CĐ) mà hoạt động không hiệu quả thì các cơ quan có liên quan cần kiểm tra, đánh giá tổng thể để xác định nguyên nhân và từ đó có các biện pháp, giải pháp phù hợp. Trường hợp cần thiết lập đề án tái cấu trúc nhằm khắc phục các tồn tại, hạn chế, góp phần củng cố và phát triển nhà trường trong các năm tiếp theo.

Ưu tiên, tập trung đầu tư trường nghề chất lượng cao

Khi trường trung cấp công lập bị cắt giảm mạnh mẽ như vậy, nhân sự đang làm việc tại các trường sẽ được bố trí, giải quyết như thế nào?

Để thực hiện việc sắp xếp lại các trường trung cấp công lập, các cơ quan chủ quản lập Đề án tổ chức lại đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định tại điều 16, Nghị định 120 của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập.

Một trong các nội dung của đề án theo quy định phải có nội dung: "Phương án xử lý về tổ chức bộ máy, nhân sự, tài chính, tài sản, đất đai và các vấn đề khác có liên quan". Theo đó, các nhân sự đang làm việc tại các trường sẽ thực hiện theo phương án xử lý về nhân sự tại đề án được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Hệ thống GDNN sẽ được đầu tư và phát triển ra sao sau khi quy hoạch lại theo quyết định này, thưa ông?

Mạng lưới cơ sở GDNN sẽ được phát triển theo hướng đa dạng về loại hình, phân bố hợp lý về cơ cấu ngành, nghề, cơ cấu trình độ, cơ cấu vùng, miền; chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, phân tầng chất lượng. Theo đó, các cơ sở có đủ năng lực đáp ứng nhu cầu nhân lực qua đào tạo nghề, nhất là nhân lực có kỹ năng nghề cao cho phát triển đất nước trong từng giai đoạn.

Nhà nước sẽ ưu tiên, tập trung đầu tư phát triển các trường nghề chất lượng cao, trong đó có các trường tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4 và trường tiếp cận trình độ các nước phát triển trong nhóm G20. Đồng thời, hình thành các trường thực hiện chức năng trung tâm quốc gia đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao. Bên cạnh đó, quan tâm phát triển cơ sở GDNN ở vùng khó khăn, đào tạo các nhóm ngành nghề và đối tượng đặc thù.

Bình Định sẽ còn 8 cơ sở GDNN

Giai đoạn 2021 – 2030, tỉnh Bình Định sáp nhập các trung tâm GDNN-giáo dục thường xuyên (GDTX) vào các trường trung cấp trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, trung tâm GDNN-GDTX các huyện Hoài Nhơn, Hoài Ân, Phù Mỹ và An Lão sáp nhập với Trường trung cấp Kỹ thuật công nghệ Hoài Nhơn; trung tâm GDNN-GDTX các huyện Tây Sơn, Phù Cát, Vĩnh Thạnh và thị xã An Nhơn sáp nhập Trường trung cấp Kinh tế kỹ thuật Bình Định; trung tâm GDNN-GDTX các huyện: Tuy Phước, Vân Canh và TP.Quy Nhơn sáp nhập với Trường trung cấp Thủ công mỹ nghệ Bình Định. Đến hết năm 2030, toàn tỉnh có 8 cơ sở GDNN.

Đồng Nai giải thể 2 trường trung cấp và CĐ nghề

Toàn tỉnh Đồng Nai hiện còn 10 trường CĐ, 5 trường trung cấp và 11 trung tâm GDNN. Trường trung cấp Giao thông vận tải Đồng Nai sáp nhập Trung tâm Đào tạo và sát hạch lái xe loại I Đồng Nai. Trường trung cấp Kinh tế – kỹ thuật Đồng Nai (H.Nhơn Trạch) sáp nhập với Trường CĐ Công nghệ Đồng Nai (H.Long Thành), Trường trung cấp nghề Giao thông vận tải sáp nhập với Trường CĐ Kỹ thuật Đồng Nai, Trường trung cấp cơ điện Đông Nam bộ sáp nhập Trường CĐ Cơ giới và thủy lợi. Giải thể Trường trung cấp nghề 26-3 trực thuộc Tỉnh đoàn và Trường CĐ nghề số 8.

TP.HCM sáp nhập ít nhất 80% trường trung cấp vào trường cao đẳng

Ông Nguyễn Chí Thành, Phó phòng GDNN Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, cho biết trước khi Chính phủ ban hành Quyết định phê duyệt Quy hoạch mạng lưới cơ sở GDNN thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, Sở LĐ-TB-XH đã triển khai xây dựng đề án quy hoạch lại mạng lưới GDNN giai đoạn 1 gửi UBND TP.HCM.

Năm 2023 Sở LĐ-TB-XH TP.HCM sẽ xây dựng đề án giai đoạn 2, sau đó căn cứ vào quy hoạch của Chính phủ và quy hoạch chung của thành phố sẽ xây dựng phương án triển khai.

Theo đề án này, đến năm 2025 TP.HCM sáp nhập ít nhất 50% trường trung cấp vào trường CĐ hoặc sáp nhập trường CĐ hoạt động không hiệu quả vào trường đang hoạt động hiệu quả. Đến năm 2030, sáp nhập ít nhất 80% trường trung cấp vào trường CĐ.

Cụ thể, khu vực huyện Củ Chi, Hóc Môn và Q.12 sẽ sáp nhập 4 trường trung cấp theo phương án hình thành trường CĐ ở khu vực này. Khu vực H.Bình Chánh, Q.8 và Q.Bình Tân sẽ sáp nhập 2 trường. Các trường thuộc khu vực Q.Bình Thạnh, Q.3, Q.Phú Nhuận cũng sáp nhập làm một.

Trong khi đó, 2 trường ở khu vực quận Gò Vấp, Tân Bình, Tân Phú, 2 trường CĐ và 3 trường trung cấp khu vực quận 1, 4, 5 cũng sẽ được sáp nhập. Riêng Trường CĐ Văn hóa nghệ thuật TP.HCM do tính đặc thù ngành nghề, đề xuất phương án giữ nguyên, đồng thời có phương án tăng quy mô diện tích theo quy định.

Tại khu vực Q.7, các huyện Nhà Bè, Cần Giờ sẽ sáp nhập trường trung cấp vào trường CĐ; khu vực các quận 6, 10, 11 sáp nhập 2 trường CĐ và 1 trường trung cấp. Đối với các trung tâm GDNN – giáo dục thường xuyên, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM sẽ nghiên cứu phương án sắp xếp theo hướng sáp nhập 3 trung tâm theo mỗi khu vực, số lượng còn lại sau khi sáp nhập là 8 đơn vị.

Theo Mỹ Quyên/TNO

 

Bình luận (0)