Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Sẽ giảm mức điểm ưu tiên tuyển sinh vào đại học

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Qua phân tích dữ liệu thi và kết quả học tập, phổ điểm 4 khu vực tuyển sinh của thí sinh, Bộ GD-ĐT đã nhận ra một số bất hợp lý trong việc cộng điểm ưu tiên khu vực.

Cách tính điểm hiện nay khiến thí sinh không ưu tiên thiệt thòi

Trao đổi với phóng viên, ông Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho biết: Qua phân tích dữ liệu điểm thi và điểm tuyển sinh những năm gần đây cho thấy việc cộng điểm ưu tiên như hiện nay vẫn tồn tại một số bất hợp lý.

Sẽ giảm mức điểm ưu tiên tuyển sinh vào đại học - ảnh 1

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn. GIA HÂN

Thứ nhất, diện được ưu tiên lại chiếm đa số, diện không được ưu tiên (KV3) chiếm thiểu số. Nên mỗi sự thay đổi về quy định ưu tiên đều ảnh hưởng tới đa số, do đó gây nhiều tranh cãi. Chính sách ưu tiên nhằm mục đích tạo sự công bằng trong tuyển sinh, để người học ở nơi có điều kiện giáo dục không tốt bằng những nơi khác vẫn có cơ hội tiếp cận giáo dục ĐH giống như người học những nơi khác. Tuy nhiên, nó lại được nhiều người hiểu như là một quyền lợi, một sự đãi ngộ.

Thứ hai, đối với một số ngành có tính cạnh tranh cao (điểm chuẩn trúng tuyển cao – PV), sự bất hợp lý của mức điểm cộng ưu tiên thể hiện rất rõ ràng. Điểm ưu tiên dẫu chỉ 0,25 hay 0,5 cũng đã tạo ra một lợi thế quá lớn về điểm xét tuyển, khi mà có những ngành chỉ hạ xuống 0,01 điểm thì số thí sinh (TS) đủ điều kiện trúng tuyển tăng lên rất nhiều. Sự bất hợp lý này là nguyên nhân dẫn đến việc xảy ra một số tình huống có tính cực đoan, kiểu như điểm chuẩn 30.

Việc phân tích phổ điểm thi, điểm xét tuyển những năm gần đây, chia theo khu vực (KV), mang đến cho Bộ những thông tin bổ ích. Nếu chỉ tính điểm thi, sự chênh lệch điểm của TS theo KV khá lớn, điểm của TS KV1 thấp hơn KV2 nông thôn (NT), KV2 NT thấp hơn KV2, KV2 thấp hơn KV3. Nhưng nếu tính theo điểm xét tuyển (tức đã cộng điểm ưu tiên KV – PV) thì phổ điểm của TS các KV được cộng điểm ưu tiên cao hơn hẳn. Ở mức điểm xét tuyển càng cao thì mức chênh càng lớn.

Từ năm 2018 (khi điểm ưu tiên giảm xuống một nửa – PV) thì mức chênh này đỡ hơn, nhưng vẫn chênh. Đặc biệt, từ mức điểm 24, 25 trở lên thì phổ điểm KV1, KV2 NT cao hơn hẳn so với KV2. Qua đó, chúng ta có thể nhận thấy rõ, với cách tính điểm ưu tiên hiện nay thì TS KV3 thực sự thiệt thòi.

Tỷ lệ TS đạt điểm cao có sự tương đương giữa các KV

KV3 điều kiện học tốt hơn thì điểm thi của học sinh tốt hơn là dễ hiểu. Và đó chính là lý do chúng ta cần có điểm ưu tiên khu vực?

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn: Đúng thế, nhưng vấn đề là ưu tiên ở mức độ nào. Về mặt lý thuyết, điều chúng ta mong muốn là sau khi được cộng điểm ưu tiên thì phổ điểm của 4 KV có tính tương đương. Nhưng ở đây có chuyện là sau khi cộng điểm thì phổ điểm của thí sinh KV1 cao hơn hẳn, tiếp theo đó là KV2 NT, còn KV3 thì thấp hơn hẳn, điều này thể hiện rất rõ ở ngưỡng điểm cao (xét theo tỷ lệ TS dự thi tương ứng – PV). Phổ điểm các khu vực lệch nhau từ khoảng 0,5 đến 0,75. Sở dĩ có việc này là bởi khi chỉ xét điểm thi, tỷ lệ TS đạt điểm cao dường như có sự tương đương giữa các KV.

Tỷ lệ TS đạt điểm cao dường như có sự tương đương giữa các KV. Vậy có phải là do điều kiện học tập của TS các KV đã đạt được sự tương đương nhau?

Cũng không hẳn. Nhưng điều này cho phép chúng ta suy luận, ở KV nào cũng sẽ có những gia đình có khả năng đầu tư vào việc học cho con cái, hoặc trường học có điều kiện dạy học tốt. Nghĩa là việc phân chia KV chỉ mang tính tương đối, và ở KV nào cũng có những TS có khả năng cạnh tranh cao. Những TS này khi xét tuyển lại được cộng thêm điểm ưu tiên KV nữa thì họ sẽ có mức điểm vượt trội so với TS ở KV không được ưu tiên, hoặc được ưu tiên thấp.

Một dữ liệu khác mà Bộ tham khảo để điều chỉnh quy định về mức điểm ưu tiên là phân tích kết quả của SV Trường ĐH Bách khoa Hà Nội (là trường có nhiều ngành điểm xét tuyển ở mức cao – PV) sau 1 năm trúng tuyển. Về nguyên tắc, sau 1 năm học mà điều kiện học tập của các SV là như nhau thì kết quả học tập sẽ được cân bằng trở lại. SV ở KV kém phát triển hơn, có điểm thi thấp hơn, thì sẽ vượt lên, đuổi kịp các SV ở KV phát triển.

Nhưng trên thực tế, sau 1 năm những SV điểm thi thấp (trong khi điểm xét tuyển cao hơn do được cộng điểm ưu tiên KV – PV) thì vẫn có điểm học tập ở ĐH thấp hơn những SV điểm thi cao hơn (dù điểm xét tuyển thấp hơn do không được cộng điểm ưu tiên – PV).

Từ mức điểm 23,5 hoặc 23,75 đến 24,75 (là điểm xét tuyển, bao gồm điểm thi và điểm ưu tiên – PV) thì độ chênh giữa điểm xét với điểm học tập sau một năm giữa SV các KV còn hợp lý. Nhưng từ 24,75 điểm trở lên thì điểm học tập của SV đến từ KV1 vẫn ở mức thấp nhất, điểm học tập của SV đến từ KV2 và KV2 NT thì có sự tương đồng với điểm xét tuyển của các em, điểm học tập của SV KV3 có mức cao nhất.

Sẽ giảm mức điểm ưu tiên tuyển sinh vào đại học - ảnh 2

Thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển bằng học bạ. Sẽ có những điều chỉnh về mức điểm ưu tiên trong tuyển sinh đại học. ĐÀO NGỌC THẠCH

Điểm thi càng cao, điểm ưu tiên càng giảm ?

Với những thống kê này, hướng điều chỉnh của Bộ sẽ như thế nào, thưa ông?

Dự kiến là từ mức điểm giỏi (điểm thi), thì điểm ưu tiên của TS sẽ điều chỉnh theo hướng giảm tuyến tính. Còn mức nào được xem là giỏi, 22,5 (đạt 75% so với thang điểm 30 – PV) hay 24 điểm (đạt 80%), thì Bộ còn cân nhắc.

Ví dụ, nếu lấy mốc 24 điểm, thì những TS đạt từ 24 điểm/3 môn trở xuống vẫn sẽ được hưởng điểm ưu tiên như hiện nay (KV1 được cộng 1,5 điểm; KV2 NT được cộng 1 điểm – PV). Nhưng nếu TS đạt mức 25 điểm sẽ chỉ còn được hưởng 5/6 mức điểm ưu tiên, 27 điểm sẽ chỉ còn 3/6… TS 30 điểm thì không còn được điểm ưu tiên. Như vậy sẽ không có chuyện điểm xét vượt quá 30, các ngành điểm cao việc cạnh tranh sẽ công bằng hơn. Nhưng quy định này sẽ áp dụng cho kỳ tuyển sinh năm 2023. Còn kỳ tuyển sinh năm 2022 thì mức điểm ưu tiên vẫn giữ như quy chế cũ.

Còn với TS tự do thì sao, có được hưởng điểm ưu tiên như quy chế cũ?

Bộ đang cân nhắc là cho phép các em được hưởng ưu tiên theo lần hay theo năm. Nếu theo lần thì TS chỉ được hưởng 1 lần ưu tiên, còn theo năm thì Bộ sẽ quy định TS chỉ được hưởng điểm ưu tiên trong 2 năm liên tiếp, kể từ năm các TS tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, quy định này cũng sẽ được thực hiện từ mùa xét tuyển năm 2023.

Tranh cãi về quy định hưởng điểm ưu tiên đối tượng cho TS tự do

Theo Bộ GD-ĐT, dự kiến hôm nay hoặc ngày mai sẽ ban hành chính thức quy chế tuyển sinh ĐH, tuyển sinh CĐ giáo dục mầm non.

Một trong các thay đổi về kỹ thuật quan trọng của quy chế mới là tất cả TS đăng ký nguyện vọng trên hệ thống chung, kể cả những TS đăng ký xét tuyển không theo phương thức dựa vào kỳ thi tốt nghiệp THPT. Một thay đổi khác là TS sẽ đăng ký xét tuyển sau khi kết thúc kỳ thi tốt nghiệp THPT, thay vì đăng ký cùng lúc đăng ký thi tốt nghiệp THPT. Về cơ bản, các quy định này đều nhận được sự đồng thuận cao trong xã hội.

Tuy nhiên, có một nội dung thay đổi gây nhiều tranh cãi, đó là quy định về việc hưởng điểm ưu tiên đối tượng của TS đã tốt nghiệp THPT các năm trước. Sau khi nhận được các ý kiến đóng góp của các nhà chuyên môn và dư luận xã hội, Bộ đã điều chỉnh các nội dung liên quan tới chính sách ưu tiên KV theo hướng hợp lý hơn.

Theo Quý Hiên/TNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)