Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Sẽ giám sát việc giảm lãi suất cho vay

Tạp Chí Giáo Dục

Giảm lãi suất cho vay là một trong những giải pháp thiết thực hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch Covid-19. Ngân hàng Nhà nước sẽ tăng cường giám sát việc thực hiện cam kết của các ngân hàng…
Có tổng cộng 16 ngân hàng (NH) thương mại đã cam kết các giải pháp hỗ trợ nền kinh tế với nguồn lãi vay được cắt giảm hơn 20.000 tỉ đồng từ nay đến cuối năm 2021. Riêng 4 NH Vietcombank, VietinBank, Agribank và BIDV, ngoài gói hỗ trợ chung còn cam kết dành thêm khoảng 4.000 tỉ đồng giảm thêm lãi suất cho doanh nghiệp (DN), người dân ở TP HCM, Bình Dương và các địa phương gặp khó khăn nhất do dịch.
Doanh nghiệp mong được giảm, giãn nợ thêm
Nhiều khách hàng cá nhân và DN cho biết đã được hỗ trợ giảm lãi suất cho vay, cơ cấu lại nợ… Dù vậy, mức lãi suất được giảm chưa nhiều, vẫn có một số DN đang chờ phản hồi từ NH thương mại về chính sách hỗ trợ giảm lãi suất.
Ông Nguyễn Trường Chinh, Giám đốc Công ty TNHH Chế biến thực phẩm Năm Thụy (tỉnh Trà Vinh), cho biết vừa qua, Vietcombank có thông báo giảm lãi suất 1% cho công ty của ông. "Đợt dịch lần trước, NH cũng giảm lãi suất. Tuy giảm 1%/năm không đáng bao nhiêu nhưng trong thời điểm này có ý nghĩa động viên rất lớn" – ông nói.
Ông P.C (ngụ quận Gò Vấp, TP HCM) cho biết công ty của ông, hoạt động sản xuất – kinh doanh trong lĩnh vực thiết bị y tế, vừa được giải ngân khoản vay 50 tỉ đồng từ một NH cổ phần trụ sở tại Hà Nội. Dù vậy, chi nhánh NH yêu cầu công ty phải để lại 1 tỉ đồng trong tài khoản thanh toán để trừ lãi dần cho khoản vay này.
Sẽ giám sát việc giảm lãi suất cho vay - Ảnh 1.
Nhiều doanh nghiệp mong giảm thêm lãi vay

Theo lãnh đạo một số công ty du lịch ở TP HCM, hoạt động kinh doanh của DN đã "đóng băng" nhiều tháng nay nhưng lãi vay NH vẫn phải trả đầy đủ. DN đã nhiều lần liên hệ NH hỏi về thủ tục giảm lãi vay nhưng đến thời điểm này, nhân viên tín dụng vẫn trả lời "đang chờ chỉ đạo từ cấp trên"…
Ông Nguyễn Hữu Nguyên, Giám đốc HTX Nuôi cá tra huyện Châu Phú (tỉnh An Giang), phản ánh đến nay, toàn bộ hội viên HTX chưa nghe nói gì về chính sách hỗ trợ cho vay vốn hay giảm lãi suất NH. "Nhà nước có nhiều đợt hỗ trợ người nuôi cá tra vay vốn NH với lãi suất thấp nhưng ít ai được vay. Lý do là thủ tục rất khó khăn, cũng có trường hợp làm thủ tục xong rồi nhưng phía NH "ngâm" hoài, không chịu giải quyết, có khi kéo dài cả tháng chưa xong" – ông kể.
Theo ông Nguyên, các hộ nuôi cá tra thường giao dịch với NH tư nhân – thường cho vay với số tiền rất ít so với chi phí nuôi cá. Bình quân mỗi ao cá rộng khoảng 1 ha chỉ được vay 500 triệu đồng, trong khi toàn bộ chi phí từ mua con giống, thức ăn chăn nuôi đến nhân công, điện chạy máy chế biến thức ăn… tốn khoảng 12 tỉ đồng. "Hiện NH nào cũng ngại cho vay nuôi cá tra. Vì vậy, đa số người dân đều muốn liên kết với các DN để làm ăn chứ không muốn lệ thuộc NH, càng không mong được nhà nước hỗ trợ vay vốn với lãi suất thấp vì rất khó tiếp cận" – ông Nguyên bộc bạch.
Một vướng mắc khác về chính sách tín dụng được ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel Holdings, đưa ra là các NH vẫn hạ bậc tín dụng khi DN được cơ cấu lại khoản nợ, dẫn đến giảm khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng mới. Vừa qua, nhiều NH cam kết giảm lãi suất nhưng thực tế chỉ một số NH triển khai trên tinh thần tự nguyện nên thỏa thuận thực tế áp dụng chưa hiệu quả, chưa lan tỏa nhiều cho DN và nền kinh tế.
"Do đó, kiến nghị cơ quan quản lý ban hành ngay chính sách với chế tài cụ thể về việc cho khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi suất… nhưng không hạ bậc tín dụng DN để giúp các DN vượt qua khó khăn do dịch bệnh gây ra và trở lại được sau khi dịch được khống chế" – ông Kỳ đề xuất.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HOREA), cũng kiến nghị các NH xem xét giảm lãi suất cho vay khoảng 2%/năm đối với khoản vay của các DN, trong đó có DN bất động sản, nhà đầu tư, khách hàng vay mua nhà. Xem xét không chuyển nhóm nợ (xấu hơn) đối với các khoản vay đến hạn; tạo điều kiện cho các DN, trong đó có DN bất động sản, được tiếp cận khoản vay mới để triển khai thực hiện dự án và tiếp tục giải ngân vốn cho các hợp đồng tín dụng đã ký…
Mới đây, Hiệp hội Nhựa Việt Nam (VPA) cũng đề xuất Chính phủ và các bộ, ngành xem xét giãn nợ vay NH cho các DN trong 6 tháng tới cho các khoản vay ngắn hạn và dài hạn, giảm 2-3 điểm % lãi vay đối với DN đang bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19…
Theo dõi chặt chẽ để hỗ trợ thực chất
Phó Thống đốc Thường trực NH Nhà nước Đào Minh Tú cho biết từ khi có dịch Covid-19, NH Nhà nước đã triển khai rất quyết liệt, đồng bộ việc ban hành Thông tư 01, sau đó là Thông tư 03 nhằm tạo cơ sở pháp lý cho các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Mới đây, Hiệp hội NH Việt Nam đã họp với 16 NH thương mại và thống nhất cam kết các giải pháp hỗ trợ nền kinh tế, với nguồn lãi vay sẽ được cắt giảm khoảng trên 20.000 tỉ đồng từ nay đến cuối năm, tùy quy mô NH. Riêng Vietcombank, VietinBank, Agribank, BIDV còn triển khai miễn phí 100% tất cả loại phí dịch vụ NH cho các địa phương bị ảnh hưởng dịch bệnh nặng như TP HCM, Bình Dương.
Tại NH TMCP Kiên Long (Kienlongbank), tất cả khách hàng đang quan hệ tín dụng với NH bị ảnh hưởng trực tiếp, gián tiếp bởi dịch Covid-19 và thỏa các điều kiện của chương trình sẽ được giảm tối đa 1,5 điểm %/năm lãi suất vay. Tùy theo mục đích và nhu cầu vay vốn, khách hàng còn được hưởng chính sách lãi suất ưu đãi khác…
VietinBank cũng tiếp tục gia tăng biện pháp hỗ trợ, giảm lãi suất cho vay lên tới 1 điểm %/năm cho khách hàng chịu tác động tiêu cực của dịch bệnh. Dự kiến, NH này sẽ cắt giảm lợi nhuận khoảng 6.000 tỉ đồng để hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng dịch trong năm 2021.
"Lần này, NH Nhà nước sẽ tăng cường giám sát việc thực hiện cam kết giảm lãi suất, giảm được bao nhiêu, giảm thế nào, để có sự hỗ trợ thực chất. Các NH phải thường xuyên báo cáo kết quả triển khai biện pháp hỗ trợ như đã tự nguyện cam kết" – Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú khẳng định. Thời gian tới, NH Nhà nước sẽ tiếp tục điều chỉnh Thông tư 01, Thông tư 03 theo hướng tăng cường hỗ trợ về thời điểm được cơ cấu, kéo dài thời hạn được phép cơ cấu các khoản nợ cho DN. 
Cắt giảm lợi nhuận để chia sẻ khó khăn là cần thiết
Theo NH Nhà nước, ngoài việc cơ cấu lại khoản nợ, khoản lãi đến hạn và không chuyển nhóm nợ, việc giảm lãi vay là một trong những giải pháp thiết thực, cụ thể nhất đối với DN lúc này. Từ khi dịch bùng phát đến nay, tính chung tất cả khoản lãi đã được giảm bớt cho DN là vào khoảng 18.830 tỉ đồng.
Một chuyên gia kinh tế cho rằng trong bối cảnh nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, động thái giảm lãi vay của các NH để hỗ trợ DN là cần thiết. Đặc biệt, khi DN đang rất khó khăn nhưng nhiều NH vẫn liên tục báo lãi lớn, đạt mức lợi nhuận cao thì cũng cần san sẻ bớt một phần lợi nhuận để đồng hành với khách hàng. Quá trình giảm lãi vay này cần thực hiện thực chất, hỗ trợ đúng lúc để DN giảm bớt phần nào áp lực tài chính.
 
THÁI PHƯƠNG (theo NLĐ)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)