Sự kiện giáo dụcTin tức

Sẽ khôi phục tuyến đường sắt Đà Lạt – Tháp Chàm

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

UBND tỉnh Lâm Đồng vừa ban hành kế hoạch về tập trung nâng cấp, cải tạo hệ thống giao thông nội thị Đà Lạt từ nay đến năm 2030; trong đó, khôi phục, đưa vào khai thác tuyến đường sắt Đà Lạt – Tháp Chàm phục vụ du lịch. Đây là mục tiêu mở rộng, kết nối vùng, đẩy mạnh phát triển du lịch giữa thành phố Hoa Đà Lạt với thành phố biển Phan Rang trong tương lai.


Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong một chuyến công tác đã khảo sát tuyến đường sắt, đầu máy xe lửa tại Ga Đà Lạt

Đường sắt Đà Lạt – Tháp Chàm khởi công vào năm 1908, theo lệnh của toàn quyền Paul Doumer. Bắt đầu thi công đoạn 38 km giữa Tháp Chàm và Xóm Gòn. Năm 1917 nối dài đến Sông Pha – dưới chân đèo Ngoạn Mục. Năm 1922, công ty thầu khoán châu Á tiến hành xây dựng đường sắt nối Sông Pha tới xã Trạm Hành – Đà Lạt. Năm 1928, đoạn 10 km khó khăn nhất giữa Sông Pha và đèo Eo Gió được hoàn thành. Vào năm 1932, tuyến đường chính thức đi vào hoạt động. Tổng kinh phí xây dựng 200 triệu Franc vào lúc bấy giờ.

Trên toàn tuyến đường sắt dài 84 km, có 12 nhà ga, 5 hầm chui; 2 đoạn đường sắt răng cưa vượt đèo 14 km. Đây là tuyến đường sắt cổ kính và độc đáo nhất; bởi đoạn đường răng cưa vượt đèo có một không hai trên toàn xứ Đông Dương. Sau thời gian khai thác đến năm 1968, tuyến đường sắt Phan Rang – Đà Lạt dừng hoạt động bởi chiến tranh; sau năm 1975 khôi phục lại một phần và đến năm 1986 ngưng hoạt động hoàn toàn. Hiện nay, một công ty du lịch khai thác tuyến đường sắt dài 7 km từ Ga Đà Lạt – Trại Mát (phường 11), chủ yếu phục vụ khách du lịch.


Ga Đà Lạt – điểm cuối tuyến đường sắt Tháp Chàm – Đà Lạt, dài 84 km

Để thực hiện dự án, UBND tỉnh Lâm Đồng đã đề ra các nhóm giải pháp và các nhiệm vụ cụ thể. Giao Sở Giao thông Vận tải Lâm Đồng chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tham mưu về công tác quy hoạch  giao thông vận tải đường sắt; phát triển nguồn nhân lực sẵn sàng tiếp nhận chuyển giao, quản lý, khai thác, vận hành công nghệ mới. Các đơn vị khác liên quan cũng được giao nhiệm vụ khẩn trương nghiên cứu hoàn thiện các cơ chế, chính sách, tạo môi trường thuận lợi, khuyến khích các thành phần kinh tế trong và ngoài nước tham gia đầu tư phát triển giao thông vận tải đường sắt; đẩy nhanh tiến trình đầu tư khôi phục tuyến đường sắt du lịch Đà Lạt – Tháp Chàm hiện đại, khả thi, hiệu quả.


Đầu máy và 2 toa tàu chuyên phục vụ khách du lịch đoàn 7km từ ga Đà Lạt – Trại Mát

Để khôi phục tuyến đường sắt này, Lâm Đồng và Ninh Thuận sẽ phối hợp triển khai thực hiện nhiều phần việc như: Khôi phục tuyến đường sắt nối ga Trại Mát (Đà Lạt) với ga Tháp Chàm (khoảng 76,8 km). Trong đó, cần đầu tư nhiều hạng mục như cải tạo các đoạn đường hiện có; khôi phục và xây dựng mới các nhà ga, các cầu cống đường sắt; khôi phục các hầm chui; xây dựng mới đường ray… Tổng mức đầu tư dự án dự kiến khoảng 24.924 tỷ đồng.

Việc khôi phục, xây dựng vào đưa tuyến đường sắt Đà Lạt – Tháp Chàm đi vào hoạt động là tin vui không những cho ngành đường sắc Việt Nam mà cho cả nhân dân TP.Đà Lạt – Lâm Đồng.

Tin, ảnh: Thanh Dương Hồng

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)