Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Sẽ kích cầu những nhóm hàng tồn kho lớn

Tạp Chí Giáo Dục

Tiếp sau hội nghị tại TP Hồ Chí Minh, hôm qua (26/7), Bộ Công Thương tiếp tục tổ chức Hội nghị góp ý cho đề án tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp (DN). Đa số ý kiến cho rằng, trong những tháng cuối năm 2012, cần có những giải pháp kịp thời để giải cứu DN một cách quyết liệt.

Cần đánh giá đúng tình hình khó khăn
Nhận xét về đề án, ông Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DN có vốn đầu tư nước ngoài cho rằng, Bộ Công Thương cần đánh giá chính xác để có giải pháp đúng. Sáu tháng đầu năm khó khăn không phải cá biệt mà là giai đoạn tiếp theo của quá trình khó khăn từ cuộc khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008. Điều nguy hiểm là ở chỗ đó.

Sản phẩm thép cây của Công ty cổ phần Sản xuất Thép Việt Đức

(Tập đoàn Thép Việt Đức).

 “Nếu không tiếp cận vấn đề theo cả giai đoạn như vậy thì khó tìm giải pháp”. Ông Mại phân tích, mức độ nghiêm trọng của tình hình hiện nay đến đâu đọc đề án chưa thấy hết mức độ. Năm nay đặc biệt khó khăn đối với DN. “Tôi không tin con số 55.000 DN đã “đắp chiếu” mà Bộ Kế hoạch – Đầu tư nêu ra vào tháng 4 vừa qua. Có nhiều thông tin hiện có trên 100.000 DN đang gặp khó khăn. Điều nguy hiểm ở đây là chậm giải quyết. Đề án này phải được gọi là giải cứu DN vì tầm mức như vậy. Nếu để DN tiếp tục khó khăn thì khó có cơ may năm 2013 kinh tế phục hồi và các mục tiêu 2015 – 2020 không thực hiện được”, ông Mại nói.
Theo bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trong các thống kê hiện nay, có 2 chỉ tiêu liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN chưa được đề cập nhiều, đó là chỉ số thất nghiệp và mua sắm. Chẳng hạn, vừa qua có trên 20.000 DN ngừng hoạt động. Trong khi đó, số DN mới thành lập cũng tăng nhưng quy mô DN giảm đi nên tổng lao động giảm. Chính vì vậy nên đã ảnh hưởng đến sức mua, kích cầu.
Đánh giá về đề án, ông Lê Hồng Thăng, Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, đề nghị cần phải có sự bổ sung thêm. Trong đó cần phải đánh giá đúng thực tế hiện nay là tái cơ cấu nền kinh tế chuyển đổi chậm; thanh khoản ngân hàng kém; việc thực thi chính sách thuế, hải quan còn hạn chế; hàng giả chưa giảm… Bởi “nếu nhận định chưa cụ thể thì việc đưa ra giải pháp phấn đấu sẽ thiếu tính quyết liệt”, ông Thăng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng thừa nhận, đúng là cần có đánh giá đúng hơn về mức độ khó khăn để có cách tiếp cận chính xác. Bộ Công Thương sẽ tiếp thu các ý kiến và sẽ đưa vào nội dung đánh giá thực trạng của đề án vì phải nhận định tương đối chính xác thì mới có giải pháp phù hợp.

Tìm lời giải cho bài toán hàng tồn kho và tiếp cận vốn
Một trong những điểm đáng chú ý trong đề án là Bộ Công Thương sẽ tập trung vào việc tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ DN giảm lượng hàng tồn kho, tiếp cận vốn ngân hàng để đẩy mạnh phát triển sản xuất kinh doanh, duy trì tăng trưởng và phát triển.
Trong đó, để giải bài toán hàng tồn kho, giải pháp được đưa ra là thúc đẩy, tìm các biện pháp đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách và các nguồn vốn khác đã được phê duyệt nhằm tiêu thụ các sản phẩm: vật liệu xây dựng, xi măng, sắt thép, thiết bị vệ sinh, thiết bị điện… đồng thời có chương trình kích cầu ở một số nhóm hàng tồn kho lớn. Cùng với đó, Bộ Công Thương sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi, tháo gỡ khó khăn, đề xuất các giải pháp giúp DN giải phóng hàng tồn kho các sản phẩm như: than, quặng titan… khuyến khích DN sử dụng sản phẩm của nhau, nhất là những sản phẩm của DN này là đầu vào của DN khác. Bộ Công Thương cũng sẽ tổng hợp tình hình tồn kho thực tế của các ngành, sản phẩm, các DN đang gặp khó khăn trong tiếp cận vốn, khó khăn trong giải quyết sản phẩm tồn kho để đề xuất Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính phối hợp với các bộ, ngành sớm có giải pháp hỗ trợ. Một trong những giải pháp được Bộ Công Thương đưa ra trong đề án là nghiên cứu cho phép DN thế chấp hàng tồn kho vay vốn. Tuy nhiên, nhận xét về điều này, bà Hằng cho rằng, ngân hàng khó có thể nhận thế chấp hàng tồn vì “hàng có bán được đâu”.
Còn theo ông Mại, trước mắt, giải pháp quan trọng nhất hiện nay là cứu DN đang bên bờ phá sản có khả năng phục hồi, trong đó, cấp thiết nhất hiện nay là vốn. Có nhiều ý kiến cho rằng, Nhà nước cần mở hầu bao chứ không phải chỉ giảm thuế bởi DN “có làm được đâu mà giảm thuế”. “Bộ trưởng Bộ Công Thương nên bàn với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước có chiến dịch giải cứu DN để từ đó Ngân hàng Nhà nước các tỉnh, Sở Công Thương chỉ đạo tiếp DN, ngân hàng tiếp cận nhau để cứu trợ khẩn cấp để làm sao từ tháng 8, 9 vốn đến DN và để DN có thể phục hồi vào năm 2013”, ông Mại hiến kế.
Ở góc độ Ngân hàng Nhà nước, ông Nguyễn Viết Mạnh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng, cho biết, việc giải quyết khó khăn trước mắt nhưng phải đảm bảo ổn định lâu dài vì nếu không 1 – 2 năm sau, quy trình khó khăn lại lặp lại. Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã làm được nhiều việc như: 3 – 4 lần giảm lãi suất; tỷ giá được cam kết sẽ chỉ biến động trong 3%; kêu gọi hạ lãi suất cho vay về 15% và đã được nhiều tổ chức tín dụng hưởng ứng; nhiều đối tượng không khuyến khích vay vốn nay đã được chuyển sang đối tượng khuyến khích… Ông Mạnh cũng cho biết, Ngân hàng Nhà nước đang phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất các lĩnh vực để hỗ trợ lãi suất. Với Bộ Công Thương, Ngân hàng Nhà nước đã có công văn và phối hợp trong việc liệt kê những sản phẩm ngành cơ khí tồn kho nhiều để đề xuất ngân hàng, Chính phủ có giải pháp hỗ trợ.

Thu Hường

Theo Báo Tin Tức

Bình luận (0)