Sự kiện giáo dụcTiêu điểm

Sẽ phải tăng giá điện, nhưng có lộ trình

Tạp Chí Giáo Dục

 Không điều chỉnh giá điện sẽ không ai đầu tư, điện sẽ trở thành “thức ăn” của ngành công nghiệp, nhà nước phải bù lỗ… đó là lý do mà theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam thời gian tới nhà nước sẽ phải tăng giá, nhưng có lộ trình.

EVN phải rút kinh nghiệm
Chủ trì cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7 vào chiều nay 30.7, theo ông Đam, hiện còn một loạt các mặt hàng mà giá đang phải điều chỉnh cho tiến dần tới cơ chế thị trường, trong đó quan trọng là giá điện. Nếu bao cấp giá điện mãi sẽ để lại nhiều hệ lụy như giá than bán cho điện thấp hơn giá thành. Đặc biệt thời gian qua đã xảy ra tình trạng các đối tượng buôn lậu than bằng đường biển bán vòng ra nước ngoài, cuộc họp vừa rồi Chính phủ đã phải thảo luận nghiêm túc về vấn đề này.
Bên cạnh đó, nếu giá điện thấp, Nhà nước phải bù lỗ và tất cả doanh nghiệp (DN) sẽ không đầu tư công nghệ hiện đại để tiết kiệm điện, cuối cùng sinh ra một nền công nghiệp lạc hậu. Ông lấy ví dụ, trong một thời gian dài cả nước rộ lên cán thép, bởi giá điện thấp, các DN chạy đua để “ăn” lãi do chênh giá. Ngoài ra, ngân sách cũng có hạn không thể tiếp tục đầu tư toàn bộ nên phải kêu gọi tư nhân, mà đã kêu gọi tư nhân thì không thể để giá quá thấp vì sẽ không có ai đầu tư.
Do đó ông Đam hẳng định: “Giá phải điều chỉnh. Nhưng thu nhập của người dân thấp hơn quốc tế nên không thể tính theo giá quốc tế, như vậy sẽ rất khó khăn”.
Cũng theo ông Đam, hiện nay ngoài thủy điện do tự nhiên và tiềm năng, hầu hết các loại khác như nhiệt điện, điện khí… đều phải đầu tư thiết bị tốn kém, nhập khẩu. Vì vậy, giá điện phải điều chỉnh và Nhà nước tính toán thay vì hỗ trợ chung nhất cho cả ngành điện thì hỗ trợ cho người dân, nhất là người nghèo. “Điều hành tăng giá điện nhưng sẽ có chính sách hỗ trợ cho người nghèo, Nhà nước bao cấp cho một số điện nhất định”, ông Đam nói thêm.
Giải thích thêm giá điện tăng nhưng phải có lộ trình, theo ông Đam, vì nếu tăng ngay giá điện đầu vào sản xuất, một số ngành đang cạnh tranh yếu lại càng khó hơn. “Chính vì lý do này mà nhiều năm nay không thể điều chỉnh giá điện ngay mà phải có lộ trình. Điều chỉnh không khéo lập tức kéo theo yếu tố tâm lý. Như trường hợp tiền lương chưa tăng đến tay, bát phở đầu phố đã tăng. Tuy nhiên, nếu được giải thích rõ, xã hội, người dân sẽ hiểu. Nhà nước cũng khuyến khích DN bằng cơ chế tài chính, thuế để DN đầu tư vào công nghệ hiện đại hơn”, ông Đam cho biết và khẳng định thêm thời điểm tăng cụ thể thì phải căn cứ vào chỉ số giá CPI, và ngành điện phải rút kinh nghiệm tăng cho có lộ trình, làm truyền thông cho thật tốt.

Giá điện buộc phải điều chỉnh khi nhà nước không đủ sức bao cấp – Ảnh: Ngọc Thắng
Không lơ là lạm phát
Trước đó, khái quát lại tình hình kinh tế 7 tháng, theo ông Đam, chỉ số CPI sau mấy tháng âm, kể từ tháng 4 đến nay khi điều chỉnh một số mặt hàng, có tăng lên, cộng lại 7 tháng tăng 2,68% so với cuối năm 2012. So với năm ngoái và trước nữa, mục tiêu Quốc hội đặt ra kiềm chế lạm phát thấp hơn năm ngoái (khoảng 7%) là khả thi. Nhiều ý kiến đề nghị cần kích cầu nhưng Chính phủ bàn kỹ và phân tích ý kiến chuyên gia, qua đó khẳng định việc giữ ổn định vĩ mô là trọng tâm không thể lơ là.
“Năm ngoái làm tốt, nhưng chỉ đến tháng 9 lơ là, lập tức tăng 2%. Ngoài yếu tố tiền tệ, giá cả chịu ảnh hưởng lớn tâm lý rất lớn càng phải thận trọng”, ông Đam lưu ý.
Một tín hiệu tích cực khác là chỉ số sản xuất công nghiệp đã tăng, riêng tồn kho đã quay về mức bình thường nên tại cuộc họp này các thành viên Chính phủ nhất trí không đề cập tới tồn kho bởi DN đã điều chỉnh quy mô và sản lượng.
Tuy nhiên, khó khăn bao trùm theo Bộ trưởng Đam do tổng cầu yếu quá – sức mua kém. "Người dân người làm công ăn lương có thu nhập thì mua bán nhiều hơn, các DN sẽ tăng sản xuất. Nếu sức mua yếu thì phải tăng cầu lên nhưng không cẩn thận, cung thêm tiền ra lại bị lạm phát. Do đó phải tiếp tục kiên trì, ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, khẳng định nền kinh tế đang đi đúng hướng và theo mục tiêu lâu dài”, ông Đam kết luận.
Theo TNO

 

Bình luận (0)