Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Sẽ phân tầng chất lượng bằng đại học

Tạp Chí Giáo Dục

Việc các trường ngoài công lập đưa ra một số đề xuất ưu ái hơn trong tuyển sinh và việc tỉnh Nam Định “nói không” với người tốt nghiệp đại học dân lập, tư thục trong kỳ tuyển công chức nhà nước, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga chia sẻ:

Thí sinh bắt đầu biết lựa chọn nơi học. Trong ảnh: thí sinh ghi hồ sơ đăng ký dự thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2011 tại Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM – Ảnh: Như Hùng
– Nếu nói cách làm của tỉnh Nam Định là trái luật khi thể hiện sự phân biệt đối xử giữa trường công lập và ngoài công lập thì các trường ngoài công lập không nên đề xuất một hướng tuyển sinh khác với quy định chung cho tất cả các trường ĐH, CĐ, yêu cầu mình phải được hưởng những ngoại lệ so với trường công, hạ thấp hơn điều kiện tuyển sinh. Bởi càng làm như vậy càng khó thuyết phục xã hội về sự bình đẳng chất lượng với trường công lập.
Về phía Bộ GD-ĐT, chúng tôi sẽ kiên quyết không chấp nhận có ngoại lệ trong tuyển sinh đối với các trường ngoài công lập. Điều này thể hiện quan điểm của Bộ GD-ĐT không nhân nhượng cho việc hạ chất lượng đào tạo. Các trường ngoài công lập muốn xóa được sự phân biệt đối xử của xã hội thì cần phải đảm bảo ngưỡng tối thiểu được đặt ra chung cho tất cả các trường. Nếu chúng tôi cho phép các trường ngoài công lập được tuyển sinh với tiêu chí thấp hơn trường công, liệu chúng tôi có thể lên tiếng bảo vệ quyền lợi của người tốt nghiệp từ các trường ngoài công lập trong những tình huống như ở Nam Định không?
 
"Dù bộ có đồng ý việc này, một số trường vẫn không thể thay đổi được tình thế. Vì hiện nay người học đang có nhiều sự lựa chọn và bắt đầu tìm kiếm những nơi học có chất lượng"

Ông Bùi Văn Ga

* Nhưng nhiều người cho rằng không thể coi tuyển sinh là yếu tố quyết định chất lượng của “sản phẩm” đầu ra. Các trường ĐH cần sớm được mở rộng đầu vào nhưng siết chặt đầu ra, thực hiện cơ chế đào thải trong quá trình đào tạo để đảm bảo chất lượng. Ý kiến ông thế nào?

– Vấn đề ở chỗ các trường ngoài công lập không dám thực hiện việc mạnh tay đào thải trong quá trình đào tạo. Hoặc ít nhất cũng chưa dám làm việc đó vào thời điểm này. Khi yêu cầu một cơ chế tuyển sinh đặc thù, có ngoại lệ cho mình, phần lớn trường vẫn tập trung vào việc phải tuyển được đủ chỉ tiêu, tức là tuyển được nhiều sinh viên hơn để tồn tại. Như vậy phần lớn trường vẫn đang đứng trước áp lực và tập trung quan tâm đến số lượng tuyển sinh hơn là chất lượng đào tạo.
Chưa có trường ĐH ngoài công lập nào công bố được tỉ lệ đào thải, sàng lọc SV qua từng năm. Nếu không có tiêu chí khống chế ngưỡng chất lượng tối thiểu đầu vào tuyển sinh, các trường ngoài công lập có dám thực hiện sàng lọc mỗi năm 30-50% SV đã tuyển không? Tôi dám chắc là không. Nếu đã không nghiêm túc sàng lọc thì không thể nói với chất lượng đào tạo của các trường ngoài công lập hiện nay có thể thoải mái đầu vào mà chất lượng đầu ra vẫn tương đương các trường ĐH công lập.
Với những trường ngoài công lập đã tuyển ở mức bằng điểm sàn, giờ đang đề xuất tuyển dưới điểm sàn, sau một năm học nếu các trường không loại được 50% số SV thì xã hội khó tin tưởng vào chất lượng. Bên cạnh việc thực hiện cơ chế đào thải trong quá trình đào tạo, các trường vẫn phải đảm bảo “ngưỡng tối thiểu” trong tuyển sinh đầu vào, phải đảm bảo các điều kiện về đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, nghiên cứu… mới có thể nói chuyện về chất lượng.
Mặt khác, chúng tôi thừa nhận hiện nay còn có một lý do phải siết chặt điều kiện tuyển sinh đầu vào vì chúng ta chưa hoàn thiện được cơ chế kiểm định, đánh giá chất lượng đào tạo. Việc kiểm tra, giám sát xem từng trường có thực hiện đúng cam kết về cơ chế đào thải cũng chưa thực hiện tốt được.
* Có không ít ý kiến cho rằng một trong những lý do ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng đào tạo là do có quá nhiều trường ĐH được thành lập tràn lan trong thời gian qua?
– Khi một trường ĐH được thành lập mới hay mở ngành đào tạo đã phải đảm bảo theo một quy trình phê duyệt với các quy định chặt chẽ. Nhưng đó chỉ là xuất phát điểm. Để tạo nên uy tín, thanh thế tên tuổi của trường cần có một quá trình mà tôi khẳng định là không thể ngắn hạn được. Một khóa đào tạo có “sản phẩm” ra phục vụ xã hội đã phải mất bốn năm. Để xã hội đánh giá và ghi nhận còn phải cần thời gian dài hơn.
Trên thực tế trường ĐH có vài chục năm xây dựng và phát triển vẫn còn phải liên tục nỗ lực, vất vả với việc xây dựng uy tín, tên tuổi. Vì vậy với những trường ĐH mới thành lập một vài năm không thể đã nóng ruột, càng không thể muốn thu hồi được vốn đầu tư, có lợi nhuận. Việc nóng vội chỉ nhìn thấy những mục tiêu trước mắt, muốn ngay lập tức tuyển sinh được càng nhiều SV để có nguồn thu mà không có chiến lược để duy trì, phát triển chất lượng thì các trường sẽ không thể tồn tại lâu dài.
Hiện nay, Bộ GD-ĐT đã có các đoàn thanh tra đi kiểm tra việc tuyển sinh và việc đảm bảo chất lượng đào tạo ở các trường ĐH-CĐ. Đây chỉ là giải pháp trước mắt để ngăn sự tụt lùi chất lượng đào tạo. Về lâu dài, bộ đang nghiên cứu hướng đổi mới tuyển sinh và đề xuất các giải pháp để kiểm soát, đánh giá chất lượng đào tạo của các trường chuẩn xác hơn. Đồng thời xây dựng nhiều quy định mới tăng quyền tự chủ của các trường ĐH trong tuyển sinh, đào tạo, tự in và cấp bằng tốt nghiệp để tự chịu trách nhiệm trước xã hội về sản phẩm đào tạo của mình…
* Điều đó sẽ khiến các trường ĐH thật sự có sự phân tầng chất lượng và tạo ra sự khác biệt trong chất lượng của những tấm bằng tốt nghiệp ĐH, thưa ông?
– Trong tương lai sẽ phải có sự phân tầng các trường ĐH rõ rệt hơn. Và cho dù luật quy định bằng tốt nghiệp ĐH chính quy của trường công và tư đều có giá trị pháp lý tương đương nhau nhưng sẽ có sự khác biệt rất rõ ràng. Đó là sự khác biệt về chất lượng gắn với tên tuổi mỗi trường, không phải sự khác biệt của bằng tốt nghiệp trường công với trường tư, mà của những trường có chất lượng với các trường kém chất lượng hơn. Và quyền đánh giá, thừa nhận chất lượng của mỗi trường thuộc về xã hội, người học và người sử dụng lao động… 
Trên cơ sở các quy định về đào tạo, bằng cấp, đánh giá chất lượng, Bộ GD-ĐT sẽ đề xuất với Chính phủ, các bộ ngành khác có những quy định mới hoặc điều chỉnh các quy định về tuyển dụng, sử dụng cho phù hợp; tạo cơ chế phù hợp để các cơ quan tuyển dụng có thể tùy thuộc vào đặc thù của từng lĩnh vực, yêu cầu đối với từng vị trí công việc để tuyển dụng trên cơ sở ngành nghề và chất lượng đào tạo của mỗi trường. Họ có thể đặt ra những quy định chỉ tuyển người tốt nghiệp những trường A hay B với lý do chất lượng đào tạo tốt, đáp ứng yêu cầu công việc.
Theo THANH HÀ – VĨNH HÀ 
(TTO)

Bình luận (0)