Ông Phạm Hồng Hải – Ảnh: K.H. |
Như chúng tôi đã đưa tin, sau loạt bài phản ánh về những bất cập của trò chơi nhắn tin Chiếm hữu, các đài phát thanh – truyền hình đã ngưng phát sóng quảng bá trò chơi, còn Bộ Thông tin – truyền thông cho biết đã yêu cầu các doanh nghiệp hạ tầng mạng báo cáo tình hình sử dụng đầu số nhắn tin vào việc cung cấp dịch vụ nội dung.
Hôm qua (15-9), Tuổi Trẻ đã trao đổi với ông Phạm Hồng Hải – vụ trưởng Vụ Viễn thông, Bộ Thông tin – truyền thông, xung quanh nội dung này. Ông Hải nói:
– Hiện nay, Bộ Thông tin – truyền thông quản lý các đầu số liên quan đến phát triển thuê bao (đầu số điện thoại cố định, điện thoại di động), còn các đầu số nhắn tin không phát triển thuê bao thì bộ coi đó là các đầu số nghiệp vụ để liên lạc giữa các doanh nghiệp viễn thông nên các doanh nghiệp hạ tầng mạng quản lý.
Thời gian qua, các doanh nghiệp hạ tầng mạng đã kết hợp với doanh nghiệp nội dung để sử dụng đầu số nhắn tin vào cung cấp dịch vụ nội dung rất tốt, tổng doanh thu trong một năm của loại hình dịch vụ này khoảng 5.000 tỉ đồng. Cùng với đó là sự ra đời của hàng trăm doanh nghiệp nội dung.
* Quan điểm của ông thế nào về ý kiến cho rằng cước của các dịch vụ nội dung cao và việc thông báo mức cước còn mập mờ khiến nhiều khách hàng có cảm giác bị lừa?
– Hiện nay bộ không quản lý mức cước này vì đó là một dịch vụ gia tăng. Tôi cho rằng giá cước cao hay thấp tùy khách hàng đánh giá trên cơ sở so sánh với chất lượng thông tin được cung cấp. Nếu khách hàng thấy 15.000 đồng/tin nhắn để có một bản nhạc chuông là hợp lý thì họ bỏ tiền ra. Vấn đề là các doanh nghiệp phải công khai, minh bạch giá cước, doanh nghiệp nào mập mờ, gian lận thì xử lý.
Dịch vụ nội dung đã trở thành một trong những dịch vụ phổ biến như dịch vụ điện thoại. Tuy nhiên, do đây là dịch vụ tác động nhiều đến xã hội, tác động đến ngành công nghiệp nội dung và trong quá trình phát triển “trăm hoa đua nở” vừa qua đã xuất hiện nhiều vấn đề như dịch vụ đưa ra chưa hợp lý, có vấn đề về mặt nội dung, tức là đã xuất hiện mặt trái nên Bộ Thông tin – truyền thông dự kiến đưa các đầu số nhắn tin vào diện quản lý để hạn chế mặt trái, tạo điều kiện cho dịch vụ phát triển tốt hơn.
Hiện tại bộ đã yêu cầu các doanh nghiệp hạ tầng mạng báo cáo xem đã cấp đầu số nào, cấp cho ai, giá cả thế nào, lưu lượng ra sao…
* Thưa ông, như vậy lâu nay thông tin của các dịch vụ nội dung không được quản lý?
– Việc cung cấp thông tin thông qua đầu số nhắn tin do doanh nghiệp hạ tầng mạng chịu trách nhiệm. Vì thế, doanh nghiệp hạ tầng mạng phối hợp với doanh nghiệp nội dung để đưa ra dịch vụ gì, nội dung thông tin ra sao thì họ phải tính toán. Trong trường hợp thông tin đó vi phạm các quy định, có tính chất lừa đảo thì cơ quan công an sẽ xác định và xử lý.
* Tới đây bộ sẽ quản lý việc cung cấp dịch vụ nội dung như thế nào?
– Bộ đang lấy ý kiến của các doanh nghiệp trước khi đưa ra quy định cụ thể. Tinh thần là bộ sẽ quản lý các đầu số nhắn tin và cấp đầu số này cho các doanh nghiệp với yêu cầu buộc các doanh nghiệp phải phối hợp với nhau đưa đầu số đó vào hoạt động.
Khi đó, các doanh nghiệp cung cấp nội dung sẽ chịu trách nhiệm về thông tin mình cung cấp, còn doanh nghiệp hạ tầng mạng chỉ là người chuyển tải thông tin. Như vậy, việc quản lý dịch vụ sẽ tốt hơn, nếu phát sinh khiếu nại sẽ giải quyết dễ dàng hơn và tạo điều kiện phát triển tốt hơn cho ngành công nghiệp nội dung.
Ngoài ra, các doanh nghiệp nội dung còn đề nghị bộ can thiệp vào quá trình đàm phán giữa doanh nghiệp nội dung và doanh nghiệp hạ tầng mạng trong việc hợp tác khai thác các đầu số, vì hiện nay tỉ lệ ăn chia giữa các doanh nghiệp rất khác nhau và không theo nguyên tắc nào. Tuy nhiên, đây là thỏa thuận giữa các doanh nghiệp nên có thể bộ sẽ không can thiệp. Trong trường hợp cước dịch vụ trở thành vấn đề lớn thì bộ cũng sẽ can thiệp.
K.HƯNG (Theo TTO)
Bình luận (0)