Với những luận án tiến sĩ có phản ánh và có ý kiến của dư luận, Bộ GD-ĐT sẽ tiến hành thẩm định theo đúng quy chế hiện hành.
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy (Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT)
Xung quanh đề tài luận án tiến sĩ về “cầu lông” đang xôn xao dư luận, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy (Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT) đã cho biết thông tin trên đồng thời có những phản hồi chi tiết.
Đánh giá luận án phải tuân thủ quy trình 3 bước
+ PV: Thưa Vụ trưởng, dư luận gần đây xôn xao về những tên đề tài luận án tiến sĩ mà có vẻ như không thấy được hàm lượng khoa học hay ý nghĩa về mặt thực tiễn. Từ đây, rất nhiều câu hỏi lại đặt ra về chất lượng của các luận án tiến sĩ. Bà có chia sẻ gì về vấn đề này?
– PGS.TS Nguyễn Thu Thủy: Theo quy chế đào tạo tiến sĩ của Bộ GD-ĐT, yêu cầu đối với luận án tiến sĩ phải là báo cáo tổng hợp kết quả học tập và nghiên cứu của nghiên cứu sinh; thể hiện nghiên cứu sinh có khả năng độc lập nghiên cứu, sáng tạo tri thức mới có giá trị làm gia tăng tri thức khoa học của lĩnh vực nghiên cứu hoặc đề xuất những ý tưởng, giải pháp mới giải quyết những vấn đề đang đặt ra ở lĩnh vực nghiên cứu trong những hoàn cảnh thực tiễn cụ thể.
Việc đánh giá luận án phải tuân thủ quy trình 3 bước như sau: Đánh giá luận án ở đơn vị chuyên môn, gửi lấy ý kiến nhận xét đối với luận án của phản biện độc lập và bảo vệ luận án tại hội đồng cấp trường/viện.
Người phản biện luận án là những nhà khoa học, chuyên gia ở Việt Nam hoặc ở nước ngoài (ít nhất có người không công tác tại cơ sở đào tạo), có kinh nghiệm nghiên cứu khoa học và chuyên môn phù hợp với đề tài nghiên cứu của luận án. Thành viên hội đồng đánh giá luận án phải là những nhà khoa học có tiêu chuẩn như người hướng dẫn, trong đó chủ tịch hội đồng phải là giáo sư hoặc phó giáo sư ngành phù hợp với chuyên môn của đề tài luận án. Yêu cầu phải công bố kết quả nghiên cứu của đề tài luận án trên các tạp chí, sách chuyên môn tham khảo, hội nghị khoa học trong hoặc ngoài nước; đăng tải thông tin buổi bảo vệ luận án, nội dung toàn văn luận án trên trang thông tin của Bộ GD-ĐT, của các cơ sở đào tạo trước và sau khi bảo vệ luận án đã bổ sung thêm một kênh công khai, minh bạch hóa thông tin để tiếp nhận sự phản hồi, phản biện của xã hội và của những ai quan tâm đến đề tài luận án.
Ngoài ra, quy chế còn quy định Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức thẩm định nội dung một số luận án tiến sĩ khi có phản ánh, khiếu nại hoặc tố cáo hay theo yêu cầu của công tác quản lý, kiểm tra và giám sát.
Như vậy, quy định về việc đánh giá chất lượng luận án, hàm lượng khoa học của từng luận án là minh bạch, rõ ràng và trước hết là trách nhiệm của cơ sở đào tạo, của người hướng dẫn, của đơn vị chuyên môn và của các nhà khoa học tham gia vào các bước đánh giá luận án, trong đó vai trò của người hướng dẫn là quan trọng nhất. Việc này cũng gắn liền với uy tín của người hướng dẫn, của hội đồng đánh giá và của cơ sở đào tạo. Những quy định này cũng đặt ra yêu cầu cho các cơ sở đào tạo, người hướng dẫn khoa học, những nhà khoa học được tin tưởng giao trọng trách cầm cân nảy mực phản biện luận án… phải luôn đề cao đạo đức khoa học, nghiêm minh, trung thực, khách quan, không nể nang dễ dãi trong quá trình đào tạo và đánh giá để nâng cao chất lượng đầu ra của sản phẩm.
Tránh duyệt những tên đề tài có phạm vi quá hẹp
+ Bộ GD-ĐT có khuyến cáo gì với các cơ sở đào tạo trong việc đảm bảo chất lượng đào tạo tiến sĩ, thưa bà?
– Về mặt hệ thống, Bộ GD-ĐT thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về giáo dục ĐH và thực hiện vai trò giám sát, thanh tra, kiểm tra. Bộ luôn yêu cầu các cơ sở đào tạo chủ động, thực hiện trách nhiệm giải trình trong quá trình đào tạo; đồng thời, đề nghị các bên liên quan và toàn xã hội tiếp tục tăng cường giám sát, phản ánh, tư vấn… nhằm tăng cường chất lượng đào tạo các trình độ của giáo dục ĐH, trong đó có đào tạo tiến sĩ.
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy cho biết, Thông báo Kết luận thanh tra số 638/TB-TTCP ngày 29-4-2022 của Thanh tra Chính phủ về công tác quản lý tài chính, tài sản công, thực hiện các dự án đầu tư; tổ chức hợp tác nghiên cứu, đào tạo, liên kết đào tạo, cấp bằng thạc sĩ, tiến sĩ giai đoạn 2015-2019 của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam gồm rất nhiều nội dung. Liên quan đến đào tạo trình độ thạc sĩ, trình độ tiến sĩ, thông báo đã chỉ ra: “Công tác tuyển sinh, đào tạo, quản lý đào tạo từ năm 2017 đến nay cơ bản thực hiện theo các quy định của Nhà nước” và “Trước năm 2017, công tác đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ còn nhiều khuyết điểm, sai phạm (từ năm 2017 đến nay đã cơ bản được khắc phục)”. Tuy nhiên, Thanh tra Chính phủ vẫn kiến nghị: “Yêu cầu Học viện Khoa học xã hội bổ sung đầy đủ quy trình đào tạo”. Từ năm 2017 đến nay, Học viện Khoa học Xã hội đã được thanh tra, kiểm tra bởi 3 cơ quan chức năng: Bộ GD-ĐT, Kiểm toán Nhà nước và Thanh tra Chính phủ. Do vậy, công tác tuyển sinh và đào tạo của Học viện thường xuyên được chỉ đạo, chấn chỉnh theo hướng đảm bảo đúng quy định và ngày càng cải tiến chất lượng. Bộ sẽ tiếp tục rà soát, chấn chỉnh, làm việc trực tiếp với Học viện Khoa học xã hội và Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam để làm rõ các nội dung liên quan. Song song với việc thanh tra, kiểm tra của các cơ quan chức năng, Bộ vẫn triển khai thực hiện chức năng quản lý Nhà nước và cùng các bên liên quan giám sát việc thực hiện, giải trình của các cơ sở giáo dục ĐH. Bộ luôn đánh giá cao quá trình giám sát, phản ánh và phản biện của xã hội, cộng đồng khoa học. |
Đối với đào tạo tiến sĩ – bậc học cao nhất trong hệ thống, đào tạo nhân lực có trình độ cao – các cơ sở đào tạo phải tập trung nâng cao chất lượng, không chạy theo số lượng. Chú trọng việc công khai minh bạch quy trình lựa chọn và giao đề tài luận án cho nghiên cứu sinh. Trên thực tế, việc đánh giá luận án không chỉ ở tên đề tài mà còn ở nội dung, giá trị khoa học và giá trị thực tiễn, được cộng đồng khoa học trong lĩnh vực nghiên cứu đó chấp nhận. Tuy nhiên, các hội đồng xét duyệt và người hướng dẫn cần nghiêm túc, nghiêm minh; không duyệt những tên đề tài có phạm vi quá hẹp, không đủ tầm của một luận án tiến sĩ, gây dư luận xã hội như đang được lan truyền; đặc biệt đối với những luận án thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và quản lý.
Triển khai thực hiện Khung trình độ quốc gia của Việt Nam, Bộ đã xây dựng và ban hành chuẩn chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục ĐH, trong đó cốt lõi của cấu trúc và nội dung chương trình đào tạo tiến sĩ là nghiên cứu khoa học và luận án tiến sĩ với khối lượng học tập chiếm đến 80%. Chương trình đào tạo của các cơ sở đào tạo tiến sĩ phải tuân thủ chuẩn này và đáp ứng chuẩn đầu ra bậc 8 theo Khung trình độ quốc gia của Việt Nam. Đây là một trong những căn cứ để người hướng dẫn xem xét đồng ý cho phép nghiên cứu sinh được nộp luận án để thực hiện các bước đánh giá tiếp theo, đồng thời thành viên các hội đồng phải bám sát các yêu cầu này khi đánh giá luận án tiến sĩ…
Mê Tâm (Thực hiện)
Bình luận (0)