Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Sẽ tháo gỡ khó khăn về kinh phí bồi dưỡng giáo viên

Tạp Chí Giáo Dục

Sáng 21-7, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM Văn Thị Bạch Tuyết đã chủ trì buổi giám sát Sở GD-ĐT TP.HCM về tình hình thực hiện Nghị quyết 88 và Nghị quyết 51 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông.

Tại đây, ông Nguyễn Văn Hiếu – Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM – thông tin, TP đã tập huấn giáo viên (GV) theo hình thức cuốn chiếu, bước đầu là GV dạy lớp 1 trong năm học 2020-2021. Sở cũng đang tiến hành bồi dưỡng đội ngũ sử dụng SGK, dự kiến tổ chức 4 ngày, từ 29-7 đến 2-8.

Đối với việc chọn SGK, 80% trường chọn bộ “Chân trời sáng tạo” của NXB GDVN phát hành. Việc chọn sách khách quan, minh bạch bởi hội đồng chọn sách mỗi trường và tôn trọng quyền chọn sách của GV.

Về đội ngũ, TP đang gặp khó khăn trong tuyển dụng, đặc biệt là GV tiếng Anh và tin học. Hai môn học này chưa có vị trí việc làm, đội ngũ thường xuyên biến động. Ngoài các trường ĐH sư phạm, quận, huyện không tuyển được nguồn từ các trường ĐH khác do không có nghiệp vụ sư phạm.

“Mỗi năm TP thiếu hàng trăm GV tiếng Anh, tin học, sở đã kiến nghị nhiều lần và Bộ GD-ĐT đã hứa sẽ bổ sung đề án vị trí việc làm hai môn học này trong biên chế GV trường tiểu học”, ông Hiếu cho biết.

Về cơ sở vật chất, TP đã đạt 291 phòng học /10.000 dân trong độ tuổi đi học (3-18 tuổi), rất gần đến đích 300 phòng/10.000 dân theo Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ TP lần thứ X của TP; nhưng có những quận, huyện chỉ 230 phòng học/10.000 dân.

“Chương trình thiết kế tối thiểu 23 tiết/tuần vẫn dạy được 5 buổi/tuần nhưng số tiết ít thì chỉ dạy nội dung trong SGK, không tổ chức được các hoạt động khác. Như vậy sẽ không đảm bảo được mục tiêu nâng cao năng lực, phẩm chất HS, thiệt thòi cho các em”, ông Hiếu nói.

Liên quan đến kinh phí chi cho GV tham gia bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, ông Hiếu cho rằng theo Thông tư 36, GV phải tự bỏ tiền. Như vậy sẽ gặp khó khăn và không phù hợp. Vì bồi dưỡng, nâng cao trình độ thực hiện đại trà theo nghị quyết của Quốc hội để thực hiện chương trình mới chứ không phải nhu cầu riêng của từng GV. Sở đã kiến nghị Bộ GD-ĐT nhưng trong văn bản bộ ghi kinh phí bồi dưỡng là do ngân sách TP chi trả. Nếu lấy chi thường xuyên chi cho 100% GV bồi dưỡng thì nhà trường không còn tiền chi cho các hoạt động khác…

Phát biểu tại đây, bà Tuyết nhấn mạnh, ngành GD TP có những thuận lợi và sự chủ động khi bước vào thực hiện chương trình mới vì trước đó ngành đã có chủ trương đổi mới phương pháp giảng dạy, phát triển kỹ năng sống cho HS bằng việc bổ sung nhiều nội dung vào chương trình ngoài giờ.

Bà Tuyết cũng chia sẻ những khó khăn của ngành GD trong việc triển khai Nghị quyết 88 và Nghị quyết 51 về áp lực tăng HS, thiếu phòng học, thiếu GV nhưng vẫn đảm bảo tỉ lệ 100% HS lớp 1 học 2 buổi/ngày trong năm học tới.

Liên quan đến khó khăn trong kinh phí bồi dưỡng GV, bà Tuyết đề nghị Sở GD-ĐT phối hợp với Sở Tài chính tham mưu UBND TP, kiến nghị HĐND giải quyết. Về phía đoàn sẽ có văn bản gửi Chính phủ, Bộ GD-ĐT, Bộ Tài chính để nghiên cứu. Những nội dung khác, đoàn sẽ phản ánh với các ngành chức năng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Trong công tác tuyển dụng, bà Tuyết cho rằng Sở GD-ĐT cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với quận, huyện để tuyển đủ GV; phối hợp với Sở Nội vụ để có giải pháp trước mắt cho GV dạy từng môn ở tiểu học và các cấp học khác.

Chuẩn bị bước vào thực hiện chương trình mới, bà Tuyết mong muốn Sở GD-ĐT quan tâm nhiều hơn đến HS hộ nghèo và cận nghèo trong việc chuẩn bị SGK.

Minh Phương

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)