Ngày 4-8, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức phiên họp tham vấn ý kiến về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) nhằm tiếp tục lắng nghe ý kiến góp ý hoàn thiện dự thảo luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trong một phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh, Luật Đất đai (sửa đổi) là dự án luật rất quan trọng. Đến nay dự thảo có 12 nội dung lớn còn có ý kiến khác nhau như phân loại đất, quy định về việc Thủ tướng Chính phủ ban hành khung chính sách về hỗ trợ đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất…
Tại phiên họp, các đại biểu thống nhất cho rằng, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) mới nhất đã được hoàn thiện, chỉnh lý kỹ lưỡng, chất lượng được nâng lên một bước so với dự thảo luật trình ra Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 vừa qua. Các đại biểu đã đóng góp ý kiến về một số nội dung lớn, như: chính sách đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số; quyền và nghĩa vụ của tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng đất thuê trả tiền hàng năm; điều kiện chuyển nhượng đất trồng lúa; nguyên tắc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; kế hoạch sử dụng đất cấp huyện…
Việc thu hồi đất để phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng là nội dung nhận được nhiều ý kiến góp ý tại phiên họp. Các đại biểu ủng hộ quan điểm cần sử dụng vốn ngân sách tạo quỹ đất sạch (tức là dùng vốn ngân sách để đền bù, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng) để thực hiện đấu thầu, đấu giá. Đây là giải pháp tốt nhất để xử lý địa tô chênh lệch và cũng là giải pháp tốt nhất đề xử lý hài hòa mối quan hệ lợi ích giữa người bị thu hồi đất, Nhà nước và nhà đầu tư. Do đó, các ý kiến cũng đồng tình với quy định tại dự thảo luật về mức phân bổ tối thiểu 10% nguồn thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất hàng năm của địa phương cho Quỹ phát triển đất để tổ chức phát triển quỹ đất có đủ năng lực tài chính thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng, tạo quỹ “đất sạch” thực hiện đấu thầu, đấu giá.
Ông Trần Văn Lâm, Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách, cho rằng, do không thể minh bạch, phân định rạch ròi đâu là phần lợi nhuận của nhà đầu tư, đâu là phần địa tô chênh lệch khiến việc đền bù, thu hồi đất có nhiều bức xúc, khiếu kiện. Ông đề nghị quy định Nhà nước thu hồi đất rồi tổ chức đấu giá, đấu thầu để khắc phục tình trạng này. Như vậy sẽ giải quyết được vấn đề dự án lập nên không qua đấu giá, đấu thầu, nhà đầu tư có lợi nhuận khủng, lại không cần phân phối cho người sở hữu đất ban đầu…
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh khẳng định, Thường trực Ủy ban Kinh tế sẽ phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu tối đa các ý kiến để tiếp tục hoàn thiện dự thảo luật. Tới đây, Thường trực Ủy ban Kinh tế sẽ làm việc riêng với Thường trực Hội đồng Dân tộc để thảo luận kỹ và thống nhất về chính sách đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số.
PHAN THẢO (theo SGGP)
Bình luận (0)