Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Sẽ thay đổi cách xử lý F0 khi phát hiện trong cộng đồng

Tạp Chí Giáo Dục

Ông Nguyễn Hữu Hưng – Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết: “Tiếp thu tinh thần Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 4800/QĐ-BYT của Bộ Y tế, TP sẽ thay đổi cách xử lý F0 khi phát hiện trong cộng đồng”.


Các đại biểu tham dự tại buổi họp báo

Chiều 21-10, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM tổ chức họp báo định kỳ cung cấp thông tin, tuyên truyền phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn.

Thay đổi cách xử lý F0 cho phù hợp với thực tiễn

Trả lời câu hỏi của báo chí về việc xử lý như thế nào khi phát hiện 1 F0 trong cộng đồng, ông Nguyễn Hữu Hưng – Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, trước đây nếu phát hiện F0 trong cộng đồng thì chiến lược xử lý triệt để bằng việc cách ly điều trị F0 ở các bệnh viện và F1 cũng cách tập trung. Khu vực có F0 sẽ phong tỏa ở mức độ rộng, điều này ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt người dân.

Nhưng hiện nay, tiếp thu tinh thần Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 4800/QĐ-BYT của Bộ Y tế, TP sẽ có thay đổi trong công tác xử lý F0 khi phát hiện trong cộng đồng.

“Chiều nay, Sở Y tế đã tổ chức họp trực tuyến với UBND các quận, huyện, TP.Thủ Đức để triển khai quy trình xử lý F0 khi phát hiện trong cộng đồng. Trên cơ sở lắng nghe ý kiến các địa phương, TP sẽ có sự điều chỉnh công tác xử lý F0 cho phù hợp”.

Về việc tổ chức tiêm vắc xin cho trẻ từ 12-17 tuổi, ông Hưng cho hay, ngày 14-10, Bộ Y tế có văn bản số 8688/BYT-DP về việc tiêm phòng vắc xin Covid-19 cho trẻ em từ 12-17 tuổi, trong đó chỉ đạo một số vấn đề liên quan cho sở y tế các tỉnh/thành tham mưu UBND tỉnh/thành để ban hành kế hoạch tiêm.

Trên tinh thần này, UBND TP đã tổ chức họp với các sở, ngành liên quan để thảo luận kỹ các nội dung trong văn bản 8688 của Bộ Y tế và các số liệu. “Đây là vấn đề được nhiều người dân TP quan tâm. TP sẽ triển khai tiêm cho trẻ ngay sau khi Bộ Y tế có hướng dẫn phê duyệt loại vắc xin được tiêm”.

Theo ông Hưng, Sở Y tế đang phối hợp với Sở GD-ĐT thống kê các trẻ ở độ tuổi được tiêm. Hiện có khoảng 780.000 trẻ, chủ yếu là học sinh phổ thông và  khoảng 10.000 trẻ không đi học, học các hệ khác.

“Tất cả các trẻ đều được tiêm trong thời gian diễn ra chiến dịch tiêm. Điểm tiêm có thể là trạm y tế, bệnh viện, trường học. Việc tổ chức tiêm thực hiện trên tinh thần tự nguyện, có sự đồng ý của cha mẹ các trẻ”.

Về việc tiêm vắc xin cho người từ 18 tuổi trở lên, ông Hưng đánh tiến độ rất khả quan. TP đã tổ chức tiêm được 99% mũi 1 và 76,8% mũi 2 cho người trên 18 tuổi trở lên và đang cố gắng tổ chức tiêm cho nhiều người để đạt mục tiêu bao phủ vắc xin; kể cả người dân từ các địa phương khác sắp quay về TP sinh sống, làm việc.

“Sau thời gian TP nới lỏng giãn cách, một số người dân từ các tỉnh, thành quay về TP sinh sống, làm việc nếu chưa tiêm đủ 2 mũi hoặc mới tiêm mũi 1 đều được tiêm. Người dân nên chủ động đến địa phương đăng ký tiêm. Trường hợp người dân đã tiêm mũi 1 nhưng vì lý do nào đó không đủ giấy tờ chứng minh vẫn có thể tiêm dựa trên bản cam kết thông tin”.

Thông tin về tình hình dịch trên địa bàn TP những ngày qua, ông Phạm Đức Hải – Phó Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP cho biết, tính đến 18 giờ ngày 20-10, có 421.491 trường hợp mắc bệnh phát hiện tại TP.HCM được Bộ Y tế công bố, bao gồm 420.992 trường hợp nhiễm trong cộng đồng, 499 trường hợp nhập cảnh.

TP đang điều trị cho 11.516 bệnh nhân, trong đó có 830 trẻ em dưới 16 tuổi, 333 bệnh nhân nặng đang thở máy, 13 bệnh nhân can thiệp ECMO.

Trong ngày 20-10, có 748 bệnh nhân nhập viện, 630 bệnh nhân xuất viện (nâng tổng số xuất viện cộng dồn từ 1-1 đến nay là 244.031), 41 trường hợp tử vong trong ngày (nâng tổng số tử vong cộng dồn từ 1-1 đến nay là 16.369).

Đã chi trả hỗ trợ đợt 3 được 5.248.862 người

Trả lời câu hỏi báo chí về việc chi trả hỗ trợ đợt 3 cho người bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, ông Nguyễn Văn Lâm – Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP cho biết, đến thời điểm này đã chi trả được 5.248.862 người. Có 17 quận, huyện đã chi trả được trên 80%. Các quận, huyện còn lại chậm do địa bàn dân cư sâu, nhỏ, lẻ, có khu phong tỏa; cũng có trường hợp người được hưởng đang nằm viện chưa chi trả được; có phần do nguồn kinh phí chuyển về địa phương còn chậm. Tuy nhiên, “các địa phương cam kết hoàn thành chi trả theo tiến độ như UBND TP đưa ra”.

Liên quan đến đề xuất cho phép các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống đã tổ chức hoạt động trở lại được phục vụ khách tại chỗ, ông Lê Huỳnh Minh Tú – Phó Giám đốc Sở Công thương TP thông tin, Sở Công thương mới trình xin ý kiến của UBND TP. UBND TP đang đề nghị các cơ quan, đặc biệt là ngành y tế đánh giá trong tình hình hiện nay tổ chức như thế nào cho an toàn. Hiệp hội ẩm thực Việt Nam cũng có đề nghị gửi UBND TP.


Bác sĩ cấp phát thuốc điều trị cho F0 tại bệnh viện dã chiến

Thông tin thêm về tình hình cung ứng hàng hóa, ông Tú cho biết, tổng lượng hàng từ hôm qua đến sáng nay là 5.900 tấn, tăng 2% so với hôm trước. Lượng hàng cung ứng về các điểm tập kết, trung chuyển tại 3 chợ đầu mối đang tăng lên mỗi ngày. Trước ngày 1-10, các điểm trung chuyển mỗi ngày khoảng hơn 1.000 tấn giờ tăng lên 1.800 tấn, gần gấp đôi.

Đối với các chợ truyền thống, đến nay đã có 96/234 chợ được mở lại. Còn 4 quận, huyện chưa mở được chợ truyền thống nào. Không phải không chịu mở mà các địa phương này cần đánh giá và đảm bảo an toàn mới mở và không mở ồ ạt.

“Trong cuộc họp mới đây, Thường trực UBND TP đã nhắc các quận, huyện xem xét đánh giá tình hình phòng chống dịch, khi an toàn thì mở cửa lại các chợ truyền thống. Thường trực UBND TP cũng lưu ý, trong điều kiện chưa mở lại truyền thống, tuyệt đối không để các chợ, khu vực bán tự phát xung quanh hoạt động vì việc này ảnh hưởng đến an toàn phòng chống dịch cũng như an toàn vệ sinh thực phẩm. Từ nay đến 25-10 dự kiến có thêm 16 chợ truyền thống được mở lại”, ông Tú cho hay.

N.Trinh

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)