Sự kiện giáo dụcTiêu điểm

Sẽ xây dựng đường sắt cao tốc ngầm qua sông Hậu

Tạp Chí Giáo Dục

Toàn tuyến TPHCM – Cần Thơ có chiều dài khoảng 160km, dự kiến có 6 ga với tốc độ lưu hành khoảng 350km/h. Tuyến đường sắt này phải đi ngầm qua sông Hậu để đảm bảo giao thông đường thủy cũng như đảm bảo an toàn cho sân bay Trà Nóc.

Ngày 18/9, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải đã họp với các cơ quan liên quan để bàn về tiến độ khảo sát, xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao Sài Gòn – Cần Thơ dài khoảng 160 – 170km. Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho Bộ GTVT nghiên cứu xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao này.
Dự kiến, tuyến đường sắt này sẽ bắt đầu từ ga Thủ Thiêm hoặc Hòa Hưng (TPHCM). Từ một trong hai vị trí này, tuyến đường sắt cao tốc sẽ chạy dọc sông Sài Gòn về hướng quận 7 sau đó tiếp tục đi dọc tuyến kênh Đôi, kênh Tẻ ra đến nút giao thông cầu Bà Tăng, đường Nguyễn Văn Linh rồi chạy song song với đường bộ cao tốc tới ngã ba thị xã Tân An (Long An).
Từ Tân An, đơn vị thiết kế chỉ ra một số phương án. Hướng thứ nhất đi theo tuyến đường bộ cao tốc sẽ đi qua địa phận tỉnh Vĩnh Long về đến quận Cái Răng (Cần Thơ).
Phương án 2, từ thị xã Tân An, tuyến đường sắt cao tốc đi qua Cồn Sơn, vượt sông Hậu ở điểm gần sân bay Cần Thơ về thẳng quận Bình Thuỷ (TP Cần Thơ).
Phương án 3, từ thị xã Tân An sẽ vượt sông Tiền ở đoạn qua thị xã Sa Đéc (Đồng Tháp) về đến quận Ô Môn (Cần Thơ).
Theo thiết kế, tuyến đường sắt này sẽ vượt qua sông Tiền, sông Hậu, Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây. Nếu theo phương án đi ngầm khoảng 30 km qua địa phận TPHCM thì kinh phí sẽ tốn kém hơn. Theo thiết kế, tuyến đường sắt này bắt buộc sẽ phải đi ngầm qua sông Hậu để đảm bảo giao thông đường thủy cũng như đảm bảo an toàn cho sân bay Trà Nóc.
Tại cuộc họp chiều ngày 18/9, Thứ trưởng thường trực Bộ GTVT Ngô Thịnh Đức đã yêu cầu Công ty tư vấn thiết kế phía Nam báo cáo cụ thể hướng tuyến cụ thể, đồng thời chỉ đạo các vụ chức năng đẩy nhanh tiến độ khảo sát, lập báo cáo tiền khả thi để có thể trình Chính phủ trong tháng 10/2009.
Được biết đây là một trong những dự án mà Chính phủ Việt Nam đặt vấn đề với phía Hàn Quốc giúp lập báo cáo nghiên cứu khả thi và đầu tư vốn theo hình thức BOT.
Phúc Hưng (Dan tri)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)