Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Sẽ xây dựng nghị định riêng về tự chủ trong GD-ĐT

Tạp Chí Giáo Dục

Cuối tuần qua, Văn phòng Chính phủ đã tổ chức Hội nghị thực hiện quy chế dân chủ (QCDC) trong các cơ sở GD-ĐT. Tại đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, sắp tới sẽ xây dựng một nghị định riêng về tự chủ trong công tác GD-ĐT, qua đó trách nhiệm sẽ gắn với đội ngũ giáo viên và hệ thống quản lý giáo dục từ phòng, sở, ủy ban đến cấp bộ.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GD-ĐT rà soát kỹ việc thực hiện QCDC về công tác cán bộ, nhất là việc tuyển dụng nhân sự (Ảnh: Ứng viên thi tuyển viên chức ngành GD-ĐT TP.HCM năm học 2016-2017). Ảnh: M.Châu

Vẫn còn tình trạng mất dân chủ

Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, hệ thống các cơ sở GD-ĐT cả nước hiện có gần 1,4 triệu nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; gần 22 triệu HS-SV với 44.968 cơ sở giáo dục từ giáo dục bậc mầm non đến ĐH.

Thời gian qua, các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông đã ban hành và thực hiện quy chế làm việc; quy chế hoạt động của hội đồng thi đua – khen thưởng; quy tắc ứng xử, chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp gắn với trách nhiệm người đứng đầu. Các cơ sở giáo dục ĐH đã thực hiện tốt quy định họp định kỳ, họp giao ban tập thể lãnh đạo, cán bộ chủ chốt để bàn bạc, thống nhất các vấn đề của đơn vị…

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa thẳng thắn thừa nhận những hạn chế trong việc thực hiện QCDC ở các cơ sở GD-ĐT. Đó là công tác tuyên truyền quán triệt các văn bản về QCDC ở một số đơn vị chưa thường xuyên, chưa thật sự hiệu quả. Một số đơn vị chưa phát huy được vai trò của cấp ủy, các tổ chức đoàn thể, cán bộ viên chức trong việc thực hiện QCDC cơ sở, thực hiện chưa đầy đủ quy chế làm việc giữa lãnh đạo đơn vị với cấp ủy và các đoàn thể trong cơ quan…

Từ thực tế này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị Bộ GD-ĐT đánh giá trực tiếp vào vấn đề “mất dân chủ có phổ biến không hay chỉ là cá biệt; ở ĐH có khác phổ thông không?”. Trả lời chất vấn này, bà Nghĩa khẳng định: “Ở ĐH phần lớn thực hiện tốt, số chưa tốt ít thôi. Ở phổ thông cũng có một số trường hợp nổi cộm. Mất dân chủ là có nhưng không nhiều”.

Theo bà Nghĩa, vẫn có cá nhân vi phạm đạo đức nhà giáo, ảnh hưởng đến uy tín của đội ngũ, của ngành nhưng chỉ là cá biệt. Vẫn còn tình trạng đơn thư vượt cấp ở một số đơn vị do chưa thực hiện tốt công tác giải quyết khiếu nại tố cáo. Việc thực hiện QCDC ở một vài cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông còn mang tính hình thức, chưa đi vào chiều sâu…

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, thực tế vẫn còn một số cơ sở giáo dục để xảy ra tình trạng mất dân chủ, khiếu kiện kéo dài chung quanh vấn đề tuyển dụng, tài chính, chế độ chính sách. Phó Thủ tướng khẳng định việc thực hiện QCDC trong các cơ sở GD-ĐT hiện nay rất quan trọng nên Bộ GD-ĐT cần rà soát kỹ việc thực hiện QCDC từ cấp phòng đến cấp bộ về công tác cán bộ, nhất là việc tuyển dụng nhân sự; cần có cơ chế giám sát chặt chẽ, phải đo, đếm được việc thực hiện QCDC.

Không để tình trạng quyền lực tập trung về một người

Tại hội nghị, một số ý kiến cho rằng hiện nay quyền lực giao cho hiệu trưởng các trường vẫn quá lớn. Vì quyền lực gắn chặt với lợi ích nên nhiều sự việc bị lãnh đạo một số trường… bưng bít. Trong khi đó, công tác giám sát, phản biện lại chưa đủ mạnh, chủ yếu do cấp dưới kiêm nhiệm. Vì vậy, công tác dân chủ chưa đi vào thực tế. 

Nhiều ý kiến cũng cho rằng việc các trường ĐH chần chừ chưa thành lập hội đồng trường, tổ chức quản trị, giám sát các hoạt động của trường cũng là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng tới việc thực thi dân chủ trong các cơ sở giáo dục ĐH.

Bà Mai Thúy Nga, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề, Bộ LĐ-TB&XH thông tin, mới chỉ có khoảng 30% số trường trực thuộc tổng cục quản lý có hội đồng trường. Tuy nhiên các hội đồng trường vẫn chưa phát huy vai trò. Tại nhiều trường, thành viên hội đồng quản trị lại chính là hiệu trưởng, hiệu phó.

Trong số hàng trăm trường ĐH do Bộ GD-ĐT quản lý, Bộ GD-ĐT cho biết chỉ có 16 trường thành lập hội đồng trường nhưng cũng chưa phát huy được vai trò.

Từ thực tế này, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GD-ĐT, Bộ LĐ-TB&XH khẩn trương rà soát, tìm hiểu nguyên nhân vì sao theo quy định, các trường ĐH, CĐ phải thành lập hội đồng trường nhưng thực tế ít có trường thực hiện; một số trường thành lập hội đồng trường chỉ mang tính hình thức, hoạt động không hiệu quả. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, cần phải nhanh chóng xây dựng và tái thiết lại mô hình hội đồng trường để san sẻ quyền hạn, trách nhiệm của hiệu trưởng chứ không để tình trạng quyền lực tập trung về một người, như vậy sẽ dễ bị tha hóa…

Minh Châu – CTV

Bình luận (0)