Sáng nay, 17/1, Bộ GD-ĐT đã tổ chức hội nghị thi và tuyển sinh toàn quốc qua 6 điểm cầu truyền hình gồm Thái Nguyên, Hà Nội, Vinh, Đà Nẵng, TPHCM và Cần Thơ. Theo đó, một số vấn đề “nóng” sẽ được Bộ xem xét lại.
Theo thống nhất của Hội nghị thì kì thi tốt nghiệp THPT sẽ tổ chức thi theo cụm, chấm thi theo giữa các đơn vị. Đối với kì thi tuyển sinh ĐH, CĐ thì giữ ổn định như năm 2008. Bộ GD-ĐT vẫn tổ chức kì thi CĐ và các thí sinh trường trung cấp nghề vẫn được phép dự thi ĐH. Bên cạnh đó, các trường (ngoài công lập) phải công khai học phí trước khi tuyển sinh để thí sinh có sự lựa chọn khi ĐKDT.
Tuy nhiên, cũng tại Hội nghị này thì một số vấn đề sẽ được Bộ GD-ĐT xem xét lại và chinh thức công bố trong thời gian tới.
1. Xem xét lại lệ phí tuyển sinh
Nhiều trường ĐH cho rằng, với mức lệ phí tuyển sinh hiện nay (20.000đ/1 thí sinh) thì các trường luôn rơi vào tình trạng “lỗ vốn” cho dù năm 2008 Nhà nước đã hỗ trợ thêm cho các trường 10.000đ/1 thí sinh dự thi.
Với việc chưa có những chế tài đối với thí sinh thì nguy cơ hồ sơ “ảo” vẫn ở mức cao do đó cần phải tăng lệ phí tuyển sinh bằng cách thu cùng một lúc hai khoản bao gồm lệ phí tuyển sinh và lệ phí thi khi thí sinh nộp hồ sơ ĐKDT.
Kết luận tại Hội nghị, Thứ trưởng thường trực Bành Tiến Long nhấn mạnh: Với tình hình hiện nay thì việc thu lệ phí tuyển sinh khó có thể thay đổi so với các năm trước đó. Rất có khả năng Nhà nước vẫn tiếp tục hỗ trợ cho các trường.
Tuy nhiên thời gian tới Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục làm việc với các bộ ngành liên quan để thống nhất về việc thu lệ phí tuyển sinh. Bộ GD-ĐT sẽ có thông báo cụ thể sau khi có kết luận cuối cùng.
2. Xem xét lại khung ưu tiên xét tuyển đối với thí sinh vùng cao
Như Dân trí đã thông tin trước đó, Bộ GD-ĐT có chủ trương thay đổi chính sách ưu tiên. Đó là trường ĐH, CĐ đóng ở các vùng dân tộc thiểu số và các trường đào tạo nhân lực cho địa phương thì khung điểm ưu tiên giảm xuống.
Cụ thể: Đối với các trường ĐH, CĐ đóng ở các vùng dân tộc thiểu số thì mức chênh lệch điểm trúng tuyển giữa nhóm đối tượng được phép lớn hơn 1 điểm nhưng không quá 1,5 điểm (trước đây là không quá 2 điểm) để số thí sinh trúng tuyển là người dân tộc thiểu số đạt tỷ lệ cần thiết…
Đối với các trường được giao chỉ tiêu đào tạo theo địa chỉ sử dụng và các trường có nhiệm vụ đào tạo nhân lực cho địa phương, mức điểm chênh lệch trúng tuyển giữa hai khu vực được phép lớn hơn 0,5 điểm nhưng không vượt quá 1 điểm.
Tuy nhiên, nhiều Sở GD-ĐT cũng như các trường ĐH thuộc đối tượng trên đều cho rằng, thí sinh ở vùng cao chịu nhiều khó khăn do đó không nên giảm điểm ưu tiên mà cần tăng thêm để khuyến khích các em.
Về vấn đề này Thứ trưởng Bành Tiến Long cho rằng, với mức điểm ưu tiên như hiện nay dành cho các đối tượng này là quá cao làm mất đi sự công bằng trong tuyển giữa các thí sinh. Song, Bộ GD-ĐT sẽ xem xét lại để thống nhất lại trước khi đưa vào quy chế tuyển sinh năm 2009.
3. Sẽ thông báo sớm về việc tổ chức kì thi THPT Quốc gia
Nhiều trường đều đề nghị Bộ GD-ĐT cần thông báo sớm là có tổ chức kì thi THPT quốc gia hay không để các trường có phương án chủ động. Thứ trường Long cho biết, hiện tại Bộ GD-ĐT vẫn tiếp tục tham khảo các ý của lãnh đạo Bộ về việc có hay không tổ chức kì thi THPT Quốc gia vào năm 2010.
Vào tháng 5 hoặc tháng 6/2009, Bộ GD-ĐT sẽ chính thức công bố về chủ trương này.
Nguyễn Hùng (Dân trí)
Bình luận (0)