Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Sẽ xử lý nghiêm những trường vi phạm tuyển sinh

Tạp Chí Giáo Dục

Hôm nay 25-8, theo quy định tuyển sinh của Bộ GD-ĐT, các trường bắt đầu nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển NV2 của thí sinh. Nhưng như Báo SGGP đã phản ánh, hiện nhiều trường công lập địa phương và các trường ngoài công lập vì lo không tuyển đủ chỉ tiêu đã tung ra hàng loạt chiêu khác nhau để hút thí sinh, bất chấp sự bức xúc của xã hội. PV đã có trao đổi với Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga, Trưởng ban Chỉ đạo tuyển sinh ĐH-CĐ 2011, về vấn đề này.
 
Kiểm tra phiếu báo danh thí sinh trước khi vào phòng thi tuyển sinh ĐH – CĐ 2011. Ảnh: MAI HẢI
* Phóng viên: Thưa ông, tình hình xét tuyển NV2 hiện nay gần như “hỗn loạn” vì rất nhiều trường vi phạm Quy chế tuyển sinh, cố tình “xé rào” các quy định để co kéo thí sinh. Bộ GD-ĐT có biết về việc này?
* Ông BÙI VĂN GA: Những hiện tượng mà báo chí phán ảnh như gửi giấy báo trúng tuyển cho thí sinh không dự thi vào trường, tự ý cấp giấy báo trúng tuyển và không gửi phiếu điểm để thí sinh tham gia xét tuyển NV2, thông báo nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển NV2 trước thời hạn, cho phép đăng ký NV2 qua mạng… đều là những việc làm vi phạm Quy chế tuyển sinh. Trong quy định tuyển sinh ĐH-CĐ năm nay, Bộ GD-ĐT đã nghiêm cấm các trường không gửi giấy triệu tập trúng tuyển NV2 cho thí sinh không nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển NV2 vào trường, kể cả thí sinh có nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển NV2 nhưng không đúng quy định. Chủ tịch Hội đồng tuyển sinh và những người khác liên quan vi phạm sẽ bị cảnh cáo hoặc có hình thức kỷ luật cao hơn nếu vi phạm lỗi trên. Tuy nhiên, có lẽ do “khát” thí sinh nên nhiều trường phớt lờ quy định trên của bộ, chúng tôi sẽ kiểm tra và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.
* Thưa ông, Bộ GD-ĐT sẽ làm gì để việc nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển và xét tuyển NV2 diễn ra trật tự, nghiêm túc và đúng quy chế, không gây bức xúc cho xã hội?
* Chúng tôi sẽ tổ chức thanh tra công tác xét tuyển của các trường, tất cả các trường hợp vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm túc theo đúng các quy định hiện hành của pháp luật. Ngày 23-8, bộ cũng đã yêu cầu các trường thực hiện đúng quy định, chỉ thông báo và nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển NV2 của thí sinh đúng thời hạn từ ngày 25-8 đến 17 giờ ngày 15-9. Các trường không được nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển NV2 của thí sinh nộp trước ngày 25-8 và cũng không kết thúc việc nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển nguyện vọng 2 của thí sinh nộp trước 17 giờ ngày 15-9. Tất cả hồ sơ đăng ký xét tuyển NV2 của thí sinh nộp trong thời hạn quy định đều có giá trị xét tuyển như nhau. Điểm trúng tuyển NV2, danh sách thí sinh trúng tuyển NV2 các trường công bố chậm nhất là ngày 20-9. Hàng ngày các trường cần cập nhật thông tin về hồ sơ đăng ký xét tuyển NV2 của thí sinh và công bố công khai trên trang thông tin điện tử của trường.
Các trường phải tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh được rút hồ sơ đăng ký xét tuyển NV2 đã nộp trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày 25-8 đến 17 giờ ngày 10-9. Các trường chỉ được thông báo nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển NV2 và xét tuyển đúng các khối thi mà các trường đã đăng ký và được công bố công khai trong cuốn Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2011. Khi xây dựng biên bản điểm trúng tuyển NV2, các trường không được nhân hệ số các môn thi để tính điểm sàn…
* Năm nay cũng là năm đầu tiên xã hội biết đến một hình thức chiêu sinh đáng kinh ngạc của trường ĐH: tặng tiền mặt cho thí sinh đăng ký vào trường? Ông bình luận gì về việc này?
* Những trường hợp này báo chí đã phản ánh khá rõ, theo tôi đó chỉ là những trường lo lắng không tuyển đủ chỉ tiêu họ mới làm thế, còn lại đa số các trường đều nghiêm túc thực hiện Quy chế tuyển sinh. Tôi khẳng định đó chỉ là những trường hợp cá biệt, không đại diện cho nền giáo dục đại học của chúng ta. Đây là việc cạnh tranh không lành mạnh, làm ảnh hưởng đến hình ảnh giáo dục chung.
 
* Vậy với những trường hợp này, ông có khuyến nghị gì với các trường?
* Các trường không nên làm những việc chỉ có lợi trước mắt mà quên đi lợi ích lâu dài của mình. Có thể thấy hấp dẫn, thí sinh nộp đơn vào học, nhưng nếu chất lượng của trường không bảo đảm thì chỉ sau thời gian ngắn, thí sinh sẽ bỏ học, lúc đó vừa lãng phí cho thí sinh, vừa lãng phí cho trường, ảnh hưởng đến kế hoạch đào tạo của nhà trường. Các trường cần tập trung tìm các giải pháp cải thiện hình ảnh, nâng cao chất lượng và uy tín của trường. Năm nay tuyển ít nhưng anh tạo thương hiệu cho tốt thì sinh viên sẽ quảng bá cho nhau, năm sau thí sinh sẽ tăng lên.
* Thưa ông, có hay không việc Bộ GD-ĐT đang dễ dãi trong việc cho phép các trường vận dụng Điều 33 để tuyển sinh? Đơn cử như Trường ĐH Quốc tế Miền Đông (EIU) cũng được vận dụng Điều 33? Điều này sẽ khiến cho chất lượng đầu vào bị giảm sút vì chỉ cần 8 điểm cũng đậu ĐH, 5 điểm đậu CĐ?
* Theo Quy chế tuyển sinh, những vùng, ngành khó tuyển được phép vận dụng Điều 33. Khi vận dụng, khoảng cách giữa các khu vực sẽ là 1 điểm thay vì 0,5 điểm như quy định chung. Như vậy khoảng cách từ khu vực 1 đến khu vực 3 là 3 điểm. Ví dụ với khối A, sàn là 13 nhưng nếu được vận dụng Điều 33 thì 10 điểm vẫn có thể đậu ĐH. Hiện nay, các trường ĐH địa phương thuộc tỉnh thành khó khăn, vùng sâu, vùng xa, những ngành khó tuyển đủ (chủ yếu là nông – lâm – thủy sản) đều đã có văn bản xin bộ vận dụng Điều 33. Đã có khoảng chục trường được chấp thuận. Tôi xin nhắc lại, chỉ những trường đào tạo cho địa phương, hoặc những ngành khó tuyển mới được vận dụng Điều 33 và chỉ trong phạm vi quy định, không mở rộng. Đơn cử như ĐH Quốc tế Miền Đông chỉ được áp dụng Điều 33 đối với thí sinh có hộ khẩu thường trú tại tỉnh Bình Dương vì trường này đào tạo nhân lực cho tỉnh này. Còn lại, Chủ tịch Hội đồng tuyển sinh của trường có trách nhiệm trước bộ về tuyển NV2 và NV3, nếu sai sẽ bị xử lý nghiêm khắc theo Quy chế tuyển sinh.
THeo PHAN THẢO 
(sggp)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)