Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Sẽ xuất 6,5 triệu tấn gạo

Tạp Chí Giáo Dục

Do tình hình xuất khẩu thuận lợi, Hiệp hội Lương thực VN (VFA) cho biết sẽ kiến nghị Chính phủ nâng chỉ tiêu xuất khẩu lên khoảng 6,4-6,5 triệu tấn, đây là mức cao nhất từ trước đến nay.
Số lượng gạo xuất khẩu của VN qua các năm – Ảnh: T.T.D. – Đồ họa: V.Cường
Theo VFA, hiện gạo chất lượng cao đã không đủ hàng để mua trong khi lúa chất lượng thấp không còn nhiều.
Kiểm soát chặt các thị trường tập trung
Trước tình trạng một số công ty trong nước cố tình chào bán gạo vào các thị trường tập trung hoặc bán cho trung gian để đưa vào các thị trường này, VFA cho biết sẽ kiến nghị Bộ Công thương đưa ra các biện pháp xử lý nghiêm khắc. Vừa qua VFA đã tạm ngưng đăng ký hợp đồng xuất khẩu gạo cho Công ty cổ phần Quốc Tế Gia vì đăng ký xuất hàng đi châu Phi nhưng lại giao hàng cho một công ty nước ngoài đi Iraq, vi phạm quy chế xuất khẩu vào thị trường tập trung.

Đã mua tạm trữ 500.000 tấn

Tại cuộc họp “Kết quả xuất khẩu gạo tháng 7 và kế hoạch xuất khẩu các tháng cuối năm” do VFA tổ chức tại TP.HCM ngày 6-8, đại diện VFA cho biết tính đến cùng ngày số hợp đồng xuất khẩu gạo mà các doanh nghiệp đã ký lên đến 6,2 triệu tấn, không kể những hợp đồng đã bị hủy hoặc hết hạn giao hàng. Tính chung trong bảy tháng đầu năm nay xuất khẩu gạo của VN đạt hơn 3,9 triệu tấn, trị giá hơn 1,7 tỉ USD.
Đến ngày 6-8, các doanh nghiệp thuộc VFA đã mua tạm trữ được trên 500.000 tấn trong chỉ tiêu mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo vụ hè thu. Việc tạm trữ đã góp phần đẩy giá lúa nội địa lên khá cao. Cụ thể, lúa đạt tiêu chuẩn xuất khẩu mua tại kho nhà máy hiện ở mức 3.850-4.200 đồng/kg (lúa chất lượng thấp) và lúa chất lượng cao là 4.100-4.450 đồng/kg. VFA dự kiến mua hoàn thành chỉ tiêu 1 triệu tấn gạo ngay trong tháng 8.
Theo ông Trương Thanh Phong – chủ tịch VFA, hiện vụ hè thu tại ĐBSCL cơ bản đã thu hoạch xong. Các doanh nghiệp đang đẩy nhanh việc mua vào để thực hiện các hợp đồng đã ký nên lượng lúa chất lượng thấp cũng không còn nhiều. Nhiều nông dân đã chủ động phơi sấy lúa và trữ ở nhà đợi giá tiếp tục tăng cao mới bán.
Giá gạo xuất khẩu còn tăng
Theo ông Trương Thanh Phong, sắp tới vẫn tiếp tục đẩy mạnh việc mua gạo tạm trữ như kế hoạch. Đơn vị nào được giao chỉ tiêu mà không thể hoàn thành phải báo lại ngay cho hiệp hội để phân phối cho các doanh nghiệp khác. “Nếu đơn vị nào không mua để lúa gạo tồn đọng sẽ bị xử lý” – ông Phong nhấn mạnh.
Ông Phong phân tích nhu cầu gạo thế giới đang tăng trở lại nên sẽ thúc đẩy giá lúa gạo tăng lên trong thời gian tới, đặc biệt là nhu cầu từ châu Phi, Bangladesh và Trung Quốc. Do đó, các doanh nghiệp mua gạo tạm trữ không nên ồ ạt xuất ngay trong thời điểm hiện nay mà nên chờ thêm một thời gian nữa.
Thực tế sau nhiều năm tiếp cận, năm 2010 gạo VN đã quay trở lại thị trường Bangladesh với lượng hợp đồng thương mại đã ký lên đến 180.000 tấn, hợp đồng tập trung do Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) đàm phán và sẽ ký vào ngày 13-8 là 220.000 tấn nữa. Theo đánh giá, Bangladesh có khả năng ký hợp đồng mua 1 triệu tấn gạo trong năm nay và VN đang có lợi thế hơn nhiều vì gạo chất lượng cao và giá thấp so với các nước cạnh tranh là Ấn Độ và Pakistan.
Bên cạnh đó, giá các loại lương thực, đặc biệt là lúa mì, trên thế giới tăng đột biến trong tháng qua cũng kéo theo giá và nhu cầu gạo tăng lên. Lượng hợp đồng xuất khẩu ký trong tháng 7 vẫn giữ ở mức cao (gần 800.000 tấn) và chủ yếu là hợp đồng thương mại, trong đó số lượng gạo 5% tấm có xu hướng giảm, loại 25% tăng mạnh do giá thấp thu hút thị trường gạo cấp thấp, đặc biệt là châu Phi (ngoài Bangladesh).
Đặc biệt, nỗi lo gạo chất lượng kém (chủ yếu là loại IR50404) cũng được giải quyết khi Trung Quốc bất ngờ mở rộng cửa nhập khẩu các loại gạo này. Ông Phong cho biết do một số khu vực phía nam Trung Quốc mất mùa nên VN đã bán cho nước này khoảng 600.000 tấn gạo, chưa kể gạo theo đường tiểu ngạch.
TRẦN MẠNH / TTO

Bình luận (0)