Du lịch - Thể thaoThể thao trong nước

SEA Games 31: Tập trên cạn… tưởng tượng thi đấu dưới nước

Tạp Chí Giáo Dục

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên một số công trình phục vụ SEA Games 31 bị chậm tiến độ, trong đó đáng lo nhất là Cung thể thao dưới nước thuộc Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình.
Thông thường, nước chủ nhà SEA Games phải hoàn tất 100% các hạng mục cơ sở vật chất ít nhất từ 3 đến 4 tháng trước khi đại hội khởi tranh, nhưng vì lý do khách quan mà quốc gia đăng cai SEA Games 31 đã không thể hoàn tất sớm như mong muốn. Đại hội dự kiến khai mạc vào ngày 12.5 nhưng hiện tại Cung thể thao dưới nước (địa điểm tổ chức 3 môn bơi, nhảy cầu và lặn) vẫn đang tiếp tục được sửa chữa, nâng cấp. Khu liên hợp không lo việc cải tạo mà Bộ VH-TT-DL đã giao cho một ban chức năng thuộc bộ đứng ra chịu trách nhiệm về vấn đề này.
Đội nhảy cầu tập khô
Dự kiến phải đến ngày 15 hoặc 17.4 công trình mới được bàn giao cho Bộ VH-TT-DL và Khu liên hợp. Chia sẻ với báo chí, ông Đinh Việt Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Thể thao dưới nước Việt Nam, âu lo: “Thời điểm đó, nhà thầu bàn giao công trình nhưng không có nghĩa là công trình đã đủ tiêu chuẩn thi đấu. Chúng tôi sẽ phải kiểm tra và nếu không đạt chất lượng thì buộc phải tháo nước trong bể làm lại, sau đó kiểm tra thêm lần nữa với nhà thầu, nếu đạt thì mới có nơi để thi đấu. Nếu không đạt thì lại phải chỉnh sửa, mà chỉnh sửa có kịp hay không thì có trời mới biết”. Nhiều hạng mục khác ở Cung thể thao dưới nước cũng đang được thi công, trong đó hệ thống điện tử sẽ được lắp đặt mà những người trong cuộc đang rất mong hệ thống này sẽ hoạt động trơn tru, không phải chỉnh sửa.
Cũng vì công trình đang cải tạo, chỉnh trang nên một số đội tuyển thi đấu các môn dưới nước chưa có nơi để tập luyện, không được làm quen với dụng cụ thi đấu. Thi đấu ở dưới nước nhưng khoảng nửa năm nay đội nhảy cầu Việt Nam chỉ được tập trên cạn, bao gồm cả những động tác lộn vòng trên không, nhưng khi lao xuống thì lao xuống đệm đặt trong phòng tập chứ không phải nước. Cả cầu bật nhảy và đệm cũng đã khá cũ. HLV Hoàng Thanh Trà bày tỏ: “Tập khô nên cả HLV và VĐV đều tập theo kiểu… tưởng tượng. Với VĐV nhảy cầu, sự làm quen nơi thi đấu và dụng cụ thi đấu rất quan trọng. Vì phải có những trải nghiệm thật sự với cầu mềm và ván mềm, thử độ cứng – mềm của cầu. Chúng tôi phải thường xuyên tập với cầu cũ mà khi thi lại thi cầu mới. Các đội khách sang đây được tập cầu mới luôn thì coi như họ là chủ nhà còn mình lại là đội khách. Mình không có lợi thế sân bãi”.
Cách đây hơn 1 tuần, đội nhảy cầu Việt Nam mới bắt đầu được tập dưới nước nhưng đây chỉ là khu tập luyện, còn khu thi đấu ở Cung dưới nước thì vẫn đang được cải tạo. Nhiều nhất các học trò của bà Thanh Trà cũng chỉ được tập ở đây trong khoảng 3 tuần trước khi thi đấu SEA Games 31. Môn nhảy cầu khởi tranh sớm nhất và dự kiến sẽ mang về huy chương vàng đầu tiên cho thể thao Việt Nam tại SEA Games 31.
TT (theo thanhnien)

Hãy đánh giá bài viết này!

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Xin lỗi vì bài viết này không hữu ích cho bạn

Giúp chúng tôi cải thiện

Làm sao để chúng tôi cải thiện bài viết này?

Bình luận (0)