Du lịch - Thể thaoDu lịch - Khám phá

Sen Tây Hồ- ký ức riêng của người Hà Nội

Tạp Chí Giáo Dục

Ở Việt Nam, bất kỳ một vùng đất nào cũng có thể trồng được sen. Nhưng sen Hồ Tây (Tây Hồ – PV) có vẻ đẹp riêng, nỗi nhớ riêng và ký ức riêng của người Hà Nội.

Tháng 5, trời trong vắt, nắng đến khô da nhưng qua Hồ Tây, hương sen dìu dịu bám theo mái tóc, đuổi theo tà áo khiến cái nắng hè hạ nhiệt. Hồ Tây rất rộng. Tuy nhiên, khu vực trồng sen chỉ có một phần rất nhỏ ở một góc hồ bên mạn Quảng An, Quảng Bá. Hồ Tây có khoảng 4-5 đầm sen không quá lớn. Sen lại là loài cây mọc theo mùa, mỗi vụ kéo dài chừng ba tháng ngắn ngủi nhưng nó lại làm nao lòng bao kẻ đi xa.

Hoa sen

Ngày còn thơ, tôi từng được nghe mẹ kể câu chuyện chim chích và đầm sen. Truyện chỉ đơn giản là chú chim đi kiếm mồi, trời đã tối mà còn lạc vào đầm sen, chú mải mê tìm sâu đến mức mặt trời lặn bóng, cánh sen khép lại và chú không thể trở về nhà. Tôi đã mang hình ảnh bông sen sáng nở, tối “ngủ” suốt tuổi thơ của mình. Ngày đó, người ta không có máy ảnh, không có điện thoại để có thể thoải mái chụp ảnh mà chỉ có thể lưu giữ mỗi mùa sen qua từng ký ức. Kỷ niệm giống như những mùa lá, cứ xếp lớp theo thời gian. Lá sen thay nón đội đầu trốn cái nắng, trốn những cơn mưa rào mùa hạ. Hương sen thơm lừng góc phố mỗi buổi sớm tinh mơ. Nụ sen theo mẹ lên chùa mùng một, hôm rằm. Đài sen theo chân trẻ đến trường ngọt lịm. Những hạt sen trắng ngà như ngọc của trời đất, những đứa trẻ chân trần nhai ngấu nghiến để thấy cái ngọt, cái mát thanh thanh nơi đầu lưỡi xua tan cơn khát mùa hè. Bát chè sen long nhãn sóng sánh những đêm hè đầy trăng. Thế hệ chúng tôi đã lớn lên với sen, với cái đẹp thanh khiết, trong vắt.

Cùng với sự phát triển của công nghệ, giờ mỗi mùa sen, thiếu nữ Hà thành có thể ghi lại những khoảnh khắc đẹp bên hồ sen thơm ngát. Sen Hồ Tây mang vẻ đẹp riêng như người con gái Hà Nội vậy. Sen Hồ Tây đặc biệt hơn sen những nơi khác bởi sắc hồng thắm, hương nồng nàn, lại có ba lớp cánh to nhỏ khác nhau nên còn gọi là sen Bách Diệp (trăm cánh). Với người chủ đầm, sen như báu vật. Nhưng mỗi mùa sen, người yêu hoa nhìn hoa mà buồn. Người đến ngắm hoa thì ít mà phá hoa thì nhiều. Thật kinh khủng khi người ta ùn ùn kéo đến chụp, quay góc nọ, góc kia, nào áo yếm, nào áo dài và cả thậm chí không mặc gì. Chính vì vậy những người yêu sen thảng thốt, hoang hoải nhớ những mùa sen trước.

Trà sen

Cũng lại nhớ chuyện xa xưa, bố kể ngày còn phải đi chăn vịt, nằm đồng. Mỗi lần đi, ông thường dắt theo một hai ấm trà. Khi trời tối, thả ít trà vào hoa sen. Cánh hoa ngậm lại, ướp đẫm một đêm hương. Sáng ra, khi mặt trời hé rạng phía Đông, cánh hoa từ từ mở, bố tôi đi thu lại thành quả của mình. Hương sen lẫn với sương mai quyện vào ấm trà mà không có một ngôn từ nào có thể tả được. Bố đã dẫn tôi vào thú tao nhã của “nhà giàu” để đến bây giờ, mỗi mùa sen, tôi lại quay quắt. Trà sen Hồ Tây không thể ướp theo cách cổ điển của bố mà nó đã có “công thức và công nghệ”. Anh Hoàng Anh Sướng, chủ Hiên Trà Trường Xuân, cho hay: Việt Nam có nhiều loại sen, nhưng không có loại sen nào có vị thơm đặc trưng riêng như sen Hồ Tây; và, trà sen ủ bằng sen Hồ Tây là loại trà sen hảo hạng, không vùng sen nào sánh được. Nhiều năm qua, anh Sướng mua lại hẳn hồ sen trong cả mùa. Chủ hồ buổi sáng sẽ ra ngắt bông (nụ sen chưa nở) về bàn giao cho khách. Mỗi một ngày, số lượng lên đến hàng ngàn bông. Theo anh Hoàng Anh Sướng, tinh túy của trà sen Hồ Tây, trước hết ở chính cây sen trồng trong hồ. Với đặc trưng riêng về khí hậu, nguồn nước và thổ nhưỡng, sen Hồ Tây có một mùi thơm và màu sắc riêng biệt, không giống như bất kỳ một loại sen nào khác mọc trên lãnh thổ Việt Nam. Mỗi sáng mùa sen, anh Sướng thức dậy từ 5 giờ sáng cùng với các chủ hồ chèo thuyền ra giữa hồ ngắt sen. Sen đưa về nhà, đến công đoạn bóc cánh hoa để lấy nhụy, sau đó dùng sàng để sàng lấy hạt gạo. Gạo sen là nguyên liệu chính để ủ, ướp ra thứ trà sen thơm dịu, sâu, có vị sắc, có cả hương vị đặc trưng của nước và đất Hồ Tây… trong mỗi chén trà. “Một ký trà sen phải qua 5-6 lần ủ. Mỗi lần ủ mất chừng 200 bông sen, 2 ngày một mẻ ủ mới được 1kg trà sen thành phẩm. Sau đó, sao lại chè đến một độ khô nhất định, vừa bảo quản vừa giữ được mùi sen Hồ Tây thấm sâu và lâu trong mỗi cánh trà” – nghệ nhân Hoàng Anh Sướng tiết lộ.

Đương nhiên, trà ướp sen phải là các loại trà hảo hạng, lấy từ vùng trà nổi tiếng của Việt Nam như trà Tà Sùa, trà Tân Cương… Sen Hồ Tây phải hái trước khi mặt trời mọc, hoa còn chúm chím nguyên chưa đàm tiếu (nở xòe), vì nếu sen nở bung sẽ bay hết mùi sen tự có trong nó.

“Với người làm trà sen, khi tiến hành các công đoạn, người bứt nhụy, sàng gạo sen, ủ sen phải sạch sẽ, thanh tịnh. Thời xưa, thậm chí còn nghiêm khắc đến độ không để phụ nữ đến chu kỳ được động đến bông sen dùng để ướp trà. Có thể, đó là sự kính cẩn một thú ẩm thực đạt tới tầm văn hóa tinh tế, nhưng nó cũng thành điều “giới luật” của những nghệ nhân ướp trà sen hiếm hoi còn lại bây giờ” – nghệ nhân Hoàng Anh Sướng nói.

Thế nhưng, cầu nhiều hơn cung nên nhiều kẻ “ăn theo” trà sen. Họ lấy nhúm trà, bỏ vào bông hoa sen, buộc túm lại rồi cho vào ngăn đá trong tủ lạnh. Họ cũng bán với giá 50.000 đồng – 80.000 đồng/bông trà sen và cũng có rất nhiều người mua.

Trà sen, có thể có nhiều người không thích vì nó làm mất mùi vị vốn có của trà. Nhưng với tôi, đó là những ký ức, là những khoảng lặng của tuổi thơ. Tôi đã sống bên những đầm sen đầy ắp hương đêm, đã ngủ trên lá sen trải dài trên thảm cỏ mát rượi và đã thưởng thức hương trà đặc quánh gió đồng. Một mùa sen nữa lại ùa về, hoang hoải, nhớ nhung.

Thiên Lam

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)