Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

SGK năm học 2009 – 2010: Có hạn chế được chậm, lỗi?

Tạp Chí Giáo Dục

Việc đấu thầu in SGK năm học 2009 – 2010 của Nhà xuất bản Giáo dục (NXBGD) vừa được tổ chức và sớm hơn một tháng so với năm 2008. Tổng cộng 66 gói thầu in với sự tham gia bỏ thầu của 92 nhà in trên cả nước.

> SV “cóp” sách phải đóng phí bản quyền

Sách giáo khoa bị lỗi sẽ được đổi.

Những nhà làm SGK hy vọng SGK năm nay sẽ được in sớm, đúng tiến độ và hạn chế được những lỗi in không đáng có.

Sẽ đúng tiến độ?

Theo ông Trần Kiểm – Cục trưởng Cục Xuất bản, Bộ Thông tin – Truyền thông, việc NXBGD mở thầu sớm đối với việc in SGK 2009 là tốt. "Tuy nhiên nếu chỉ dừng ở đó thì cũng chưa thể đảm bảo việc in SGK năm nay được suôn sẻ. NXBGD cần theo sát các nhà in để kịp thời tháo gỡ khó khăn, trong đó tính đến cơ chế mở để điều chỉnh hợp đồng, đề phòng tình trạng như năm trước, vừa trúng thầu xong thì giá giấy tăng đột biến".

Về vấn đề này, ông Ngô Trần Ái – Tổng Giám đốc NXBGD cho rằng đây là thời điểm các nhà in nên chuẩn bị vốn để nhập nguyên liệu đầu vào bởi hiện nay giá giấy đang xuống, thậm chí có Cty giấy đang gửi thư mời thông báo sẽ có chiết khấu cho các Cty in.

Ông Ái cũng kiến nghị với Tổng Cty Giấy về việc ổn định giá giấy trong thời gian dài, "vì nếu vẫn tái diễn tình trạng Cty in trúng thầu xong giá giấy lập tức tăng đến 2-3 lần trong một tháng như năm 2008 thì sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ in SGK năm nay".

Thứ trưởng Bộ GDĐT Phạm Vũ Luận khuyến cáo, chắc chắn năm 2009 tình hình vẫn còn nhiều khó khăn phức tạp, NXBGD và các nhà in cần chuẩn bị nhiều kịch bản để đối phó với biến động của thị trường.

Được đổi sách bị lỗi

Đối với SGK – một loại sản phẩm đặc biệt vì số lượng phát hành lớn, sử dụng trong toàn quốc – thì việc in lỗi thường đem lại nhiều phiền toái. Đánh giá lại công tác in và xuất bản SGK năm 2008, NXBGD đã thống kê có tới 40 nhà in trong số 92 nhà in tham gia xuất bản SGK có sách phải kiểm tra lại chất lượng sản phẩm, có nhà in số lần kiểm tra chất lượng sản phẩm tới 5 lần. Bên cạnh đó có tới 36 nhà in có sách bị lỗi nặng như có những cuốn có nhiều trang trắng tinh, có cuốn in thiếu trang, có cuốn bìa của sách toán nhưng ruột của sách văn, hoặc có cuốn bị lộn đầu đuôi…

Ông Nguyễn Văn Dòng – Chủ tịch Hiệp hội In VN, Giám đốc Cty in Trần Phú lý giải nguyên nhân gây nên những sai sót kể trên. Theo ông Dòng thì năm 2008 là năm đặc biệt khó khăn với ngành in. Việc đấu thầu tiến hành muộn và phải đấu thầu 2 lần mới xong. Giấy in khan hiếm, các nhà in phải khai thác từ nhiều nguồn cung ứng khác nhau dẫn đến tình trạng chất lượng không đồng nhất, giá giấy biến động quá nhiều. Việc chờ để điều chỉnh giá sách cũng làm chậm tiến độ nhập sách…

Tuy nhiên, theo ông Ngô Trần Ái, việc những nhà in mắc những lỗi như trên là lỗi chủ quan và có thể sửa được. Đây cũng là điều cần phải suy nghĩ khi SGK đến tay học sinh, giáo viên có những lỗi sai sót. NXBGD có chủ trương là sẽ đổi lại sách cho học sinh mua phải SGK bị lỗi. Tuy nhiên, việc này hầu như chỉ thực hiện được ở thành phố. Còn học sinh vùng sâu vùng xa, nếu không may nhận phải cuốn SGK bị lỗi thì các em khó mà đi hàng chục kilômét để đổi lại sách.

Ông Ái cũng cho biết năm nay sẽ không để sách kém chất lượng nhập kho NXBGD, tăng cường kiểm tra chất lượng in sách tại kho NXBGD, không để sách kém chất lượng lọt ra thị trường.

Học sinh không còn phải còng lưng cõng sách?

Ông Ngô Trần Ái cho biết, năm nay sẽ thí điểm in một số quyển sách có định lượng mỏng hơn, nhẹ hơn nhưng giá thành không giảm. Sẽ thực hiện khâu kỹ thuật nhằm tăng độ đục của giấy, để trang nọ không nhìn được sang trang kia.

Ông Trần Kiểm cũng đề nghị NXB Giáo dục kết hợp với TCty Giấy để sớm đưa ra công thức giấy in SGK nhiều màu cho phù hợp với yêu cầu mới. "Sách in nhiều màu thì độ nhẵn, bóng phải tốt nên giấy in phải có phụ gia, mà như thế lại khá nặng. Loại sách này chủ yếu ở bậc tiểu học mà các em lại không có khả năng mang nặng".

Theo ông Kiểm, phải sớm giải quyết vấn đề này để đảm bảo sức khỏe học đường, chống cong vẹo cột sống vì phải mang nặng, đặc biệt đối với học sinh tiểu học.

 
Ngân Anh (Lao động)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)