Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

SGK riêng TP.HCM: Đưa vào thí điểm từ năm học 2018-2019

Tạp Chí Giáo Dục

Bộ GD-ĐT đã có văn bản cho phép TP.HCM biên soạn bộ SGK riêng. Dự kiến, năm 2018 bộ SGK mới này sẽ hoàn thành và đưa vào thí điểm tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn từ năm học 2018-2019. Theo Sở GD-ĐT TP.HCM, bộ SGK riêng sẽ giảm tải được chương trình, tăng tính thực hành, thực tiễn và gắn với lịch sử, địa lý địa phương…

Những năm gần đây, bộ tài liệu dạy học bậc THCS các môn toán, lý, hóa được GV và HS ủng hộ nhiệt tình. Ảnh: D.B

Lồng ghép “tính địa phương” vào SGK

Sở GD-ĐT TP đã đề ra nhiệm vụ cho năm học mới 2016-2017 là tự xây dựng khung chương trình giáo dục và bộ SGK phù hợp thực tiễn phát triển của TP dựa trên khung chương trình chung của Bộ GD-ĐT. Chương trình cấp học xây dựng theo hướng mở: một số môn học bắt buộc (văn – tiếng Việt, toán, ngoại ngữ) và các môn tự chọn phải hoàn thành trong cả cấp học với số lượng môn học tối đa là 8 môn/năm; giảm 3-5 môn so với hiện nay (HS phổ thông hiện phải học từ 11-13 môn/năm).

Tại phiên trả lời chất vấn đại biểu HĐND TP mới đây, ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết: “SGK hiện cần có thêm những nội dung cập nhật tính thực tiễn, khoa học mới, trong khi bộ SGK hiện hành khá nặng về hàn lâm, thiếu tính thực tiễn. Bởi vậy, Sở GD-ĐT TP đã đề xuất với Bộ GD-ĐT xây dựng bộ SGK mới của TP phù hợp với thực tiễn hơn”.

Ngoài ra, Giám đốc Sở GD-ĐT TP cũng khẳng định mục tiêu biên soạn SGK riêng là giảm bớt lý thuyết, tăng tính ứng dụng, thực hành cho HS theo tích hợp nhiều kiến thức và tích hợp liên môn. Qua đó giúp HS có thời gian tham gia hoạt động ngoại khóa. Việc biên soạn này sẽ gắn các nội dung đổi mới giáo dục, lồng ghép kiến thức về lịch sử, địa lý, từ ngữ… gắn với địa phương để khi chuyển tải tới HS mang tính thực tiễn hơn, nhất là ứng dụng thực hành trong giai đoạn mới.

Hiện Sở GD-ĐT TP đang phối hợp với Nhà xuất bản Giáo dục tập huấn cho đội ngũ viết sách. Đồng thời, TP cũng đang chờ Bộ GD-ĐT ban hành khung giáo dục phổ thông quốc gia mới. Ngay khi Bộ GD-ĐT ban hành, Sở GD-ĐT sẽ tiến hành biên soạn theo khung chương trình này.

Nói về đội ngũ biên soạn, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết: “Đội ngũ tham gia viết sách gồm các chuyên gia, cán bộ quản lý, GV các trường ĐH và phổ thông. Trong đó có những thầy cô giáo còn rất trẻ, có năng lực chuyên môn cao, năng động, sáng tạo nên sẽ tiếp thu đổi mới nhanh và hiệu quả, giúp HS hứng thú hơn khi sử dụng SGK”.

Sách có thể sử dụng trong 3-4 năm

Trước khi tiến hành biên soạn SGK thì những năm gần đây Sở GD-ĐT TP đã biên soạn Tài liệu dạy học bậc THCS với các môn toán, lý, hóa nhằm giảm lý thuyết, tăng tính thực tiễn cho HS. Bộ tài liệu đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của GV và HS. Trên cơ sở này, các trường học háo hức chờ bộ SGK riêng của TP mà Sở GD-ĐT đang biên soạn. Tuy nhiên, cũng có thêm nhiều ý kiến đóng góp, bổ sung để bộ sách hoàn thiện hơn.

Cô Phạm Thị Kim Phương, GV Trường THCS Ngô Tất Tố, Q.Phú Nhuận, khẳng định: “Tài liệu dạy học bậc THCS ở môn vật lý in màu, nhiều hình ảnh đẹp và rõ ràng. Tài liệu cập nhật nhiều kiến thức mới, gắn lý thuyết và thực tiễn cuộc sống. Đồng thời có thêm phần “thế giới quanh ta” rất hay, HS thích thú với phần này. Tài liệu được thiết kế theo dạng chủ đề giúp GV linh hoạt hơn trong việc dạy học”. Tuy nhiên, qua khảo sát ý kiến HS, cô Loan chỉ ra một số hạn chế như: “Để sử dụng lại tài liệu lớp 6 và lớp 7 thì không thuận tiện vì có một số nội dung điền khuyết.

Về giá thành, nhiều GV cũng cho rằng chắc chắn khi bộ SGK mới đưa vào sử dụng sẽ cao hơn vì có nhiều hình ảnh minh họa, giấy đẹp… Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Hiếu cho hay: “Giá SGK phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nếu số lượng bản in cao sẽ giảm giá thành xuống”.

Để giảm bớt gánh nặng về chi phí bộ SGK mới của TP, thầy Đoàn Bá Cường, Hiệu trưởng Trường THCS Ngô Tất Tố, Q.Phú Nhuận cho rằng: “Sở GD-ĐT cần biên soạn làm sao để HS có thể sử dụng được nhiều năm, mức tối thiểu là 3-4 năm cập nhật lại một lần cho mới và có hiệu quả kinh tế. Đồng thời tránh tình trạng như SGK hiện nay có một số nội dung HS viết thẳng vào sách nên HS năm sau không thể dùng lại”.

Đây cũng là điều mà Sở GD-ĐT quan tâm ngay từ khi lập kế hoạch, phương án biên soạn để đề xuất với Bộ GD-ĐT. “Khi biên soạn SGK mới, Sở GD-ĐT TP sẽ tách biệt SGK và sách HS để tránh tình trạng chép vào sách; đồng thời sẽ kéo dài được thời gian sử dụng cho bộ sách. Nghĩa là khi hoàn thành năm học, HS có thể để lại sách HS lớp sau sử dụng”, ông Nguyễn Văn Hiếu thông tin thêm.

Dương Bình

Bình luận (0)