Trong văn bản giải trình về một số vấn đề cử tri quan tâm trước kỳ họp Quốc hội tới, Bộ GD-ĐT cho biết bộ đã chỉ đạo chuẩn bị tài liệu hướng dẫn và kế hoạch tập huấn cho các tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn sách giáo khoa (SGK). Sau khi biên soạn, bộ SGK do Bộ GD-ĐT chủ trì sẽ được công bố công khai, bao gồm phiên bản sách điện tử để giáo viên, học sinh sử dụng rộng rãi, bình đẳng.
Việc tái sử dụng SGK hiện nay chưa được bao nhiêu. Ảnh: Phụ huynh tại TP.HCM chọn mua sách cho con
Hướng dẫn lựa chọn SGK, tránh độc quyền
Khi biên soạn SGK mới, Bộ GD-ĐT sẽ yêu cầu các nhà xuất bản tham gia làm SGK và các sở GD-ĐT hướng dẫn, tập huấn giáo viên về việc sử dụng sách để học sinh có ý thức giữ gìn, bảo quản, đảm bảo SGK được sử dụng nhiều lần, tránh lãng phí. Về lựa chọn SGK trong các cơ sở giáo dục phổ thông, để bảo đảm sự cạnh tranh lành mạnh, tránh tình trạng độc quyền, Bộ GD-ĐT đang xây dựng Thông tư hướng dẫn việc lựa chọn SGK trong các cơ sở giáo dục phổ thông theo hướng giao quyền lựa chọn cho cơ sở giáo dục phổ thông dựa trên nguyện vọng của học sinh, phụ huynh; quy định cụ thể trách nhiệm của sở GD-ĐT, phòng GD-ĐT, người đứng đầu cơ sở giáo dục phổ thông trong việc quản lý việc lựa chọn, sử dụng SGK; có chế tài xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quyền lựa chọn của học sinh, phụ huynh.
Theo Bộ GD-ĐT, trước năm 2017, NXB Giáo dục Việt Nam là đơn vị duy nhất có chức năng, nhiệm vụ xuất bản SGK. Từ cuối năm 2017 đến nay, Bộ GD-ĐT đã phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép thêm một số NXB được tham gia xuất bản SGK và xem xét cấp phép các NXB đủ điều kiện được xuất bản SGK theo quy định của pháp luật (ngoài NXB Giáo dục Việt Nam và 5 NXB được cấp phép); xây dựng phương án xuất bản, in ấn, phát hành SGK đảm bảo đủ sách cho các cơ sở giáo dục, nhất là ở vùng sâu, vùng xa và tiết kiệm chi phí cho học sinh, phụ huynh.
Tái sử dụng SGK chưa nhiều
Trong văn bản giải trình này, Bộ GD-ĐT cũng chỉ ra những tồn tại ở việc xuất bản, phát hành SGK và hướng dẫn, chấn chỉnh. Cụ thể, việc xuất bản, phát hành SGK chỉ có NXB Giáo dục Việt Nam thực hiện như hiện nay tạo ra nghi ngại về sự độc quyền khép kín trong tất cả các khâu của quy trình từ biên soạn đến phát hành, không thúc đẩy cạnh tranh nhằm nâng cao chất lượng SGK. Thiết kế SGK theo hướng đa dạng hóa câu hỏi, bài tập là một yêu cầu mang tính chuyên môn và phương pháp. Tuy nhiên, hạn chế của việc này là nếu giáo viên tổ chức dạy học chưa đúng theo phương pháp tích cực như hướng dẫn, để học sinh điền số liệu và làm các bài tập trực tiếp vào SGK sẽ gây lãng phí vì sách chỉ sử dụng được 1 lần. Ngoài ra, việc này cũng có nguyên nhân do giá SGK hiện nay so với nhiều mặt hàng khác là quá rẻ, trong khi nhiều phụ huynh (đặc biệt là ở các thành phố lớn) có điều kiện về kinh tế nên muốn cho con em mình được học SGK mới hằng năm và chủ động hướng dẫn con em mình viết vào sách cho nhanh, thuận lợi trong quá trình học tập. Điều này không tạo được thói quen giữ gìn sách cho học sinh, đồng thời cũng gây tốn kém, lãng phí. Hiện nay, việc sử dụng lại SGK chưa nhiều.
Bộ GD-ĐT cho biết sẽ tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn việc sử dụng SGK đúng cách, phát huy được tính tự chủ, sáng tạo của học sinh để phụ huynh phối hợp thực hiện. Đồng thời, Bộ GD-ĐT sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc xuất bản SGK, tránh tình trạng độc quyền. |
Trong danh mục SGK do NXB Giáo dục Việt Nam phát hành cho học sinh còn nhiều tài liệu không phải là SGK bán kèm theo. Những tài liệu này thực chất là sách bổ trợ, tham khảo hỗ trợ học sinh trong quá trình học tập chương trình giáo dục phổ thông hiện hành. Tuy nhiên, do NXB Giáo dục Việt Nam phát hành SGK không có hướng dẫn rõ ràng dẫn đến việc các cơ sở giáo dục hiểu rằng đây là “SGK bài tập” bắt buộc học sinh phải mua như SGK. Từ năm 2016, Bộ GD-ĐT đã kiểm tra danh mục SGK do NXB Giáo dục Việt Nam phát hành và không phê duyệt danh mục sách bổ trợ, sách tham khảo đi kèm SGK. Đồng thời chỉ đạo NXB Giáo dục Việt Nam phải lấy nhiệm vụ chính trị phục vụ cho ngành là mục tiêu hàng đầu, tức phải đảm bảo cung ứng SGK theo các mục tiêu: sách phải đầy đủ; in đẹp, bền; giá cả hợp lý; không được để tình trạng học sinh thiếu SGK. Bộ GD-ĐT đã có văn bản hướng dẫn các sở GD-ĐT chỉ đạo các trường vận động học sinh sử dụng SGK cũ; vận động học sinh ở thành phố quyên góp SGK cũ tặng cho các vùng dân tộc, miền núi, xã nghèo… Đồng thời, NXB Giáo dục Việt Nam yêu cầu các công ty thành viên phải mua SGK cũ từ học sinh đã dùng (tại các cửa hàng SGK) và bán lại cho học sinh và phụ huynh khác có nhu cầu sử dụng.
Trước một số phản ánh về tình trạng độc quyền của NXB Giáo dục Việt Nam, Bộ GD-ĐT đã thành lập đoàn kiểm tra do Thanh tra bộ chủ trì tiến hành kiểm tra việc in, phát hành SGK năm học 2018-2019 đối với NXB Giáo dục Việt Nam. Tinh thần của bộ là kiểm tra trung thực, khách quan và xử lý nghiêm minh các vi phạm nếu có…
T.Trân
Bình luận (0)