Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Shopee, chợ Bến Thành, chợ Đồng Xuân bị Mỹ liệt vào nhóm “bán hàng nhái khét tiếng”

Tạp Chí Giáo Dục

Mỹ công bố báo cáo năm 2020 về tình trạng buôn bán hàng giả và tiêu thụ sản phẩm vi phạm quyền sở hữu trí tuệ diễn ra tại một số nước, trong đó có Việt Nam.

Mới đây, Cơ quan Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) đã công bố một một báo cáo với tiêu đề “Xem xét các thị trường có tình trạng buôn bán hàng giả và tiêu thụ sản phẩm vi phạm quyền sở hữu trí tuệ năm 2020", trong đó có liệt kê một loạt trang thương mại điện tử và những quốc gia có các khu chợ đang kinh doanh buôn bán bị cho là vi phạm.

Cơ quan Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) - Ảnh: Andrew Harrer/Bloomberg News

Cơ quan Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) – Ảnh: Andrew Harrer/Bloomberg News

Bản báo cáo dài 48 trang được USTR công bố vào ngày 14/1 nêu cụ thể danh sách 39 “chợ” trực tuyến và 34 chợ truyền thống “được xác định là có tham gia hoặc tiếp tay cho việc tham gia vào các hoạt động vi phạm bản quyền và bán hàng giả”.

Đáng chú ý, bản báo cáo này nêu tên 3 website thương mại điện tử và 2 khu chợ truyền thống tại thị trường Việt Nam. Cụ thể, 3 website là shopee.vn (Shopee), phimmoi và phimmoizz và 2 khu chợ nổi tiếng là chợ Bến Thành (TPHCM) và chợ Đồng Xuân (Hà Nội) bị USTR đưa vào báo cáo này.

Với Shopee, báo cáo cho biết đây là trang thương mại điện tử hoạt động trên môi trường internet và di động có trụ sở đặt tại Singapore với các nền tảng riêng được xây dựng để phục vụ cho những thị trường cụ thể tại khu vực Đông Nam Á và Brazil, trong đó có tên miền tại Việt Nam. Các chủ sở hữu bản quyền tố cáo tình trạng “có những mức độ rất cao các loại hàng giả được bán trên tất cả các nền tảng của Shopee”. 

Theo USTR thì Shopee không thiết lập các quy trình và công cụ phục vụ cho việc điều tra bên bán hàng khi sản phẩm của họ niêm yết trên sàn của Shopee bị khách hàng báo cáo là có vấn đề. Ngoài ra, việc kiểm soát chủ các gian hàng trên nền tảng này hết sức lỏng lẻo bởi người bán rất dễ dàng đăng ký một tài khoản khác và tiếp tục hành vi bán hàng giả ngay trên Shopee. Nền tảng này chỉ “đóng băng” hay gỡ bỏ tài khoản của “gian thương” khi có quá nhiều lời phàn nàn, tố cáo về chất lượng hàng hóa từ khách hàng.

Nhiều mặt hàng giả, nhái đang được bán trên một số trang thương mại trực tuyến - Ảnh: Shutterstock

Nhiều mặt hàng giả, nhái đang được bán trên một số trang thương mại trực tuyến – Ảnh: Shutterstock

Liên quan đến lĩnh vực giải trí trực tuyến, website phimmoi và phimmoizz có máy chủ đặt tại Việt Nam, USTR cáo buộc “cung cấp hàng ngàn bộ phim và chương trình truyền hình một cách trái phép, bao gồm nhiều tựa phim được đăng ký bản quyền tại Mỹ”.

USTR còn cho biết, vào tháng 8/2019, các chủ sở hữu đã nộp hồ sơ tố cáo những người điều hành trang web phimmoi đến 25 cơ quan quản lý liên quan tại Việt Nam để yêu cầu tiến hành điều tra. Đến nay, tên miền phimmoi đã bị chặn không thể truy cập được; tuy nhiên, trang phimmoizz vẫn đang hoạt động bình thường với hàng trăm tựa phim của nhiều quốc gia, trong đó có Mỹ.

“Chúng tôi tin rằng, người đứng đằng sau điều hành trang phimmoizz cũng chính là những kẻ đã từng điều hành trang phimmoi trước đó”, USTR nhận định và cho biết thêm, tên miền mới hiện đang là một trong những website phổ biến và có nhiều người ghé thăm nhất tại Việt Nam.

Với hai khu chợ truyền thống lớn ở Việt Nam thì USTR cho rằng, tình trạng kinh doanh hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng xảy ra khá phổ biến ở chợ Bến Thành, trong đó chủ yếu tập trung vào các mặt hàng lưu niệm phục vụ khách du lịch nước ngoài. Báo cáo của cơ quan này cho biết, trong năm 2020 đã có một đợt truy quét hàng giả được các cơ quan chức năng tại TPHCM thực hiện, thu giữ 1.276 món hàng giả trị giá 5.000 USD (khoảng 116 triệu đồng).

“Tuy nhiên, động thái này của cơ quan hữu trách vẫn chưa tương xứng với tình trạng buôn bán hàng giả ở đây”, báo cáo của USTR nhận xét.

Đối với chợ Đồng Xuân, USTR cho rằng, các loại hàng giả hàng nhái, chủ yếu là hàng gia dụng, vẫn được bày bán ở đây; tuy nhiên, người dân địa phương có vẻ như không mặn mà lắm với những mặt hàng này bởi “mức sống của người dân ngày một cao hơn và họ cũng có những yêu cầu nhất định về chất lượng, mẫu mã sản phẩm”.

Dẫu vậy, USTR cũng lưu ý rằng, chợ này vẫn đang tồn tại vấn đề mua bán, trao đổi các sản phẩm giả mạo sở hữu trí tuệ.

Trang thương mại điện tử Amazon ở thị trường một số nước bị USTR đưa vào báo cáo năm 2020 của mình - Ảnh: citinewsroom

Trang thương mại điện tử Amazon ở thị trường một số nước bị USTR đưa vào báo cáo năm 2020 của mình – Ảnh: citinewsroom

Báo cáo năm 2020 của USTR còn nêu một số cái tên quen thuộc có “dính” tới vấn đề hàng giả, hàng nhái và sản phẩm vi phạm quyền sở hữu trí tuệ như: trang thương mại điện tử Amazon tại các thị trường Anh, Đức, Pháp, Tây Ban Nha, Ý; trang  Baidu Wangpan ở Trung Quốc là nơi lưu trữ và chia sẻ phim, các chương trình truyền hình và sách lậu; trang Taobao ở Trung Quốc rao bán hàng giả…

Theo ước tính của USTR, có khoảng 2,5% (với giá trị tương đương hàng ngàn tỷ USD) các mặt hàng nhập khẩu vào các nước trên toàn cầu là hàng giả, hàng nhái, hàng lậu.

Theo Nguyễn Thuận/PNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)