Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Show truyền hình ngoài trời hút khách

Tạp Chí Giáo Dục

Dù các chương trình được sản xuất ở trường quay vẫn chiếm ưu thế nhưng gần đây, các show ghi hình ngoài trời có sự gia tăng số lượng đáng kể, thu hút được lượng lớn khán giả hào hứng theo dõi.

Nhiều chương trình “triệu view”

Vượt ra không gian nhỏ của trường quay, các chương trình truyền hình sản xuất ngoài trời có sự gia tăng đáng kể trong thời gian qua. Những chương trình đang và sẽ được phát sóng như: Nghệ sĩ du ký, 2 ngày 1 đêm, Ai rồi cũng nóng, Đi Việt Nam đi (mùa 2), Xuân hạ thu đông rồi lại xuân (mùa 2), Du hành ký ức

Các ca sĩ, diễn viên tham gia Vừa đi vừa hát, ghi hình trên một chuyến xe

Các ca sĩ, diễn viên tham gia Vừa đi vừa hát, ghi hình trên một chuyến xe

Một số chương trình đã được phát sóng trước đó như: Chúng tôi là chiến sĩ, Vừa đi vừa hát… Phần lớn các chương trình thuộc hai nhóm nội dung: âm nhạc và trò chơi vận động, trải nghiệm kết hợp du lịch. Trong đó, nhiều chương trình đặc sắc, thu hút lượng lớn người xem. 

Không nằm ngoài dự đoán, mỗi tập 2 ngày 1 đêm (được mua bản quyền Việt hóa từ Hàn Quốc) thu về 7 đến 10 triệu lượt xem, luôn xếp hàng đầu trong bảng xếp hạng trending YouTube vài tuần qua. Trước đó, Sao nhập ngũ cũng đạt được những con số ấn tượng từ 2 đến 14 triệu lượt xem/tập. Chương trình đã đến mùa thứ 12 nhưng vẫn giữ được sức nóng. Running man phiên bản Việt có tập phát sóng đạt hơn 20 triệu lượt xem – con số khó đạt được với nhiều chương trình giải trí hiện tại. Trong các show âm nhạc thời gian gần đây, Xuân hạ thu đông rồi lại xuân có lượt xem đạt vài triệu lượt/tập…

Không ít khó khăn

Ông Bửu Điền (Giám đốc Công ty Điền Quân, đơn vị sản xuất Vừa đi vừa hát, Chuyến đi nhớ đời) nhận định: “Hiện trên thế giới, việc sản xuất các show truyền hình, giải trí ngoài trời phát triển khá mạnh. Tại Việt Nam, các show sản xuất ở trường quay vẫn chiếm ưu thế, nhưng đang ở thời kỳ bão hòa. Hướng đi này có thể mang đến những trải nghiệm thú vị hơn cho khán giả, đồng thời cũng giúp nhà sản xuất (NSX) tạo được sự chú ý với những format mới mẻ”. 

Trước hết, các chương trình đa dạng phần nhìn, bối cảnh, tạo cảm giác thích thú cho người xem. Đây là điểm hạn chế đầu tiên mà các chương trình sản xuất trường quay không có được. Bên cạnh những tràng cười từ sự hài hước của người chơi, thì 2 ngày 1 đêm, Chơi là chạy, Chuyến đi nhớ đời, Đi Việt Nam đi… giúp khán giả biết đến nhiều địa điểm du lịch nổi tiếng. Cảnh quay đẹp, thỏa mãn phần nhìn của người xem.

Một cảnh trong chương trình Xuân hạ thu đông rồi lại xuân

Một cảnh trong chương trình Xuân hạ thu đông rồi lại xuân

Việc sản xuất ngoài trời mang đến trải nghiệm thực tế, tính tương tác cao. Giữa những chương trình khai thác ký ức, đời tư của nghệ sĩ, Du hành ký ức lại tạo được nét riêng khi đưa nhân vật về với nơi gắn liền kỷ niệm, nhờ đó, câu chuyện được truyền tải sinh động hơn. Trong khi đó, những chuyến đi nhằm hiện thực hóa ước mơ của những hoàn cảnh nghèo khó từ Nghệ sĩ du ký lại chạm đến trái tim khán giả nhờ nội dung xúc động, nhân văn…

Hai năm trở lại đây, nhiều chương trình âm nhạc sản xuất tại trường quay loay hoay để lôi kéo sự chú ý của khán giả. Công nghệ điện tử, ánh sáng, hình ảnh được tận dụng tối đa, nhưng không nhiều chương trình đọng lại. Không phải tiết mục nào cũng đạt đến mức xuất sắc, nhưng Xuân hạ thu đông rồi lại xuân ghi điểm nhờ sự mộc mạc. Ở đó, khán giả không chỉ được thưởng thức âm nhạc được đặt trong không gian đa dạng, mà còn biết được quy trình để cho ra một sản phẩm, sự kết hợp giữa các ca sĩ.

Ông Kim Guk Jin (đại diện Forest Studio, đơn vị sản xuất Xuân hạ thu đông rồi lại xuân) ví von cách thức của chương trình giống như việc món ăn trở nên ngon hơn khi thực khách biết được nguyên liệu, cách chế biến hay câu chuyện đằng sau đó. Từ những điều thực tế được truyền tải, khán giả hiểu được sự khó khăn, nỗ lực của nghệ sĩ để có sự đồng cảm 
nhiều hơn. 

Bối cảnh, điểm đến đa dạng cũng là nguồn chất liệu tốt để đội ngũ sản xuất sáng tạo, đặc biệt với các chương trình có nhiều trò chơi vận động, trải nghiệm. Thử thách được đặt ra rất đa dạng, nên hạn chế được sự trùng lắp, nhàm chán. 
Tuy nhiên, theo ông Bửu Điền, dẫu đây là thuận lợi, nhưng đội ngũ sản xuất lại phải mất nhiều công sức hơn. Họ phải chuẩn bị nhiều phương án dự phòng vì sản xuất ngoại cảnh không thể ứng phó linh hoạt như trường quay. Mỗi tập phát sóng của Chuyến đi nhớ đời chỉ có ba đến bốn trò chơi, nhưng ê-kíp phải chuẩn bị đến 200 trò để phòng trường hợp rủi ro do thời tiết, điểm đến không phù hợp để tổ chức… 

Dẫu cách sản xuất này có nhiều ưu điểm, đặc biệt trong bối cảnh các show ở trường quay bão hòa, nhưng nhiều NSX vẫn đắn đo vì có khá nhiều khó khăn. Thời tiết làm ảnh hưởng rất nhiều đến tiến độ sản xuất, thường kéo dài hơn dự kiến. Đặc biệt với các chương trình âm nhạc, áp lực càng tăng gấp nhiều lần với ê-kíp sản xuất, bởi thời tiết không thuận lợi ảnh hưởng đến cả chất lượng nghe, nhìn. 

Bà Thạch Thị Kim Ngân (Giám đốc sản xuất chương trình Đẳng cấp thực khách – trực thuộc ứng dụng FPT) phân tích: “Những show sản xuất ngoại cảnh thường tốn nhiều nhân lực hơn so với show ở trường quay. Chi phí sản xuất cũng rất lớn. Đây là những thách thức không nhỏ. Tuy nhiên, chúng tôi cũng đang nghiên cứu, để có thể phát triển dạng chương trình này trong năm tới. Chúng tôi đang tìm kiếm những format tốt, chất lượng, vì nội dung vẫn là yếu tố hàng đầu”. 

Bên cạnh những chương trình đạt hàng triệu đến chục triệu lượt xem/tập, những chương trình như: Vừa đi vừa hát, Chuyến đi nhớ đời, Du hành ký ức… chỉ đạt mức trung bình vài trăm ngàn lượt xem/tập. Phần lớn chúng được sản xuất mùa đầu, đang trong quá trình định hình thương hiệu. Trong đó, có chương trình nhấn vào mảng nhân đạo, nội dung khó được chú ý, hoặc có chương trình format vẫn chưa thực sự hấp dẫn. 

Điều đó cho thấy dẫu phương thức sản xuất có thể thay đổi nhằm đáp ứng nhu cầu đổi mới của khán giả, nhưng nội dung chương trình vẫn là yếu tố tiên quyết. Khán giả vẫn có xu hướng chuộng những chương trình mang tính giải trí cao, khách mời hài hước. 

Theo Trung Sơn/PNO

 

 

Bình luận (0)