Hôm qua (5/7), gần 700.000 thí sinh đã hoàn thành bài thi đợt một (khối A, V), kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2011. Mỗi người mỗi cảnh nhưng họ cùng chung một điểm, khi các em đi thi là cả bố mẹ, người thân lại… đi thi cùng. Để chắp cánh cho ước mơ của con em mình bước tới giảng đường, nhiều gia đình phải vay mượn, thậm chí bán cả đồ đạc…
Dù bị mù nhưng bà Cao Thị Vẽ vẫn theo con gái đến điểm thi Ảnh: Thái San |
Những ước mơ đại học
Tại điểm thi Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, nhiều người ngỡ ngàng khi thấy thí sinh Phạm Vũ Hoàng (Gia Lộc, Hải Dương), bị liệt 2 chân, ngồi trên xe lăn được người thân đưa tới phòng thi. Không hề mặc cảm, Hoàng tự tin trò chuyện về bản thân và ước mơ vào đại học. Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, Hoàng được điểm 10 môn Toán và 9,5 điểm môn Lý. Bất ngờ lớn đối với Hoàng khi lãnh đạo nhà trường cho hay, chiếu theo quy chế mới mà Bộ GD&ĐT vừa ban hành với trường hợp khuyết tật của Hoàng,em sẽ được đặc cách vào đại học. "Dù được miễn thi đại học, nhưng em muốn dự thi để biết được học lực của mình đến đâu", Hoàng tâm sự.
Một trường hợp khác tại điểm thi ĐH Sư phạm Hà Nội, thí sinh Nguyễn Văn Tiến (Thanh Oai, Hà Nội) bị khiếm thị, thi vào chuyên ngành cử nhân Toán. Tiến được Hội đồng Tuyển sinh nhà trường bố trí riêng một phòng tăng cường ánh sáng, một bóng đèn để gần trước mặt nhằm tạo điều kiện cho em có thể nhìn được dễ dàng hơn. Theo lãnh đạo nhà trường, trường hợp của Tiến cũng thuộc diện thí sinh khuyết tật có thể xem xét tuyển thẳng. Để tạo sự công bằng, em vẫn làm bài như các thí sinh khác. Số điểm đạt được của bài thi là một yếu tố để Hội đồng tuyển sinh cân nhắc xem em đỗ hay không.
Với các thí sinh khuyết tật,mỗi người có một hoàn cảnh, tuy nhiên tất cả họ đều rất tự tin ở vốn kiến thức đã tích lũy với một mong ước mãnh liệt được ngồi trên giảng đường đại học.
Mẹ mù lòa đưa con đi thi
Đứng trước cổng trường Đại học Sư phạm Hà Nội, người mẹ ấy cứ nhìn vào khoảng không vô định. Nhìn đôi mắt mờ đục của bà, sau khi trò chuyện, tôi mới biết bà bị mù. Bà là Cao Thị Vệ, quê ở Thái Bình, đưa con gái đầu Dương Thị Duyên ra thi đại học. Người mẹ ấy chỉ đứng cách cánh cổng trường hai mét để đợi con. Bà cứ đứng như thế hàng tiếng đồng hồ, chỉ sợ lúc con thi xong ra không thấy mẹ, mà lạc nhau giữa Hà Nội biết làm sao tìm được! Đưa con đi thi, nhưng bà bảo, thực ra là con đưa mẹ đi, bởi bà có nhìn thấy gì đâu? Lời bà nhẹ tênh mà sao thấy xót xa: "Tôi trong Hội người mù, còn chồng tôi ở Hội người tàn tật. Chân tay ông ấy co quắp lại, bưng nồi cơm cũng khó". Xót xa hơn, cậu con trai út cũng bị tàn tật như bố. Gia đình bà thuộc hộ nghèo, được chính quyền địa phương thường xuyên hỗ trợ. Tuy vậy, hai vợ chồng cũng cố gắng nuôi hai con ăn học. Ngoài việc đồng áng, vợ chồng bà nuôi thêm lợn, gà tích cóp thêm đồng ra đồng vào. Trước ngày đưa con đi thi, thu hoạch được 3 tạ thóc loại gạo tám thơm. Bí tiền, bà bán rẻ được 700.000 đồng/tạ, dành dụm được chút tiền đưa cô con gái đầu đi thi. Đợt một Duyên thi vào Đại học Sư phạm Hà Nội. Đợt tới, em thi vào Cao đẳng Cộng đồng Hải Phòng. Bà bảo, lên Hà Nội, hai mẹ con may mắn được một anh cùng xóm thuê nhà trên Hà Nội cho ở nhờ nên cũng đỡ.
Ông Nguyễn Văn Minh, quê ở Văn Giang (Hưng Yên), có con thi vào Đại học Thương mại. Để đưa con đi thi, gia đình ông phải bán hơn 2 sào lúa non, được 400.000 đồng. Nếu chờ đến thời điểm này cũng được giá 600.000 đồng, nhưng gia đình không xoay đâu ra tiền cho con đi thi nên đành phải bán. Ngoài số tiền bán lúa non, ông Minh vay mượn thêm anh em, bà con ít tiền. Vợ chồng ông có thêm nghề thợ hồ, nên ông Minh dự kiến, sau khi con thi xong, hai vợ chồng phải tích cực đi phụ hồ để… trả nợ. Vì gia đình nghèo nên hai bố con cũng hà tiện, không dám tiêu pha gì. Sợ "cháy" phòng trọ, sáng ngày 1/7, ông Minh đích thân bắt xe lên Hà Nội đặt phòng ký túc xá tại Đại học Thương mại, rồi lại tất tả về Hưng Yên. Tuy chỉ ở hai ngày (3 – 4/7), vì sáng 5/7 đưa con đi thi cũng là lúc trả phòng luôn, nhưng ông Minh phải trả tiền phòng tới 5 ngày, từ ngày 1 đến 5/7, với giá 25.000 đồng/người/ngày. Khoản chi tiền trọ cho hai bố con sống trong ký túc xá đợt thi đầu tiên cũng hết 250.000 đồng. "Bố con tôi không dám ở Hà Nội lâu, sợ tốn kém, nên 5 giờ sáng 3/7, hai bố con mới bắt xe lên Hà Nội để làm thủ tục thi. Phải ba chặng đi xe, một lần xe ôm, hai lần xe buýt, mới tới được ký túc xá. Đợt hai con tôi thi khối D ở Đại học Luật không biết có còn tiền để đi thi không", ông Minh bùi ngùi.
Ông Ngô Văn Hòa, quê ở Bắc Ninh, may mắn ở nhờ được nhà người quen. Hai vợ chồng ông Hòa đều làm ruộng và thợ nề, nhưng hai người con lại học giỏi. Con gái đầu Ngô Thị Hường học trường chuyên của tỉnh, năm nay dự thi vào Đại học Sư phạm Hà Nội (đợt một) và Đại học Y Hà Nội (đợt hai). Cậu con trai út đang học chuyên Toán của trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Tằn tiện cho con ăn học, trong nhà không có gì đáng giá nên ra Hà Nội, ông chỉ biết mang theo ít gạo làm quà cho người nhà. Cũng may trong các đợt thi, được người nhà giúp đỡ, ông bớt được phần nào gánh nặng cơm nước.
Chắp cánhnhững ước mơ
Gặp thí sinh Đỗ Thị Hồng Phượng (quê ở Ninh Bình) trước cổng trường Đại học Sư phạm Hà Nội, em cho hay, là người Công giáo, được các xơ nhà thờ Phát Diệm đưa đi thi. Không kể là người bên lương hay bên giáo, thí sinh nào đăng ký, đều được nhà thờ bố trí xe lên Hà Nội cùng đoàn, ở trọ tại Giáo xứ Cổ Nhuế. Tại đây, có hàng trăm sinh viên như Phượng ở trọ, tất cả các em đều nhận được sự giúp đỡ tận tình trong việc ăn ở, đi lại.
Điều dễ dàng nhận thấy là ở tất cả các điểm thi đều có màu áo xanh tình nguyện tiếp sức mùa thi. Họ là những thanh niên, sinh viên hướng dẫn, giúp đỡ, tiếp sức cho các sĩ tử "vượt vũ môn". Thật cảm động khi có hàng nghìn suất cơm… được các tình nguyện viên đưa tận tay thí sinh cùng người nhà sau mỗi buổi thi. Một tình nguyện viên của Hội Sinh viên Bắc Giang tại Hà Nội cho hay, chùa Đình Quán (huyện Từ Liêm) đã "tiếp sức" 1.500 suất ăn trưa cho sĩ tử tại một số điểm thi. Tại Đại học Giao thông Vận tải và Đại học Luật Hà Nội, những suất cơm miễn phí cũng được trao cho các phụ huynh và thí sinh. Các hội trường được sinh viên quét dọn sạch sẽ, bật quạt mát để thí sinh nghỉ, ăn cơm. Suất cơm đạm bạc với rau, ít thịt và lạc cùng với nước canh nhưng các sĩ tử ăn khá ngon lành.
Hội sinh viên, thanh niên con em quê hương Thanh Chương (Nghệ An) đang sinh sống, học tập, làm việc ở Hà Nội đã tự nguyện tập hợp nhau lại thành một đội, tổ chức "tiếp sức mùa thi" cho các bạn cùng quê. Thay vì lạ lẫm, lạc lõng giữa chốn "phồn hoa đô hội", các thí sinh ấm lòng hơn, tự tin hơn khi nhận được sự hỗ trợ chân tình từ những người đồng hương. Những chuyến xe từ Thanh Chương ra Hà Nội thường về bến sớm (3 giờ 30 phút sáng) nên đội rất vất vả, phải đến bến xe sớm để kịp đón các thí sinh, tìm chỗ trọ miễn phí, tư vấn chỗ trọ giá rẻ và chở các em đến tận chỗ trọ, nhận đưa đi, đón về trong những ngày thi. Thí sinh Nguyễn Văn Khánh (quê ở Thanh Chương), dự thi ở Đại học Phòng cháy Chữa cháy cho hay, lúc em vừa xuống xe, các anh chị tình nguyện tíu tít hỏi chuyện. Một mình ra đây thi, em rất lo vì không quen đường đi lối lại, giá cả lại đắt đỏ… Nhưng ra đến Hà Nội, có các anh chị đồng hương giúp đỡ, em thấy ấm lòng hơn, vững tin hơn. Một anh trong Đội tình nguyện còn cho em ở nhờ, đưa đón suốt hai ngày thi. Đó là một sự động viên thúc đẩy để em vượt qua kỳ thi lần này.
Mùa thi, mùa của sự sẻ chia, giúp đỡ! Mùa của tình đồng hương, của các bạn thanh niên, sinh viên tình nguyện đang tiếp thêm nghị lực, chắp thêm đôi cánhcho những ước mơ được bay lên.
Theo KTĐT
Bình luận (0)