Một mình từ Thái Bình lên Hà Nội thi đại học, tôi thuê một phòng trong dãy trọ sinh viên khu Mỹ Đình, Từ Liêm. 5 ngày ăn, ở cùng các anh chị sinh viên, dù không nhiều, nhưng tôi nhận ra rằng cuộc sống của một số anh chị không như tôi hình dung.
Cả dãy trọ có 8 phòng, ba phòng chốt cửa về hè, những phòng còn lại, anh chị không về hè. “Về nhà cũng chẳng làm gì, chỉ tổ cãi nhau với cha mẹ, thà ở trên này chơi cho sướng còn hơn”, chị Thơ, ở Tuyên Quang nói với tôi. Được nghỉ gần hai tháng nhưng chị chỉ về nhà đúng hai hôm, cầm tiền rồi lên luôn. Hàng ngày, chị chỉ loay hoay trong khu trọ, ăn uống qua loa, nằm nghe nhạc rồi lại ngủ. Dường như không ai có thói quen đọc sách, chỉ một vài tờ báo được trao nhau. Không chỉ chị Thơ, mà nhiều chị sinh viên khác cũng chung “lập trình” thời gian biểu này.
Mấy anh con trai thường xuyên tụ tập ở phòng cuối, chốt kín cửa. Hoá ra là họ đánh bài, chơi trò ba cây ăn tiền gì đó. Có khi chỉ bốn anh sống cùng một phòng họ vẫn ngồi sát phạt nhau. Có anh mất hết tiền, bị loại ra “cuộc chơi”, ngồi thẫn thờ trước phòng mặt mũi phờ phạc. Có lúc họ mất tiền triệu nhưng hết tiền thì cơm cũng phải nhịn.
|
Nhiều sĩ tử “ngờ ngợ” về cuộc sống sinh viên sắp tới của mình. (Ảnh minh hoạ: HN / Dân Trí)
|
Trong hình dung của tôi, trong một xóm trọ, sinh viên rất thân thiết, gắn bó với nhau. Nhưng những gì tôi thấy ở đây lại không phải như thế. Họ tỵ nhau từng tý từ việc quét sân, dọn nhà vệ sinh, đổ rác… Anh bên cạnh phòng tôi còn nói: “Tao không nấu ăn, sao tao phải dọn rác”…
Nhưng điều làm tôi tò mò nhất là phòng số 7, rõ ràng là một nam một nữ sống cùng nhau. Lần đầu tiên thấy cảnh sống thử, tôi không tin vào mắt mình nên rất hay để ý về phía phòng họ: “Có gì lạ đâu em, trước đây chị cũng sống chung cùng anh người yêu cũ ở đây, nhưng chia tay nhau rồi”, chị Thơ nói tỉnh bơ.
Đôi “vợ chồng” này anh “chồng” vừa tốt nghiệp trước Mỏ – Địa chất, còn chị “vợ” là sinh viên năm thứ 2 trường Thương mại, chỉ hơn nhau đúng hai tuổi nhưng đã sống chung với nhau hơn một năm nay. Thật khó tin là hai người này yêu nhau vì gần như ngày nào họ cũng cãi vã, chửi bới nhau. Lúc thì ở trong phòng, lúc ở bể nước, lúc trước dãy trọ và cả trước ngõ… dường như lúc nào họ cũng có thể cãi cọ nhau.
Đúng ngày thứ 3 lên đây, hôm làm thủ tục dự thi về tôi được chứng kiến anh chị này “choảng” nhau. Đang nằm trên giường, tôi giật mình vì tiếng chị “vợ” nói to đầy thách thức: “Tôi thế đấy, anh làm gì tôi nào?”. Chị ta vừa dứt câu, anh “chồng” đá văng nồi cơm điện trước phòng trọ, cơm văng tung toé.
Tôi đứng dậy ra cửa, giật thót mình khi một chiếc mũ bảo hiểm từ trong văng ra, lần này là do chị vợ ném. Cứ thế họ tiếp tục lớn tiếng chửi bới lẫn nhau với những lời lẽ mà tôi không bao giờ nghĩ hai người yêu nhau lại có thể nói với nhau.
Lạ hơn, các anh chị sinh viên trong xóm không hề ngạc nhiên về điều này, họ vẫn ngồi yên trong phòng như không có chuyện gì. Tôi thắc mắc thì một chị học Sư phạm cho hay: “Quen rồi em ạ, ngày nào họ chẳng đánh nhau. Những đôi khác từng sống ở đây đều thế, mình bận tâm làm gì cho mệt người. Chốc lại làm lành với nhau ngay ấy mà”. Đúng như chị này nói, chiều đó “vợ chồng” họ đã vui vẻ cười đùa với nhau.
Tất cả những gì tôi thấy tại xóm trọ này khác hẳn với hình dung của tôi về cuộc sống cũng như về tình yêu sinh viên. Tôi không thể so sánh khác thế nào nhưng tôi biết là khác, khác nhiều lắm. Chị Thơ cũng chia sẻ: “Trước đây chị cũng không nghĩ thế này. Chắc tại trước khi trở thành sinh viên mình mơ mộng quá”.
Với kết quả thi của mình, tôi đủ tự tin mình cũng sắp trở thành một sinh viên… Thế mà, lên đường về quê tôi vẫn thấy lòng mình nặng trĩu. Điều an ủi lớn nhất với tôi lúc này là nghĩ đến các anh chị sinh viên trong màu áo xanh tình nguyện có mặt ở bến xe, trường thi và mọi nẻo đường để “tiếp sức” cho chúng tôi…
Theo Dân Trí
Bình luận (0)