Nhà chức trách Sierra Leone đã phải bắt đầu một chiến dịch ngăn chặn tình trạng bạo lực đang gia tăng trong các lần tranh tài thể thao giữa các trường học.
Số vụ đánh nhau giữa các học sinh trở nên dày đặc trong những tháng gần đây, hầu hết tập trung vào các trường tại thủ đô Freetown.
Đã trở thành chuyện bình thường khi học sinh lén mang theo vũ khí như dao xếp, dao cạo và chai lọ vào sân vận động quốc gia, nơi diễn ra phần lớn các cuộc tranh tài.
Khi những nhóm học sinh đối thủ của nhau tràn ra đường, nhiều người chạy xe gắn máy và đi bộ bị kẹt vào các vụ xô xát. Một số người thậm chí bị thương và đồ đạc mang theo bị phá hủy, lấy cắp…
Lệnh cấm
Tình trạng bạo lực trong trường học không phải là chuyện gì mới mẻ tại Sierra Leone. Vào năm cuối nội chiến hồi 2002, một số học sinh từng được các nhóm nổi dậy tuyển dụng làm binh sĩ trẻ em vẫn còn mang theo súng khi tới trường.
Những học sinh này nay hầu hết đã không còn theo học tại hai trường xưa nhất của thủ đô – Học viện Albert và Trường cấp 2 St Edwards, nhưng các trường này vẫn bị cấm tham gia tranh tài thể thao do các vụ chạm trán vẫn lặp đi lặp lại giữa học sinh.
Mới cách nay vài tháng, phải cần đến sự can thiệp của tổng thống vừa đắc cử Ernest Bai Koroma mới lập lại nổi hòa bình trong số học sinh Trường Hồi giáo Congress thuộc mạn đông Feetown. Học sinh xô xát với cảnh sát sau khi cướp phá tài sản nhiều cửa hàng, nhà dân gần trường.
Phụ tá cảnh sát trưởng Tamba Gbekie nói, bạo lực đã phát triển thành “một vấn đề an ninh chính thời hậu chiến”. Theo ông: “Cho nên chúng tôi đã phải tăng cường các chiến dịch cho các phân đội để hỗ trợ giải quyết những sự cố như vầy”.
Trong một vài trường hợp, cảnh sát bị cáo buộc là đã đáp trả quá mạnh và “quá tay” – cáo buộc mà họ luôn phủ nhận.
Âm nhạc nước ngoài
Ông Gbekie nói, phân đội tham gia chiến dịch đang được huấn luyện bổ sung để kiểm soát đám đông và dập tắt xuống đường mà không cần sử dụng nhiều đến sức mạnh.
Ông giải thích: “Chúng tôi bắt đầu hợp tác với các tổ chức dựa trên cơ bản trường học để giúp giảm bớt bạo lực, và chúng tôi tin rằng dần dần cũng sẽ giải quyết tận gốc tình trạng bạo lực trong học đường”. Simeon Jaka, một giáo viên với 35 năm kinh nghiệm, đổ lỗi cho bạo lực tại nhà trường do các khuynh hướng xã hội mới và ảnh hưởng của truyền thông đại chúng cũng như âm nhạc nước ngoài.
Ông nói: “Nguyên nhân chủ yếu khiến học sinh trong trường có hành động bạo lực là do ảnh hưởng của truyền thông đại chúng từ Tây phương, phim ảnh và các bài hát bạo lực, hành động bạo lực của các ngôi sao. Bọn nhỏ bắt chước rồi mang chúng vào nhà trường”.
Ảnh hưởng của âm nhạc nước ngoài có thể thấy rõ qua việc gia tăng số học sinh soạn những bài theo điệu hip hop với nội dung bạo lực, và đôi khi chuyển từ nội dung sang hành động.
Bọn trẻ còn ăn theo bằng cách tự đặt biệt danh cho cá nhân mình hoặc cho từng nhóm đồng bọn với những tên ghê rợn như “Nigga tên sát nhân”, “Biệt đội tử thần”, “Những kẻ giết người”…
Ông Jaka cũng nhận xét mọi tiêu chuẩn đạo đức đã hạ thấp đáng kể trong trường và kỷ luật đang ở mức thấp nhất. Ông nói: “Lớp học quá đông và thiếu động cơ cần thiết cho giáo viên là những yếu tố thêm vào vấn đề này”.
“Thông điệp hòa bình”
Tuy vậy, một số học sinh cũng tự mình nghĩ cách trừ tiệt gốc rễ của bạo lực trong nhà trường.
Học sinh Trường St. Edwards ở Freetown đã thành lập nhóm Phong trào Học sinh chống bạo lực và đi vòng quanh các trường khác kêu gọi đồng bạn tránh xa bạo lực.
Bernard Conteh, một trong những thành viên gầy dựng ra phong trào, cho biết chiến dịch của họ đã có những bước tiến đáng kể. “Chúng tôi đã hình thành chi nhánh tại khoảng 20 trường cấp 2 ở Freetown, và có ý định mở rộng ra cả nước”.
Mục tiêu của nhóm là “giữ trật tự” trong các trường và bảo đảm bầu không khí học tập mà không hề có bạo lực”.
Theo Conteh: “Chúng tôi không thật sự cần đến cảnh sát, chúng tôi có thể khiến các bạn học không màng gì đến bạo lực. Khá đông học sinh trước kia nổi tiếng hay dùng bạo lực nay trở thành những thành viên tích cực của tổ chức chúng tôi, giúp trải rộng thông điệp hòa bình”.
Trước khi các hoạt động liên trường bắt đầu trở lại vào tháng 9, Phong trào Học sinh chống bạo lực nói họ đang lên kế hoạch cho một loạt các hoạt động, trong đó có tranh luận nên làm những gì.
Tuy nhiên, chiến dịch chống bạo lực trong trường học tại Sierra Leone vẫn còn một quãng đường dài trước mặt.
Quang Hùng (theo AP)
Bình luận (0)