Nhằm ngăn chặn tình trạng rao bán giấy phép lái xe (GPLX) và bao đậu thi cấp GPLX trên mạng xã hội, vừa qua Sở GTVT TP.HCM đã có nhiều giải pháp tăng cường nâng cao chất lượng quản lý công tác đào tạo, sát hạch lái xe trên phạm vi toàn địa bàn.
Sở GTVT TP.HCM tăng cường nâng cao chất lượng đào tạo và sát hạch lái xe trên toàn địa bàn thành phố
Siết chặt từ khâu tổ chức tuyển sinh
Theo thống kê của Sở GTVT, trong 6 tháng đầu năm 2019, đơn vị đã phối hợp với UBND quận Thủ Đức xử lý dứt điểm 2 trường hợp văn phòng tuyển sinh giả mạo trên địa bàn, đình chỉ thi đối với 6 trường hợp thí sinh vi phạm quy chế thi. Đồng thời đã chuyển cơ quan công an 15 trường hợp sử dụng giấy khám sức khỏe giả để tham dự khóa học đào tạo lái xe và 369 trường hợp sử dụng GPLX giả được phát hiện trong quá trình trả lời xác minh và rà soát hồ sơ cấp đổi cho cơ quan cảnh sát điều tra để điều tra, xử lý theo thẩm quyền. Nhằm chấn chỉnh tình trạng này, Sở GTVT chỉ đạo các cơ sở đào tạo tổ chức tuyển sinh học lái xe phải đảm bảo các điều kiện về độ tuổi, sức khỏe, địa điểm đã đăng ký trong giấy phép đào tạo. Bên cạnh đó cần thông báo công khai các trụ sở, địa điểm tiếp nhận hồ sơ học lái xe, địa điểm đào tạo lái xe, địa điểm sát hạch lái xe ô tô, mô tô và các văn phòng tuyển sinh để người dân được biết. Việc công khai này giúp người dân không bị đối tượng xấu lừa gạt thu tiền học sai quy định, chào mời bao đậu thi cấp GPLX giả, giấy khám sức khỏe giả. Động thái này còn góp phần triệt tiêu tình trạng bán và cho thuê thiết bị viễn thông nghe nhìn hỗ trợ thi tuyển dẫn đến người dân vi phạm pháp luật.
Để công tác tuyển sinh và đào tạo được tổ chức nghiêm minh, Sở GTVT yêu cầu các trung tâm sát hạch lái xe trên địa bàn thành phố thực hiện đúng quy định của Tổng cục Đường bộ Việt Nam. Cụ thể, các đơn vị phải trang bị tủ đựng đồ cá nhân cho học viên, đảm bảo học viên không mang điện thoại và các thiết bị viễn thông vào phòng sát hạch lý thuyết và trên xe sát hạch lái xe; ngăn chặn các đối tượng sử dụng điện thoại di động, thiết bị thu phát tín hiệu và các ứng dụng công nghệ để chỉ dẫn người dự sát hạch làm sai lệch kết quả; thường xuyên kiểm tra hệ thống âm thanh, hệ thống camera giám sát trong phòng sát hạch lý thuyết, hệ thống màn hình trong phòng chờ sát hạch lý thuyết, phòng chờ sát hạch lái xe và trên đường để công khai quá trình, kết quả sát hạch theo quy định. Đối với hội đồng sát hạch, tổ sát hạch cần kiểm tra chặt chẽ điều kiện và hồ sơ dự sát hạch, yêu cầu học viên tự khai đầy đủ thông tin, ký và ghi rõ họ tên trong các biên bản sát hạch lý thuyết, thực hành trong hình và trên đường nhằm tránh tình trạng học viên không biết chữ tham gia sát hạch lái xe.
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đào tạo
Sở GTVT TP.HCM cũng yêu cầu lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra, theo dõi xử lý triệt để các trường hợp mạo danh cơ sở đào tạo để tuyển sinh. Trong trường hợp phát hiện nghi vấn, gian lận cần lập biên bản báo cáo Sở GTVT xử lý cơ sở đào tạo theo quy định chung. |
Nhằm nâng cao chất lượng quản lý, sử dụng giáo viên dạy lái xe theo chỉ đạo của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, vừa qua Sở GTVT đã có Công văn số 4830/SGTVT-SH triển khai rà soát đội ngũ giáo viên dạy lái xe theo tiêu chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định tại Luật Giáo dục nghề nghiệp. Theo đó, đội ngũ giáo viên dạy lái xe phải đáp ứng các tiêu chí bắt buộc như có phẩm chất, đạo đức tốt; đạt trình độ chuẩn được đào tạo về chuyên môn và nghiệp vụ; đủ sức khỏe theo yêu cầu nghề nghiệp; có lý lịch rõ ràng; giáo viên dạy trình độ sơ cấp phải có bằng tốt nghiệp trung cấp trở lên hoặc có chứng chỉ kỹ năng nghề để dạy trình độ sơ cấp. Đối với giáo viên dạy lý thuyết phải có bằng tốt nghiệp trung cấp trở lên một trong các chuyên ngành luật, công nghệ ô tô, công nghệ kỹ thuật ô tô, lắp ráp ô tô hoặc các ngành nghề khác có nội dung đào tạo chuyên ngành ô tô chiếm 30% trở lên, giáo viên dạy môn kỹ thuật lái xe phải có GPLX tương ứng hạng xe đào tạo trở lên. Tương tự, giáo viên dạy thực hành lái xe phải đáp ứng các tiêu chuẩn sau như có giấy phép lái xe hạng tương ứng hoặc cao hơn hạng xe đào tạo, nhưng không thấp hơn hạng B2; giáo viên dạy các hạng B1, B2 phải có GPLX đủ thời gian từ 3 năm trở lên, kể từ ngày trúng tuyển; giáo viên dạy các hạng C, D, E và F phải có GPLX đủ thời gian từ 5 năm trở lên kể từ ngày trúng tuyển.
Nhằm tận dụng thế mạnh của công nghệ 4.0, ngoài những yêu cầu căn bản như trên, giáo viên cũng cần phải có trình độ tin học đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản theo quy định tại Thông tư số 03/2014/TT-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông. Theo đó, giáo viên phải sử dụng được phần mềm dạy học chuyên ngành để thiết kế bài giảng. Thực hiện quy định này, kể từ ngày 1-7-2019, Sở GTVT TP.HCM chỉ sử dụng giáo viên dạy thực hành lái xe đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định trong các khóa đào tạo lái xe. Đối với các giáo viên không đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định về trình độ tin học và ngoại ngữ (bậc 1), sở yêu cầu khẩn trương liên hệ các cơ sở đào tạo được Bộ GD-ĐT công nhận đủ điều kiện để tổ chức các lớp học, kiểm tra cấp giấy chứng nhận trình độ theo đúng quy định hiện hành.
Đinh Vũ
Bình luận (0)