Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Siết chặt nhập hàng xa xỉ

Tạp Chí Giáo Dục

Các doanh nghiệp nhập khẩu mặt hàng này cho biết khoảng một tháng tới, thị trường sẽ có phản ứng rõ rệt. Tuy nhiên, nhiều đơn vị tỏ ra ủng hộ các biện pháp kiềm chế nhập siêu và tạo điều kiện cho hàng trong nước có cơ hội phát triển thị phần.

Giảm đầu mối nhập hàng
Theo thông báo số 197/TB-BTC của Bộ Công thương, từ ngày 1/6 các mặt hàng rượu, mỹ phẩm và điện thoại di động sẽ không còn được nhập khẩu vào VN bằng đường bộ, đường hàng không như trước đây. Đồng thời tất cả lô hàng nhập khẩu đều không được tự do lựa chọn bất kỳ cửa khẩu nào. Thay vào đó, ba mặt hàng này chỉ được nhập về bằng đường biển, qua ba cảng biển quốc tế là cảng TP.HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng.

Ôtô là một trong những mặt hàng nhập khẩu sẽ bị siết lại trong thời gian tới (ảnh chụp tại một showroom trên đường Nguyễn Văn Trỗi, Q.Phú Nhuận, TP.HCM).

Ngoài ra, để được thông quan hàng hóa, bên cạnh các giấy tờ, chứng từ theo quy định về thủ tục hải quan, nhà nhập khẩu, thương nhân nhập hàng còn buộc phải xuất trình thêm giấy chỉ định hoặc ủy quyền là nhà phân phối, nhà nhập khẩu của chính hãng sản xuất, kinh doanh hoặc hợp đồng đại lý của hãng sản xuất, kinh doanh mặt hàng đó. Các giấy tờ này phải được cơ quan đại diện ngoại giao VN ở nước ngoài chứng nhận hợp pháp.
Liên quan đến quy định này, nhiều nhà nhập khẩu điện thoại di động cho biết sẽ có tác động mạnh mẽ đến thị trường. Theo Tổng cục Hải quan, năm 2010 kim ngạch nhập khẩu điện thoại di động của cả nước đạt khoảng 936 triệu USD, trong đó riêng nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc đã chiếm tới 84,5%.
Theo phân tích từ các nhà nhập khẩu, nhiều đơn vị nhập điện thoại di động từ thị trường Trung Quốc không phải là nhập hàng trực tiếp từ nhà sản xuất mà nhập hàng qua khâu trung gian. Hàng vẫn được thông quan khi có hợp đồng thương mại. Tuy nhiên, nay yêu cầu phải có thêm các giấy ủy quyền từ các nhà sản xuất, các đơn vị nhập qua trung gian buộc phải điều chỉnh lại và không thể nhập hàng của đối tác cũ.
Ông Nguyễn Quốc Bảo, chủ tịch hội đồng quản trị Thành Công Mobile, cho biết: “Mặc dù chúng tôi là nhà nhập khẩu và phân phối điện thoại di động nhưng phải thừa nhận kim ngạch nhập khẩu điện thoại di động đóng góp rất lớn vào con số nhập siêu. Do đó tôi rất ủng hộ quy định này, rõ ràng là sẽ có tác động đến thị trường điện thoại di động nhập khẩu và tạo thêm một khâu thủ tục để hạn chế nhập siêu”.
Anh Minh Hoàng, một đầu mối nhập khẩu nước hoa và các loại hóa mỹ phẩm nguồn gốc Thái Lan về thị trường TP.HCM, cũng cho biết khi yêu cầu giấy ủy quyền thì sẽ có rất nhiều đơn vị hoặc thương nhân nhập khẩu mỹ phẩm không đáp ứng đủ yêu cầu để nhập hàng.
Vì thực tế nhiều đầu mối đang nhập hàng mỹ phẩm qua các khâu trung gian, đặc biệt với hàng hóa xuất xứ Trung Quốc.
Anh Hoàng cho biết thị trường mỹ phẩm đang rất nhộn nhạo bởi hàng thật, giả, trôi nổi… Do đó, quy định mới góp phần hạn chế hàng kém chất lượng tràn vào thị trường trong nước. Đồng thời, ngay cả việc hạn chế cửa khẩu cũng kéo theo khâu kiểm soát hải quan chặt chẽ hơn. Thông thường hàng đi bằng cửa khẩu đường bộ “dễ thở” hơn đường biển.
Thị trường sớm có phản ứng
Hạn chế gian lận thương mại

Theo danh mục quản lý rủi ro về giá đối với hàng nhập khẩu do Tổng cục Hải quan ban hành, từ ngày 1/6 xe máy, ôtô nhập khẩu sẽ có mức giá mới để tính thuế. Mức tăng của ôtô nhập khẩu phổ biến từ 500 USD đến vài ngàn USD.
Theo một cán bộ thuộc Cục Hải quan TP.HCM, vẫn có nhiều nhà nhập khẩu cố tình gian lận thuế bằng hình thức khai thấp giá nhập khẩu. Do đó, việc nâng mức giá tính thuế sẽ hạn chế tình trạng gian lận thương mại về khai báo giá.
Ngoài ra, nhiều mặt hàng tiêu dùng như máy rửa bát, máy hút bụi, thiết bị vệ sinh, bồn cầu, bàn ủi, xe đạp điện, rau quả tươi… cũng được đưa vào nhóm kiểm soát giá tính thuế.
Theo Bộ Công thương, việc đưa ra quy định mới về nhập khẩu rượu, mỹ phẩm và điện thoại di động cũng nhằm bảo vệ quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng, chống việc nhập khẩu hàng giả, hàng kém chất lượng và tăng cường chống gian lận thương mại.

Ông Đinh Anh Huân, Giám đốc kinh doanh Thế giới di động, cho rằng với quy định mới khá chặt về nhập khẩu điện thoại di động, thị trường chắc chắn sẽ có biến động. Chi phí tài chính trong quá trình nhập hàng sẽ tăng lên. Điều này cộng với khó khăn chung của tình hình kinh tế sẽ kéo sức mua của thị trường điện thoại di động giảm sút. Từ đầu năm đến nay, ước tính sức mua đã giảm tới 30% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo ông Huân, điện thoại di động chủ yếu nhập khẩu từ Trung Quốc. Trước đây hàng về chủ yếu bằng đường hàng không. Ngày nào cũng có chuyến bay. Nhưng nay đi đường biển, nhà nhập khẩu sẽ phụ thuộc lịch tàu, bởi từ Trung Quốc về hiện có khoảng hai chuyến/tuần.
Tương tự, ông Nguyễn Quốc Bảo cho biết trước đây cả thủ tục nhập khẩu tự động và thời gian vận chuyển bằng đường hàng không chỉ mất khoảng 13 ngày sẽ về đến VN, nhưng nay phải mất tới 23 ngày cho các khâu thủ tục và vận chuyển đường biển. Thời gian này, chi phí cho lãi suất, vận chuyển từ ba cảng nhập đến điểm tiêu thụ có thể làm tăng giá điện thoại.
Theo ông Bảo, hiện hàng tồn nhập trước ngày 1/6 của Thành Công Mobile còn nhiều. Hơn nữa, các lô hàng nhập theo quy định mới phải gần một tháng nữa mới về đến VN. Do đó, thị trường sẽ có phản ứng sau hơn một tháng tới.
Một số nhân viên kinh doanh của một công ty nhập khẩu rượu ngoại về TP.HCM cũng cho rằng hiện hàng của công ty này chủ yếu nhập về qua cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất. Nay hàng buộc phải về qua đường biển sẽ khiến doanh nghiệp phải thay đổi một số kế hoạch kinh doanh phù hợp với khoảng thời gian hàng vận chuyển bằng đường biển.
Trong một số trường hợp, không phải cứ đi đường biển là rẻ hơn đường hàng không. Bởi với những lô hàng nhỏ nhưng nhà nhập khẩu vẫn phải thuê trọn cả container có thể khiến chi phí tăng lên.
Nguồn TTO

Bình luận (0)