Đó là một trong những giải pháp mới trong dự thảo kế hoạch quản lý chất thải rắn trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2016-2020 mà Sở Tài nguyên – Môi trường vừa trình UBND TP.HCM.
Xe chở rác vào bãi rác Đa Phước (Bình Chánh). Ảnh: Tr.Anh |
Theo đó, đến năm 2020, TP.HCM sẽ áp dụng công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt (tái chế, làm phân compost và đốt) 40% và chôn lấp hợp vệ sinh 60% trên tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt. Trong năm 2017, sẽ ưu tiên triển khai đấu thầu các quận, huyện đã được phân cấp quản lý công tác quét, thu gom chất thải rắn đường phố và thu gom vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt (trừ địa bàn Q.1).
Bên cạnh đó là triển khai lắp đặt thiết bị giám sát hành trình giai đoạn 2016-2017. Theo đó, sẽ lắp đặt hệ thống camera giám sát đồng bộ với hệ thống camera giám sát thông minh đang triển khai để bổ sung thêm chức năng giám sát các hoạt động vớt rác trên kênh, vận chuyển chất thải trên đường; Tổ chức kiểm tra, giám sát lộ trình vận chuyển trực tuyến từ thiết bị giám sát hành trình của các đơn vị.
Để khắc phục hạn chế do thiếu trạm trung chuyển, dự kiến sẽ hoàn thành quy hoạch mạng lưới trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt trong năm 2018. Cũng trong thời gian này, trạm xử lý chất thải nguy hại tại Công trường xử lý rác Đông Thạnh sẽ di dời đến Khu Liên hợp xử lý chất thải Phước Hiệp, huyện Củ Chi. Thực hiện xây dựng kết cấu hạ tầng, vành đai cây xanh cách ly các khu liên hợp xử lý chất thải và Nghĩa trang Đa Phước (huyện Bình Chánh), Khu Liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc (huyện Củ Chi). Xem xét lựa chọn và thông qua chủ trương đầu tư dự án xử lý chất thải rắn sinh hoạt có công nghệ đốt tiên tiến, hiện đại với công suất 1.000-2.000 tấn/ngày.
Nhằm hạn chế ô nhiễm tương tự vụ mùi hôi ở Nam Sài Gòn từ bãi rác Đa Phước mới đây, Sở Tài nguyên – Môi trường sẽ xây mới hệ thống quan trắc tự động tại các khu liên hợp xử lý chất thải của thành phố và lấy mẫu phân tích chất lượng môi trường để làm cơ sở nghiệm thu chất lượng dịch vụ. Đồng thời đóng bãi, phủ đỉnh các bãi chôn lấp hợp vệ sinh đã ngưng tiếp nhận rác (bãi chôn lấp số 1, 1A, 2, Gò Cát).
Bên cạnh đó, sẽ xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ lực lượng thu gom dân lập, trang bị bảo hộ lao động theo yêu cầu của ngành và vay vốn để chuyển đổi phương tiện thu gom tại nguồn, đề xuất lộ trình chuyển đổi phương tiện thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Hướng dẫn hộ gia đình ở các huyện ngoại thành các mô hình ủ phân compost.
Giai đoạn 2016-2020, TP.HCM sẽ đưa vào vận hành 2 dự án tái chế, xử lý chất thải rắn công nghiệp, chất thải nguy hại có công suất khoảng 800 tấn/ngày tại Phước Hiệp (huyện Củ Chi) và Đa Phước (huyện Bình Chánh).
Trần Anh
Bình luận (0)