Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Siết chặt tiêu chuẩn vệ sinh đối với rau quả xuất sang EU

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày 11/6, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Cục Bảo vệ Thực vật đã tổ chức tọa đàm lấy ý kiến các doanh nghiệp kinh doanh, xuất khẩu rau quả xuất khẩu sang các quốc gia thuộc Liên minh Châu Âu (EU)

Phát biểu tại buổi tọa đàm, ông Hoàng Trung, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật cho biết, Cục đã ra văn bản yêu cầu tạm dừng việc cấp phép xuất khẩu 5 loại rau quả gồm: húng quế, ớt ngọt, cần tây, mướp đắng (khổ qua), mùi tàu (ngò gai) vào thị trường EU do 5 loại rau quả này thuộc nhóm có nguy cơ cao (nhiều lần bị cảnh báo) khi xuất sang EU.
Đây là văn bản được đưa ra khi 4 tháng đầu năm có thêm 3 vụ bị cảnh báo và EU chính thức thông báo, nếu phát hiện thêm 5 trường hợp rau quả có nguồn gốc nhập khẩu từ Việt Nam vi phạm quy định về kiểm dịch thực vậy sẽ ban hành lệnh cấm nhập khẩu rau quả từ Việt Nam.

Năm 2011, số vụ EU cảnh báo về chất lượng rau quả của Việt Nam tăng 10 lần. Ảnh Internet.

Theo ông Trung trong năm 2010 phía EU đã đưa ra 29 cảnh báo về chất lượng rau quả có nguồn gốc từ Việt Nam; năm 2011 số vụ cảnh báo tăng lên 366 vụ trên tổng số 421 lô hàng, gấp 10 lần năm 2010, trong đó 79% số vụ cảnh báo xuất phát từ vấn đề nhiễm dịch hại của kiểm dịch thực vật.
Ông Hoàng Trung cho biết, do các loại dịch hại bị cảnh báo tại thị trường EU là những loại rất thông thường ở Việt Nam, chỉ khi ngưng xuất đi và tìm cách kiểm soát từ các nguồn cung cấp 5 loại rau quả này mới có thể giữ được thị trường EU, không làm ảnh hưởng đến hàng trăm loại rau, quả khác.
Theo đại diện một công ty xuất nhập khẩu ở TP.Hồ Chí Minh, nguyên nhân những mặt hàng trên bị cảnh báo có thể là do đó đều là những loại rau quả ở một số nước châu Âu trồng được nên việc cảnh báo giống như một hình thức dựng hàng rào kỹ thuật để các nước bảo hộ hàng sản xuất trong nước. Trong khi một số loại rau như rau muống, mồng tơi… các nước không trồng được nên hầu như không bị cảnh báo, nhiều thị trường còn không yêu cầu có chứng nhận kiểm dịch thực vật với những loại rau, quả này.
Một nguyên nhân khác khiến các vụ cảnh báo liên tục gia tăng là do một số nhà xuất khẩu làm ăn gian dối, sau khi kiểm dịch đã tìm cách đưa thêm hàng hóa vào để xuất đi bởi theo Cục Bảo vệ Thực vật, có những lô hàng kiểm dịch có 200 – 300kg, nhưng khi đến nước nhập khẩu lên tới hơn 1 tấn.
Hầu hết các doanh nghiệp xuất khẩu rau, quả thừa nhận, việc kiểm soát chất lượng rau quả xuất khẩu hiện nay mới chỉ ở phần ngọn từ các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu. Rất nhiều loại rau, quả xuất khẩu vào EU nằm trong nhóm nguy cơ cao hiện nay vẫn chưa có vùng chuyên canh, đa phần các doanh nghiệp vẫn mua gom trong dân rồi sơ chế, xuất khẩu.

Liên Phương

Theo Tin Tức

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)