Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Siết “hàng rào an toàn” trong hoạt động ngoại khóa cho học sinh

Tạp Chí Giáo Dục

Trước thông tin một học sinh lớp 4 một trường TH (Q.8, TP.HCM) bị đuối nước khi tham gia trải nghiệm ngoại khóa bên ngoài nhà trường với nhà trường, đại diện các trường học tại TP.HCM cho biết yếu tố an toàn vẫn là yếu tố tiên quyết hàng đầu khi tổ chức các hoạt động ngoại khoá cho học sinh ngoài nhà trường.


Học sinh Trường THPT Nguyễn Du (Q.10) trong chuyến tham quan Đà Lạt

Hình thức học tập trải nghiệm bên ngoài nhà trường được ngành GD-ĐT TP.HCM thực hiện duy trì trong nhiều năm nay, nhằm hướng tới việc giáo dục kiến thức gắn với thực tế cho học sinh, đồng thời trang bị thêm cho học sinh các kỹ năng về xã hội, cuộc sống. Tuy nhiên, khi thực hiện hình thức học tập trải nghiệm này, Sở luôn đặc biệt lưu ý các cơ sở giáo dục phải đặt tính an toàn cho học sinh lên hàng đầu, lựa chọn các địa điểm đến trải nghiệm có tính an toàn cao, kết hợp thực hiện với các đơn vị tổ chức có uy tín.

“Điểm đến” phải phù hợp với đối tượng học sinh

Hàng năm, Trường THCS Nguyễn Du (Q.1) thường xuyên tổ chức các hoạt động giáo dục trải nghiệm bên ngoài nhà trường cho học sinh theo từng khối. Học sinh năm cuối còn được nhà trường tổ chức tham gia ngoại khoá.

Cô Nguyễn Đoan Trang – Hiệu trưởng nhà trường cho hay, các hoạt động ngoại khoá, giáo dục trải nghiệm bên ngoài nhà trường khiến học sinh rất thích thú, các em đều háo hức mong chờ, thậm chí coi đó như một “phần thưởng” để cố gắng học tập, rèn luyện tốt, đạt kết quả cao. “Thường thì khi học sinh đã hoàn thành xong kỳ kiểm tra cuối HKI nhà trường sẽ tổ chức cho cac em tham gia các chuyến ngoại khoá, tham quan học tập trải nghiệm bên ngoài nhà trường, như một cách để giúp các em giải toả tư tưởng sau một học kỳ học tập. Đó cũng là cách để các em thay đổi không khí, gắn kết tình cảm bạn bè, tình cảm cô trò, biết thêm nhiều kiến thức mới, nhiều vùng đất mới…, bước vào học kỳ mới một cách hăng say”.

Theo cô Trang khi xây dựng kế hoạch cho các hoạt động ngoại khoá, yếu tố an toàn luôn được nhà trường đặt lên hàng đầu. Trường ưu tiên chọn lựa những địa điểm an toàn, với những nơi có yếu tố sông nước thì phải xem xét có dây rào bao quanh không, có đủ áo phao không, địa điểm đến thức ăn như thế nào… “Tất cả điểm đến đều phải được giáo viên tiền trạm thực tế trước, nếu đảm bảo đúng như yêu cầu của trường thì mới thực hiện. Việc tiền trạm còn giúp nhà trường lường trước những tình huống có thể xảy ra để xây dựng thêm phương án an toàn. Trước khi bắt đầu chuyến trải nghiệm, học sinh sẽ được sinh hoạt kỹ về các nội quy. Trong chuyến đi, nhà trường tăng cường lực lượng đi theo quản lý, tuỳ theo số lượng học sinh. Ví dụ một xe đi sẽ có 2 giáo viên đi kèm, 1 người bên đơn vị tổ chức. Cạnh đó còn có thêm từ 10-12 người bên đơn vị tổ chức túc trực hỗ trợ vòng ngoài khi có thêm các yếu tố phát sinh”.

Xây dựng “hàng rào bảo vệ” học sinh xuyên suốt chuyên đi

Trường THPT Nguyễn Du (Q.10) được biết đến là đơn vị có “truyền thống” tổ chức các hoạt động trải nghiệm, ngoại khoá “tầm cỡ” cho học sinh khi mỗi chuyến trải nghiệm số lượng học sinh tham gia lên tới gần 2.000 học sinh. Để đảm bảo an toàn cho học sinh trong suốt chuyến đi, thầy Huỳnh Thanh Phú- Hiệu trưởng nhà trường nhấn mạnh, trước hết nhà trường phải có kế hoạch chi tiết, cụ thể trong đó phân công thật rõ ràng, chi tiết, giao nhiệm vụ cho từng cán bộ, giáo viên. Ngoài lực lượng giáo viên chủ nhiệm của từng lớp phải có thêm giáo viên bộ môn, giáo viên quản nhiệm, bộ phận y tế, bộ phận Ban giám hiệu cùng với đơn vị tổ chức, xây dựng “hàng rào an ninh an toàn” thật vững chắc để bảo vệ các em khi ra ngoài nhà trường.

“Bước ra ngoài nhà trường là tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19. Dù điểm đến vùng sông nước có nông cỡ nào cũng không được chủ quan. Để “hàng rào an ninh an toàn” được vững chắc thì trước khi tiến hành chuyến đi, ban ngoại khoá nhà trường luôn phải đi thị sát, đánh giá sơ bộ từ ăn uống, an toàn vệ sinh thực phẩm, địa điểm học sinh tham quan trải nghiệm… Sau đó mới phân công rõ ràng, chứ không giao toàn bộ việc thực hiện cho đơn vị tổ chức. Bao nhiêu năm nay nhà trường đều tổ chức cho học sinh đi ngoại khoá ở Đà Lạt song các điểm đến vẫn luôn được nhà trường thực hiện tiền trạm trước. Đặc biệt, nhà trường thực hiện khảo sát trước những bệnh mãn tính của học sinh trước khi đi để sàng lọc trước nguy cơ. Học sinh nào có nguy cơ thì có thể tư vấn cho phụ huynh không nên cho các em tham gia”.  


Học sinh Trường THCS Nguyễn Du (Q.1) sinh hoạt nội quy trước khi lên tàu cánh ngầm tham quan TP.HCM

Ngoài ra, thầy Phú cho biết, trên chuyến đi bao giờ nhà trường cũng yêu cầu đơn vị tổ chức bố trí thêm 1 xe dự phòng đi theo để đề phòng các tình huống bất trắc như có xe hư. “Mỗi chuyến đi có thể đươc coi là thanh xuân tươi đẹp cho học trò, tạo thêm cho các em nhiều kỷ niệm với bạn bè, thầy cô, trang bị cho các em thêm nhiều kỹ năng về sinh hoạt tập thể, biết thêm nhiều cảnh đẹp quê hương đất nước. Để thanh xuân đó được trọn vẹn an toàn luôn phải là tuyệt đối. Cùng một thời điểm các nhà trường không nên tổ chức cho các khối lớp đi tham quan trải nghiệm nhiều nơi, bởi như thế vô tình sẽ phân tán lực lượng giáo viên đi cùng mỏng. Cùng một thời điểm chỉ nên tổ chức cho 1,2 khối lớp đi ở cùng một địa điểm, tập hợp đông đảo lực lượng giáo viên. Tuy nhiên, thầy cô khi được giao nhiệm vụ đi tham quan trải nghiệm cùng học sinh phải lưu ý rằng thầy cô không phải là đi du lịch, đi vui chơi mà là đi giám sát an toàn cho học sinh. Vì thế phải ăn ngủ sau học sinh, đặc an toàn của học sinh lên hàng đầu…”, thầy Phú nhấn mạnh.

Bài, ảnh: Yến Hoa

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)