Sự kiện giáo dụcTin tức

“Siết” HS đi xe máy và sử dụng ĐTDĐ

Tạp Chí Giáo Dục

Sở GD-ĐT Hà Nội vừa phối hợp với Công an TP. Hà Nội tổ chức Hội nghị triển khai mô hình điểm các biện pháp đảm bảo giáo dục trật tự an toàn giao thông (ATGT) và quản lý sử dụng điện thoại di động (ĐTDĐ) đúng mục đích trong và ngoài nhà trường – ngành GD-ĐT năm 2011.
Theo đó, từ nay cho đến hết năm học 2010-2011, kế hoạch này sẽ được triển khai thí điểm tại 5 trường THPT của Hà Nội là Việt Đức, Trần Phú, Phan Đình Phùng, Kim Liên và Quang Trung.
Bí mật ghi hình HS phạm Luật Giao thông
Thời gian vừa qua, tình trạng HS chưa đủ 18 tuổi vẫn đi xe mô tô, xe máy tới trường hoặc tham gia giao thông đang trở thành nỗi lo thường trực trong dư luận. Mặc dù trước khi bước vào năm học mới, trường nào cũng được quán triệt tinh thần này, trường nào cũng ký cam kết với phụ huynh, cho HS học nội quy nhưng xem ra, tất cả chỉ như “nước đổ đầu vịt”. Chính vì vậy, lần này, Sở GD-ĐT Hà Nội và CATP quyết làm thí điểm một cách triệt để. Vì nếu thất bại, có nghĩa là kế hoạch này không thể nhân rộng ra toàn thành phố.
Là một trong 5 trường được chọn thí điểm thực hiện, Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức Nguyễn Quốc Bình bày tỏ: “Theo quy định trước đây, HS không được đi xe máy có dung tích từ 50 phân khối trở lên, còn quy định lần này là từ 70 phân khối trở lên. Vậy, xe máy có dung tích từ 50 đến 70 phân khối thì có được đi tới trường? Ông Bình cũng thắc mắc với dự kiến yêu cầu“Phòng Cảnh sát giao thông và Phòng An ninh chính trị nội bộ TP. Hà Nội (PA83) phối hợp với các trường THPT bí mật ghi hình, quay camera chụp ảnh những HS phạm Luật Giao thông đường bộ khi đến trường... Nhưng ai sẽ quay, quy định này có đúng luật không? Bởi thực tế, không ít HS đi xe máy phân khối lớn nhưng gửi xe ở nhà dân nên nhà trường không thể đến đó để quay phim”. Về vấn đề HS đi xe máy, nhiều đại biểu của ngành công an cho rằng phải xử lý nhưng không thể phá luật. Đối với những HS đã đủ 18 tuổi, các em đã có bằng thì vẫn được đi xe mô tô, xe máy tham gia giao thông và đến trường. Do vậy, các quy định đưa ra cần căn cứ vào luật, tránh tình trạng đến khi thực thi có sự bắt bẻ vì chưa chặt chẽ.
Quản lý chặt HS sử dụng ĐTDĐ
Các đại biểu tham dự hội nghị cũng bức xúc với vấn đề HS sử dụng ĐTDĐ. Theo ông Mai Sỹ Nhật, Trưởng phòng Công tác HSSV, Sở GD-ĐT Hà Nội cần phải có quy định HS tuyệt đối không được sử dụng ĐTDĐ trong giờ học, trong giờ chào cờ, giờ sinh hoạt lớp, giờ sinh hoạt tập thể trong trường. Ngoài các giờ quy định trên, HS không được sử dụng ĐTDĐ vào những việc với mục đích như: gọi điện và nhắn tin cho bạn bè, người thân có nội dung xấu, ghi hình ảnh thiếu lành mạnh, phát tán trên mạng gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội, bạn bè và người thân. Còn Thượng tá Vũ Minh Chính, Phó trưởng phòng PA83 thì cho rằng có rất nhiều vấn đề phức tạp phát sinh từ ĐTDĐ như hẹn hò đánh nhau, quay clip phát tán trên mạng. Tuy nhiên quy định cần làm rõ những lời nói, hình ảnh nào cấm, tránh tình trạng điều cần cấm thì không cấm. Cũng theo Thượng tá Chính thì đã đến lúc chúng ta cần xem xét là có nên kiểm tra nội dung cũng như các clip trong điện thoại của HS để sớm phát hiện các hành vi vi phạm để ngăn chặn kịp thời. Tất nhiên việc kiểm tra này cần phải dân chủ. Bên cạnh đó cần có cơ chế giám sát HS chặt chẽ bởi việc vi phạm khi sử dụng ĐTDĐ rất khó phát hiện. Ngoài ra chúng ta có thông điệp là “sử dụng điện thoại đúng quy định” thì cần phải sớm ban hành quy định cụ thể để HS nắm rõ. Đồng quan điểm với Thượng tá Chính, ông Nguyễn Hữu Thắng, Phó trưởng Công an quận Đống Đa đề xuất: “Nên chăng chúng ta chỉ cho các em sử dụng những điện thoại thông thường, không có chức năng kết nối mạng và quay phim chụp ảnh”.n
Nghiêm Huê

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)