Khảo sát thị trường của Cty Nielsen và Tổ đặc quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam vừa thực hiện cho thấy: 47% dược phẩm, mỹ phẩm ở Hà Nội là giả.
Ngoài ra, cơ quan y tế cho biết: Mỗi ngày có khoảng 10 bệnh nhân đến khám – chữa bệnh tại Viện Da liễu do sử dụng hoá – mỹ phẩm. Từ thực trạng nói trên cho thấy tình trạng sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm giả đang rất nhức nhối, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ và quyền lợi người tiêu dùng (NTD). Đặc biệt vào dịp cuối năm, việc tuồn các loại mỹ phẩm giả, lậu ra thị trường tiêu thụ đang gia tăng.
Nhan nhản mỹ phẩm giả
Hiện cả nước có hơn 15.000 loại mỹ phẩm đã đăng ký lưu hành. Số lượng mỹ phẩm có nguồn gốc xuất xứ cụ thể chỉ chiếm một phần nhỏ so với mỹ phẩm trôi nổi, kém chất lượng trên thị trường. Theo ông Vương Trí Dũng – Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội: “Tình trạng mỹ phẩm giả tràn lan rất nhức nhối, hàng thật có gì, hàng giả có sản phẩm đó. Các đối tượng kinh doanh hàng giả công khai tại một số chợ đầu mối, tuyến phố chợ đêm có thái độ thách thức đối với cơ quan quản lý.
Đội QLTT số 2 kiểm tra mỹ phẩm tại chợ Đồng Xuân (Hà Nội). Ảnh: x.l
Trong 11 tháng đầu năm 2011, Chi cục QLTT HN đã kiểm tra và xử lý 105 vụ vi phạm trong sản xuất kinh doanh mỹ phẩm với hơn 500.000 đơn vị sản phẩm các loại dùng cho da, tóc, răng miệng là hàng giả, hàng lậu, quá hạn sử dụng, vi phạm về nhãn mác, công bố chất lượng…
Theo Chi cục QLTT TPHCM, chỉ trong những ngày đầu tháng 12, đội QLTT 4B đã tạm giữ 1.020 chai gel rửa tay, son môi, nước hoa do Pháp sản xuất không chứng từ tại một cửa hàng trên đường Vĩnh Hội, quận 4.
Tình trạng buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả tại TPHCM diễn biến phức tạp với nhiều phương thức đưa hàng vào thành phố tiêu thụ như gian lận trong nhập khẩu chính ngạch, nhập khẩu phi mậu dịch, hàng nhập gia công cho nước ngoài, hàng nhập khẩu tiểu ngạch qua biên giới với Trung Quốc, Lào, Campuchia,…
Thế nên, trong tháng 11, lực lượng QLTT TPHCM đã tạm giữ 70.493 đơn vị sản phẩm, hàng hoá và 279.386kg hàng hoá các loại. Trong số này có 1.300kg hoá chất, 2.899 hộp, chai, lọ mỹ phẩm. Báo cáo tổng kết tháng 8 của Chi cục QLTT TPHCM cũng cho thấy tình trạng hàng giả, lậu mỹ phẩm đang tràn lan trên thị trường.
Cơ quan chức năng đã phát hiện gần 35.000 mỹ phẩm giả, trong đó chủ yếu là dầu massage và sữa dưỡng thể được một cơ sở trong nội thành sản xuất giả xuất xứ nước ngoài và khoảng 1.750 sản phẩm nhập lậu vào Việt Nam, 70.000 sản phẩm ngoại ghi nhãn không đủ nội dung bắt buộc.
Khảo sát tại các chợ Kim Biên, Bình Tây, Bà Chiểu… và nhất là các chợ tự phát kinh doanh ven đường, những mặt hàng mỹ phẩm mang thương hiệu nổi tiếng trên thế giới như Calvin Klein, Chanel, Lancome, Dolce&Gabbana… đến kem dưỡng da, son, phấn, sữa tắm của Lancome, Revlon, Shiseido, Debon, LG… đang được bày bán với giá rẻ bất ngờ, chỉ bằng 50-60% giá hàng chính hãng.
Thậm chí tại các chợ tự phát, gian hàng lưu động trên lề đường có những loại mỹ phẩm hàng hiệu được bán với giá chỉ 50.000 – 100.000 đồng/sản phẩm, trong khi hàng chính hãng có giá từ vài trăm đến cả triệu đồng. Điều đáng nói là các loại mỹ phẩm giả, lậu này không chỉ gây thiệt hại cho các đơn vị sản xuất chân chính, gây thất thu thuế cho Nhà nước, mà còn là ẩn họa đối với NTD.
Người tiêu dùng hứng chịu tai hoạ
Ông Nguyễn Thành Đạt – Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm nghiệm Hà Nội – cho biết: “Theo thống kê về tình trạng dị ứng mỹ phẩm ở các bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Da liễu TPHCM thì: 42,67% số người thường chọn mỹ phẩm từ mách bảo của người quen; 6,9% chọn theo tư vấn của người bán hàng và 55% NTD mua mỹ phẩm ở chợ, sau đó đến các hiệu thuốc tây và chỉ một số ít người mua tại văn phòng đại diện bán hàng chính hãng. Hậu quả để lại cho NTD mua và sử dụng mỹ phẩm giả, kém chất lượng rất nặng nề: Ngoài các triệu chứng thường gặp như rụng tóc, da bị ngứa, mọc mụn, viêm da các triệu chứng khác như da bị teo, đỏ rộp do mỹ phẩm có chứa corticoids, rối loạn sắc tố, thâm đen do hàm lượng kim loại nặng (chì, thủy ngân, arsen…) cũng có thể xảy ra”.
Trong năm 2009 – 2010 và tính đến hết tháng 11.2011, Sở Y tế Hà Nội đã cấp 181 số tiếp nhận công bố của 46 cơ sở đăng ký, trong đó có 2 cơ sở báo cáo ngừng hoạt động, 1 cơ sở bị đình chỉ hoạt động, 1 số thị thu hồi, 9 số công bố lại do thay đổi địa điểm sản xuất.
Điều tra của Hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu TPHN cho thấy: Mỹ phẩm giả, kém chát lượng, xâm phạm sở hữu trí tuệ nhập lậu vào VN với nhiều nhãn hiệu nổi tiếng và có uy tín, thường in trên bao bì có nguồn gốc từ các nước Châu Âu nhưng thực chất được sản xuất tại Trung Quốc.
Mỹ phẩm được nhập lậu bằng nhiều con đường, nhưng chủ yếu là đường bộ với các cửa khẩu giáp ranh. Cuộc chiến chống mỹ phẩm giả, kém chất lượng không chỉ có cơ quan kiểm tra, mà cần phải có sự phối hợp chặt chẽ với DN sản xuất, phân phối nhập khẩu trong việc phân biệt hàng giả, hàng thật và NTD cũng phải chung tay tẩy chay hàng giả, kém chất lượng.
Xuân Long – Mộng Thoa
Theo Lao Động
Bình luận (0)