Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Siết lại việc mở trường đại học

Tạp Chí Giáo Dục

Trong thời gian tới
Chính phủ sẽ siết lại chất lượng đào tạo ở trường đại học. Ảnh: N.H

Ngày 29-10, Bộ GD-ĐT đã tổ chức
Hội nghị trực tuyến sơ kết 1,5 năm thực hiện Chỉ thị 296/CT-TTg của Chính phủ
và tổng kết năm học 2010-2011 tại 7 điểm cầu: Thái Nguyên, Hà Nội, Nghệ An, Đà
Nẵng, Tây Nguyên, TP.HCM và Cần Thơ. Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã tới dự
và chỉ đạo hội nghị.
“Phớt lờ” chỉ thị
Đánh giá về việc triển khai
thực hiện Chỉ thị 296 của Thủ tướng chính phủ về đổi mới quản lý giáo dục đại học
(GDĐH) giai đoạn 2010-2012, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết cuộc vận động
về đổi mới quản lý ĐH giai đoạn 2010-2012 đã được triển khai một cách sâu rộng
trong tất cả các trường ĐH, CĐ toàn quốc, tạo ra một bước chuyển biến trong tư
tưởng, ý thức trách nhiệm của cán bộ, viên chức và sinh viên các trường ĐH, CĐ.
Các trường đã tập trung đổi mới công tác quản lý cán bộ, tài chính, chương
trình giảng dạy, giáo trình và ban hành nhiều văn bản quản lý áp dụng thống nhất
trong nhà trường. Đối với sinh viên, các buổi trao đổi, thảo luận chương trình
hành động được lồng ghép vào các buổi sinh hoạt lớp, hoạt động của Đoàn thanh
niên nên có sức lan tỏa sâu rộng.
Tuy nhiên, cũng theo Thứ trưởng
Ga, sau hơn một năm triển khai chỉ thị của Thủ tướng và chương trình hành động
của Bộ GD-ĐT cũng còn một số hạn chế. Ông Ga cho biết còn trên 50 trường không
báo cáo về bộ kết quả sau một năm triển khai thực hiện chỉ thị của Thủ tướng và
chương trình của bộ. Trong số các trường gửi về bộ thì có tới 85/356 trường
chưa xây dựng và công bố chuẩn đầu ra ngành đào tạo; 35/356 trường chưa rà
soát, bổ sung các chỉ số trong chiến lược phát triển trường giai đoạn
2011-2015, định hướng 2020; 61/356 trường chưa xây dựng cam kết chất lượng đào
tạo. Không những thế, nhiều báo cáo còn sơ sài, chưa đầy đủ nội dung. Việc triển
khai chỉ thị và chương trình hành động ở một số trường còn mang tính hình thức,
đối phó, hiệu quả không cao, cá biệt có một số cán bộ, giảng viên và một bộ phận
sinh viên còn thờ ơ, nhận thức thiếu đầy đủ, chưa đúng mức.
Tại hội nghị, nhiều đại biểu
cũng đã nêu những vướng mắc trong thực hiện chỉ thị và chương trình của bộ
trong năm học vừa qua. TS. Ngô Tấn Lực, Hiệu trưởng ĐH Tiền Giang đề nghị sau
khi bộ thẩm định chương trình đào tạo, đội ngũ giảng viên, đối với các trường
ĐH địa phương, bộ nên giao cho UBND tỉnh mở mã ngành. Vì hơn ai hết, UBND tỉnh
là đơn vị nắm rõ nhất tỉnh mình cần nguồn nhân lực những ngành nào. Bên cạnh
đó, ông Lực cho rằng việc quy định giảng viên phải công tác đủ 5 năm mới được
đi đào tạo sau ĐH (thạc sĩ, tiến sĩ) là không phù hợp với các trường ĐH địa phương.
Còn đại diện cho Trường ĐH
Duy Tân, ông Võ Văn Hải, Phó hiệu trưởng nhà trường thì đề nghị bộ nên có chính
sách giải quyết các ngành khó tuyển như nông – lâm – ngư và các ngành thuộc
khoa học, xã hội và nhân văn. Bộ cũng nên nghiên cứu thi tích hợp khối A, B để
giảm bớt gánh nặng trong thi cử.
Siết chặt chất lượng
Tại hội nghị, Bộ GD-ĐT cũng
báo cáo tổng kết sau gần một năm thực hiện Thông tư số 38, 2010 về quy định đào
tạo ngành trình độ thạc sĩ, tiến sĩ và Thông tư số 08 về đào tạo trình độ ĐH, CĐ.
Theo ông Ngô Kim Khôi, Phó vụ trưởng Vụ GDĐH, thực tế vẫn có một số ít cơ sở
đào tạo xây dựng hồ sơ mở ngành không đúng quy định do chưa nghiên cứu kỹ các
quy định hiện hành, nên hồ sơ mở ngành bị trả lại vì điều kiện đội ngũ giảng
viên cơ hữu không đảm bảo, đăng ký ngành đào tạo chưa có trong danh mục ngành
và không trình bày được lý do đăng ký mở ngành đào tạo chưa có trong danh mục.
Về tổ chức thẩm định chương
trình đào tạo, về cơ bản các cơ sở đào tạo được bộ chỉ định thẩm định chương
trình đào tạo cho các trường khác đều thực hiện nghiêm túc, tạo điều kiện thuận
lợi, không gây khó khăn trong việc tổ chức thẩm định chương trình đào tạo, nhiều
trường đã hỗ trợ, tạo điều kiện giúp đỡ, không thu kinh phí khi tổ chức thẩm định,
thời gian tổ chức thẩm định đảm bảo đúng thời gian. Vụ kiến nghị, các cơ sở đào
tạo thực hiện nghiêm túc, đúng quy định, kê khai trung thực, khách quan chuẩn bị
đầy đủ các điều kiện đảm bảo chất lượng trong hồ sơ mở ngành, chuyên ngành đào
tạo trình độ CĐ, ĐH, thạc sĩ, tiến sĩ. Cần tiến hành khảo sát, đánh giá đúng
nhu cầu nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế xã hội của địa phương, ngành để đề
nghị mở ngành, chuyên ngành cho phù hợp.
Các cơ sở đào tạo được giao
thẩm định chương trình đào tạo cho trường khác cần tạo điều kiện thuận lợi, tối
đa, không gây khó khăn, bảo đảm tiến độ thẩm định và đánh giá đúng, khách quan
về chương trình đào tạo. Hàng năm hoặc định kỳ 2 năm/lần tổ chức hậu kiểm các
điều kiện mở ngành đào tạo đối với các cơ sở đào tạo đóng trên địa bàn để tránh
trường hợp điều kiện mở ngành không được duy trì ở mức tối thiểu.
Phát biểu tại hội nghị, Phó
thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho biết, việc giám sát các trường ĐH mới như thế
nào cũng là một nội dung đang được các đại biểu Quốc hội quan tâm. Phó thủ tướng
đưa ra một số con số để chứng minh thời gian gần đây, việc thành lập mới các
trường ĐH đã có xu hướng giảm. Cụ thể, trong hai năm 2006-2007, trung bình mỗi
năm có gần 20 trường ĐH được thành lập (cả nâng cấp và mới) nhưng từ năm 2008 đến
nay trung bình chỉ có 11 trường/năm. Phó thủ tướng cũng cho biết, năm 2011
(tính đến thời điểm hiện nay) có 14 trường ĐH được thành lập nhưng chỉ có 1 trường
mới còn lại là nâng cấp từ CĐ. Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định xu hướng
tới là ngày càng siết chặt, không mở rộng việc thành lập ĐH mới.
Một vấn đề nữa cũng được
Chính phủ đang quan tâm đó là đổi mới quản lý giáo dục theo hướng nào? Tiếp tục
như hiện nay hay theo cơ chế thị trường? Theo Phó thủ tướng, các trường ĐH
không phải là doanh nghiệp mà GDĐH bị chi phối bởi nhiều quy luật. Do đó, không
thể quản lý GD theo cơ chế thị trường.
Nghiêm Huê
 

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)