Năm học 2017 – 2018, TPHCM sẽ rà soát toàn bộ việc cấp phép cho các bếp ăn, căn tin, cơ sở cung cấp suất ăn sẵn cho trường học.
Từ năm học 2017 – 2018, công tác quản lý VSATTP trong trường học sẽ được siết chặt
Ngoài ra, cũng trong năm học này, trường học sẽ vận hành hệ thống tự kiểm tra, đánh giá chất lượng bếp ăn cũng như quy trình xử lý ngộ độc thực phẩm trong trường học.
Lỗ hổng quản lý
Theo thống kê của Ban Quản lý an toàn thực phẩm (QLATTP) TPHCM, hiện nay trên toàn địa bàn TPHCM có 2.821 cơ sở tổ chức dịch vụ ăn uống trong trường học. Trong đó, 1.620 cơ sở có bếp ăn tập thể, 883 cơ sở tổ chức căn tin và 318 cơ sở nhận suất ăn sẵn bên ngoài cung cấp cho học sinh. Như vậy, bếp ăn tập thể đang chiếm tỷ lệ hơn 50% cơ sở tổ chức dịch vụ ăn uống trong nhà trường, tập trung phần lớn ở bậc mầm non với 99,1% số đơn vị.
Tuy nhiên, lên đến tiểu học, số trường tổ chức bếp ăn tập thể chỉ còn 32,1% và tiếp tục giảm mạnh ở hai bậc THCS, THPT với hơn 20% ở mỗi bậc học. Theo ông Nguyễn Đại Ngọc, Phó phòng Quản lý ngộ độc thực phẩm, Ban QLATTP TP, càng lên các bậc học cao, bếp ăn tập thể càng giảm, trong khi số lượng căn tin tăng lên đáng kể đòi hỏi yêu cầu quản lý đối với loại hình này. Theo bà Lê Thị Xinh, Phó phòng GD-ĐT quận Thủ Đức, nhiều căn tin trường học hiện nay chưa đảm bảo các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP), vẫn còn tình trạng căn tin bán hàng quá đát, không rõ nhãn mác, không có thời hạn sử dụng rõ ràng.
Cũng theo Ban QLATTP TP, từ năm 2014 đến nay đã xảy ra 5 vụ ngộ độc thực phẩm trong trường học, với 305 học sinh mắc phải. Trong đó, có 60,7% trường hợp liên quan đến vi sinh vật, 25% liên quan thực phẩm bị biến chất, còn lại một số nguyên nhân khác như độc tố tự nhiên, hóa chất tồn dư trong thực phẩm… Có thực tế này là do chưa có sự giám sát thường xuyên của cơ quan quản lý đối với các bếp ăn, cơ sở chế biến suất ăn sẵn cung cấp cho trường học.
Ngoài ra, đội ngũ nhân viên chế biến thức ăn trong trường học chưa được trang bị đầy đủ kiến thức về VSATTP, đặc biệt là các kiến thức bảo quản, chế biến thực phẩm và phòng chống ngộ độc. Bên cạnh đó, ở nhiều trường học, suất ăn cho học sinh từ lúc chế biến xong đến khi sử dụng còn kéo dài, không có thiết bị bảo quản, hâm nóng phù hợp. Trước thực trạng đó, bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban QLATTP TP, đặt ra yêu cầu phải nâng cao trách nhiệm người đứng đầu đơn vị. Trong đó, hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm lựa chọn đối tác cung cấp thực phẩm phù hợp, thường xuyên có sự kiểm tra, giám sát chất lượng bữa ăn để đảm bảo sức khỏe cho học sinh.
Không có vùng cấm trong quản lý VSATTP
Vừa qua, có tình trạng các đoàn kiểm tra đến trường giám sát VSATTP bị lãnh đạo trường viện cớ đang tổ chức thi cử, họp hành không cho vào kiểm tra. Trao đổi với báo chí xung quanh vấn đề này, bà Phạm Khánh Phong Lan cho biết: “Không có vùng cấm trong quản lý VSATTP. UBND TP đã chỉ đạo trong các đợt cao điểm thi cử càng phải siết chặt vấn đề VSATTP để đảm bảo sức khỏe cho học sinh. Do đó, trường học không thể viện bất cứ lý do gì thể hiện thái độ không hợp tác, cản trở công tác kiểm tra”. Tuy nhiên, vị này cũng thừa nhận, thời gian qua mặc dù đã có nhiều văn bản pháp lý nhưng công tác kiểm tra vẫn còn nhiều bất cập. Thời gian tới, TP sẽ thực hiện đồng loạt nhiều giải pháp như rà soát toàn bộ việc cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP cho các bếp ăn, căn tin, cơ sở cung cấp suất ăn sẵn cho trường học, đẩy mạnh công tác thanh kiểm tra, khuyến khích trường học lấy thực phẩm từ nguồn an toàn, tổ chức diễn tập xử lý tình huống xảy ra ngộ độc thực phẩm và xây dựng quy trình điều tra, xử lý ngộ độc thực phẩm tại trường học…
Ngoài ra, theo kế hoạch liên tịch về “Bảo đảm ATTP tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn TPHCM từ năm 2017 đến hết năm 2019” ký kết giữa Sở GD-ĐT và Ban QLATTP TP, sẽ có 2 quận thực hiện thí điểm cung cấp thực phẩm sạch cho học sinh trong năm học 2017 – 2018 là quận 3 và 5. Các quận, huyện còn lại phải đảm bảo 100% bếp ăn tập thể tự tổ chức trong trường học thực hiện cam kết ATTP, 100% bếp ăn hợp đồng thuê mướn người bên ngoài vào nấu được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn.
Hiện nay, đối với những cơ sở kinh doanh có quy mô cung cấp trên 200 suất ăn/lần phục vụ phải được cấp phép và chịu sự giám sát của Ban QLATTP TP. Những cơ sở kinh doanh có quy mô cung cấp từ 50-200 suất ăn/lần phục vụ do UBND quận, huyện quản lý. Riêng đối với những cơ sở có quy mô cung cấp dưới 50 suất ăn/lần phục vụ sẽ do trạm y tế phường, xã quản lý. Trường hợp trường học tự tổ chức bếp ăn (không có giấy phép tổ chức kinh doanh ăn uống) không cần xin giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP nhưng phải thực hiện cam kết về chất lượng thực phẩm. Trong các trường hợp trường học thuê mướn người bên ngoài vào nấu hoặc ký hợp đồng với các cơ sở cung cấp suất ăn sẵn phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP.
THU TÂM/SGGP
Bình luận (0)