Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Siết quản lý trung tâm dạy ngoại ngữ, tin học

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

TPHCM hiện là 1 trong 2 thị trường đào tạo ngoại ngữ, tin học lớn nhất cả nước. Mỗi năm học có thêm hàng chục trung tâm đào tạo mới đi vào hoạt động, đáp ứng nhu cầu học tập không ngừng tăng cao của người dân TP. Tuy nhiên, việc quản lý loại hình này như thế nào để đảm bảo tối đa quyền lợi người học vẫn là bài toán khó đặt ra cho các cơ quan quản lý. 

Lo không kịp chuẩn hóa đội ngũ

Mới đây, tại Hội nghị tổng kết năm học 2017-2018 và triển khai nhiệm vụ năm học 2018-2019 khối ngoại ngữ, tin học do Sở GD-ĐT TPHCM tổ chức, ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, thừa nhận với số lượng 683 trung tâm ngoại ngữ, tin học đang hoạt động (có gần 1,2 triệu lượt học viên theo học mỗi tháng), ngành giáo dục TP đứng trước yêu cầu không ngừng tăng cao về năng lực kiểm tra, quản lý.

Năm học 2017-2018, Sở GD-ĐT TPHCM đã tổ chức các đoàn thanh tra 100% trung tâm ngoại ngữ, tin học tại 7 quận (quận 1, 3, 5, 7, 10, Phú Nhuận và Bình Thạnh). Kết quả, có 7 đơn vị tổ chức giảng dạy không phép.

Đoàn kiểm tra đã đề xuất xử lý chấm dứt hoạt động, gỡ bỏ bảng hiệu và quảng cáo chiêu sinh, giải quyết quyền lợi cho người lao động và người học, tổng số tiền xử phạt hơn 139 triệu đồng.

Ngoài ra, thanh tra sở cũng kịp thời chấn chỉnh sai phạm tại 27 đơn vị khác về các lỗi như nội dung quảng cáo, bảng hiệu, chương trình, sử dụng lao động người nước ngoài không đúng quy định.

Siết quản lý trung tâm dạy ngoại ngữ, tin học ảnh 1
Đăng ký học ngoại ngữ ở một trung tâm trên địa b àn TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Ở góc độ khác, bà Trần Thị Kim Thanh, Phó phòng Giáo dục thường xuyên (Sở GD-ĐT TPHCM), cho biết tại một số cuộc họp chuyên môn gần đây có báo cáo viên người nước ngoài, nhiều đơn vị không cử giám đốc trung tâm đi dự họp với lý do “không có phiên dịch tiếng Việt”.

Đây là thực tế rất đáng lo ngại, khi tới đây cả nước sẽ thực hiện Thông tư 21/2018 do Bộ GD-ĐT ban hành về Quy chế tổ chức và hoạt động của trung tâm ngoại ngữ, tin học (bắt đầu có hiệu lực thi hành từ ngày 10-10-2018).

Theo đó, vị trí giám đốc trung tâm ngoại ngữ được yêu cầu phải có trình độ tốt nghiệp đại học ngoại ngữ; hoặc tốt nghiệp đại học và có chứng chỉ ngoại ngữ tối thiểu bậc 3 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam. 

Đối với giáo viên người nước ngoài, để đủ điều kiện dạy ngoại ngữ theo thông tư mới phải có bằng cao đẳng trở lên, có chứng chỉ năng lực ngoại ngữ từ bậc 5 trở lên theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc và chứng chỉ đào tạo dạy ngoại ngữ phù hợp.

Đây là yêu cầu không có trong các văn bản quản lý cũ, nhằm khắc phục tình trạng “vơ bèo vạt tép” của các trung tâm đối với lực lượng này. Tuy nhiên, khi thời điểm triển khai đã cận kề, nhiều đơn vị cho biết khó kịp hoàn thành yêu cầu chuẩn hóa đội ngũ. 

Chấn chỉnh hoạt động liên kết đào tạo

Theo Bộ GD-ĐT, cả nước hiện có 10 đơn vị đủ năng lực tổ chức thi, cấp giấy chứng nhận năng lực tiếng Anh tương đương 6 bậc của Khung năng lực ngoại ngữ dùng cho Việt Nam.

Trong đó, khu vực phía Nam có 3 đơn vị gồm Trường Đại học Sư phạm TPHCM, Trung tâm Seameo Retrac và Trường Đại học Cần Thơ.

Tuy nhiên, theo ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng (Bộ GD-ĐT), đây chỉ là danh sách 10 đơn vị được giới thiệu do có nhiều kinh nghiệm trong đào tạo, bồi dưỡng, ôn luyện và tổ chức các kỳ thi tiếng Anh, đồng thời đã tiến hành nhiều đợt đánh giá và cấp chứng nhận ngoại ngữ.

Bộ chưa có văn bản quy định chỉ những đơn vị này mới được tham gia đánh giá và cấp chứng nhận theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc. Điều này đồng nghĩa với việc tất cả cơ sở đào tạo và khảo thí ngoại ngữ trên cả nước nếu đủ năng lực đều có thể tham gia đánh giá và cấp chứng nhận năng lực ngoại ngữ cho các đối tượng học viên có nhu cầu. 

Thời gian qua, Bộ GD-ĐT đã tiếp nhận và xử lý nhiều thông tin liên quan đến tổ chức thi và cấp chứng nhận ngoại ngữ của các đơn vị. Trong đó, không ít trường hợp trung tâm ngoại ngữ “tự xưng” có liên kết đào tạo với các trường đại học uy tín, tổ chức các khóa học trọn gói gồm ôn tập, “bao” thi đậu hoặc “bao” cấp chứng chỉ.

Điều này khiến hình thành thị trường mua, bán văn bằng với chất lượng vàng thau lẫn lộn. Trước tình hình đó, Bộ GD-ĐT đã tăng cường các đợt kiểm tra, giám sát, qua đó kịp thời phát hiện nhiều vi phạm, những mặt còn hạn chế, yêu cầu các đơn vị kịp thời khắc phục.

Tuy nhiên, về lâu dài, cần thêm quy định chặt chẽ hơn từ phía cơ quan quản lý để khắc phục. Riêng đối với đội ngũ nhà giáo, nhiều ý kiến cho rằng bộ nên có thêm lộ trình chuẩn hóa trình độ ngoại ngữ theo từng giai đoạn, không nên có những quy định “thắt” rồi “mở”, tạo ra áp lực không đáng có như thời gian qua.

Tới đây, Bộ GD-ĐT sẽ xây dựng Đề án thành lập Trung tâm khảo thí ngoại ngữ quốc gia theo hướng xây dựng hệ thống kiểm tra, đánh giá ngoại ngữ của Việt Nam tiệm cận với quốc tế, đồng thời có phương án đổi mới hệ thống đánh giá năng lực ngoại ngữ quốc gia, xây dựng quy chế tổ chức thi và cấp chứng chỉ ngoại ngữ theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc, đảm bảo việc kiểm tra, đánh giá năng lực ngoại ngữ nói chung và tiếng Anh nói riêng được thống nhất, chuyên nghiệp, công bằng, khách quan và minh bạch.

MINH QUÂN/ SGGP

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)