Đặc biệt, đối với khối ngành sức khỏe, các trường sẽ không được tổ chức đào tạo liên thông theo hình thức vừa làm vừa học đối với các ngành y đa khoa, y học cổ truyền, y học dự phòng, răng hàm mặt, dược.
Tuy nhiên, nếu trước đây, Bộ GD-ĐT quy định chỉ tiêu tuyển sinh liên thông chính quy của khối ngành sức khỏe chỉ được tối đa 15% so với chỉ tiêu đào tạo ĐH chính quy thì với quy định mới, chỉ tiêu tuyển sinh của khối ngành sức khỏe không bị xét riêng mà được quy định chung giống như các ngành khác: chỉ tiêu tuyển sinh liên thông chính quy, liên thông vừa làm vừa học không vượt quá 20% chỉ tiêu tuyển sinh chính quy, chỉ tiêu tuyển sinh vừa học vừa làm tương ứng theo ngành đào tạo.
Theo quyết định của Thủ tướng chính phủ, việc tuyển sinh liên thông nói chung từ hệ cao đẳng lên ĐH giống với tinh thần của quy định liên thông trước đây, được thực hiện theo các hình thức do thủ trưởng cơ sở giáo dục ĐH quyết định: có thể tuyển sinh theo kết quả thi THPT quốc gia hoặc có thể tuyển sinh theo kỳ thi riêng do nhà trường tổ chức.
Tuy nhiên, riêng tuyển sinh liên thông từ người có trình độ trung cấp lên ĐH lại siết chặt hơn, người dự tuyển bắt buộc phải dự tuyển sinh cùng với thí sinh tốt nghiệp THPT ở kỳ thi tuyển sinh vào ĐH hằng năm của cơ sở giáo dục ĐH, chứ không phải bằng kỳ thi cho riêng đối tượng thi liên thông.
Về chương trình đào tạo liên thông, Thủ tướng Chính phủ quy định người học chương trình đào tạo liên thông trình độ ĐH chính quy được học các tín chỉ trong chương trình đào tạo cùng với sinh viên chính quy và người học chương trình liên thông trình độ ĐH vừa làm vừa học được học các nội dung trong chương trình đào tạo cùng với sinh viên vừa làm vừa học tương ứng.
Theo Tuổi Trẻ
Bình luận (0)