Sự kiện giáo dụcTiêu điểm

Siêu bão số 7 gây sóng biển cao 10 m trên biển Đông

Tạp Chí Giáo Dục

Siêu bão Utor (bão số 7) được dự báo sẽ đi vào biển Đông trong ngày mai 12.8 và sẽ là nguyên nhân khiến áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) trên biển Đông suy yếu, rồi "chết" dần trên biển.

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn T.Ư, chiều nay 11.8, siêu bão Utor đang trên đường tiến vào biển Đông.
Tâm bão còn cách đảo Luzon (Philippines) khoảng 270 km về phía đông đông nam, cường độ mạnh cấp 14, cấp 15 (từ 150 – 183 km/giờ), giật cấp 16, cấp 17 (cấp cao nhất trong thang độ gió bão Bopho).

Bản đồ dự báo đường đi của siêu bão Utor và ATNĐ – Nguồn: Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn T.Ư
Dự báo, trong 1 – 2 ngày tới, bão Utor di chuyển theo hướng giữa tây tây bắc và tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20 – 25 km.
Như vậy, khoảng trưa mai 12.8, siêu bão Utor sẽ vào biển Đông và trở thành cơn bão số 7 trong mùa mưa bão năm nay.
Đây là cơn bão rất mạnh, khi vào biển Đông còn giữ cường độ cấp 13, 14, di chuyển nhanh và còn diễn biến rất phức tạp.
Do ảnh hưởng của bão, trong vài ngày tới ở khu vực bắc biển Đông có gió mạnh cấp 8 đến cấp 11, vùng gần tâm bão cấp 12 đến cấp 14, giật cấp 15, cấp 16. Biển động dữ dội, sóng biển có thể cao tới 10 m, cực kỳ nguy hiểm đối với tàu thuyền.
Ngoài ra, trên khu vực giữa biển Đông còn một ATNĐ. Chiều nay, tâm ATNĐ cách đảo Song Tử Tây (thuộc quần đảo Trường Sa) khoảng 150 km về phía đông đông bắc, cường độ mạnh cấp 6 (tức là từ 39 – 49 km/giờ), giật cấp 7, cấp 8.
ATNĐ được dự báo là sẽ hầu như ít di chuyển hoặc di chuyển rất chậm theo hướng đông, mỗi giờ đi được khoảng 5 km và sẽ bị hút vào cơn bão Utor. Hiện khoảng cách giữa siêu bão Utor và ATNĐ trên biển Đông đang là 1.200 km. Khi siêu bão Utor vào biển Đông, khoảng cách nêu trên bị rút ngắn, ATNĐ sẽ bị siêu bão "đè" cho yếu dần và sẽ "chết" trên biển.
Trước mắt, chịu ảnh hưởng của ATNĐ, vùng biển phía đông khu vực giữa biển Đông (bao gồm cả vùng biển phía đông bắc quần đảo Trường Sa) có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7, cấp 8, biển động. Vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau và khu vực nam biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) có gió mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7 và có mưa rào và giông mạnh.
Trên đất liền, chịu ảnh hưởng của ATNĐ, các tỉnh Nam bộ và Tây nguyên có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to và rải rác có giông.
Trong ngày hôm nay 11.8, Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão T.Ư và Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn đã có công điện gửi các tỉnh, thành tuyến biển từ Quảng Ninh đến Phú Yên thông báo vùng nguy hiểm trong 24 giờ tới được xác định là vùng biển phía bắc vĩ tuyến 11, phía nam vĩ tuyến 16 và vùng biển đông bắc biển Đông, đồng thời yêu cầu các địa phương tìm mọi biện pháp thông báo với chủ tàu thuyền, phương tiện đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão, ATNĐ để chủ động phòng tránh, thoát ra khỏi hoặc không đi vào khu vực nguy hiểm.
Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão T.Ư, đến hôm nay, các tỉnh tuyến biển từ Quảng Ninh đến Cà Mau đã phối hợp với địa phương, gia đình chủ tàu, thuyền trưởng thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 47.760 phương tiện với 206.340 người biết vị trí, hướng di chuyển của ATNĐ, bão để chủ động di chuyển phòng tránh.
Trong đó có 28 tàu với 297 người đang hoạt động ở khu vực quần đảo Hoàng Sa, 1.089 tàu với 10.139 người đang ở khu vực quần đảo Trường Sa và giữa Hoàng Sa với Trường Sa.
 

theo TNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)