“Ngày trước nhà nghèo, cứ đinh ninh miễn là được học xong, sau này không được làm giáo viên thì cũng biết chữ để bày lại cho những đứa trẻ nghèo, cơ nhỡ. Rồi tốt nghiệp ĐH Sư Phạm, vác ba lô lên Ba Lế. Ngót nghét 12 năm. Ba Lế giờ như người thân của mình”, cô Nguyễn Thị Trang, GV Trường TH-THCS Ba Lế (huyện Ba Tơ, Quảng Ngãi) bộc bạch. Nhìn vào khối lượng công việc hiện tại của cô Trang, nhiều người hình dung đến một “siêu nhân” giữa núi rừng Ba Lế.
Cô Trang trên đường đi vận động học sinh đến trường
Khát vọng ươm chữ cho học trò nghèo
12 năm cắm bản ở Ba Lế, cô Trang thay tới chiếc xe máy thứ 3. Chưa kể vài chiếc điện thoại lùi trong bùn, trôi theo dòng nước suối… Ngần ấy đủ hình dung về những con đường đến các bản làng ở Ba Lế khó khăn và trắc trở đến thế nào. “Nhiều bữa xe hỏng thì mình mang ba lô cuốc bộ đến trường. Lội suối ở rừng không có gì là lạ, trượt ngã lấm lem bùn đất cũng là chuyện bình thường. Dù vậy ở đây mình thấy thân thương và gắn bó. Miễn sao con trẻ biết cái chữ là mình thấy vui”, cô Trang nói.
Cô Trang quê ở huyện Mộ Đức. Nhà nghèo. Mẹ không biết chữ, anh trai dù rất ham học vẫn phải dừng giữa chừng để đi làm kiếm sống. Để được đến trường, bản thân Trang phải làm lụng đủ thứ để phụ mẹ trang trải chi phí ăn học.
Hình ảnh chiếc xe máy lấm lem bùn đất trên hành trình dạy học của cô Trang
Năm 2010, tốt nghiệp ĐH Sư phạm Phạm Văn Đồng, Trang khăn gói lên Ba Lế nhận công tác. Ba Lế không giống những gì Trang hình dung. Khổ nhất là đường đi. Chặng đường đến trường với giáo viên giống như đi đánh trận. Sóng điện thoại chỗ có, chỗ không. Những lần ngã xe, tắm bùn xảy ra thường xuyên. Đường khó, xe hư thì vác ba lô cuốc bộ đến trường. Nhiều bà con biết sửa thì sửa giúp, nếu không cứ dựng chân chống để xe bên vệ đường đợi gọi thợ dưới trung tâm xã đến sửa. Bà con ai cũng biết xe của cô giáo nên để mấy ngày vẫn y nguyên.
Gian nan, vất vả và nhất là xa nhà nên ít có điều kiện chăm sóc con cái nhưng cô Trang vẫn không nghĩ chuyện rời đi. “Đi sao đành, khi học trò và bà con quý mến mình như người thân. Nhiều bữa đi vận động học sinh về muộn, bà con nấu cơm bới sang. Lúc mắc lụt, bà con chia cho mình củ sắn, lon gạo cuối cùng có được trong nhà. Mình đi sẽ có nhiều đồng nghiệp khác thay thế nhưng mình vẫn không nỡ rời xa những đứa trẻ nghèo nơi này”, cô Trang trải lòng.
“Ship” bài tập đến tận nhà cho học trò
Đầu năm học 2021-2022, Quảng Ngãi bùng phát dịch Covid-19. Ba Lế nơi cô Trang dạy học buộc phải dừng đến trường. Nhiều học sinh ở Ba Lế không có điện thoại thông minh, không máy tính, ngay cả sóng 4G cũng chập chờn, nhất là các học sinh ở làng Tốt (xã Ba Lế). Làng Tốt cách trung tâm xã 12m. Để các em không bị chậm bài vở, cô Trang tìm đến tận từng nhà. Hành trang mang theo là các tập bài tập. Đầu tuần đi giao bài, cuối tuần cô lại vào làng để kiểm tra, giảng thêm cho học sinh hiểu, giải quyết những vấn đề học sinh thắc mắc. “Đằng nào mình cũng đến tận nhà các em nên tranh thủ giảng thêm cho các em có động lực và hứng thú học tập”, cô Trang nói.
Cô Trang “ship” bài tập đến tận làng Tốt và giảng bài cho học trò
“Mình luôn ấp ủ khát khao làm được nhiều thứ cho học trò nghèo khó. Bởi từ lúc mình còn là một cô bé nghèo đã từng được đi nhận quà hỗ trợ, nhận học bổng vượt khó… Ngày xưa mình được nhận tình yêu thương, ngày nay mình muốn trao lại và lan tỏa nhiều hơn tình yêu thương ấy để không đứa trẻ nào bị thiệt thòi”, cô Trang bộc bạch. |
Cô Trang kể những chuyến làm “shipper” ship bài tập đến cho học sinh rất vất vả nhưng đổi lại cũng có nhiều niềm vui. Vui nhất là những hôm vừa hì hục dắt chiếc xe cà tàng lên con dốc đầu làng đã có học trò đợi ở đó để nhờ cô xem mình làm bài đúng hay sai. Có phụ huynh vui vẻ khi thấy cô đến: “Cô ơi, chỉ dùm bài cho cháu đi, nó hỏi tui mấy hôm nay mà tui không biết chỉ thế nào”. Rồi cũng có phụ huynh thấy cô đi ngang ngõ liền đem lon bò húc ra mời. Mời nhiều lần cô đều từ chối thì bảo chắc do cô giận nên buồn bã. Những lúc như thế cô Trang đành nhận lấy lon nước… Nhưng không phải chuyến đi nào đến nhà học sinh cũng suôn sẻ. Nhiều học sinh vừa nghe tiếng xe máy đầu dốc vào làng là đi trốn. Cô lại phải đi tìm. Có ngày đi từ sớm tận tối mịt mới về. Nhưng cô Trang bảo, thà mình chịu vất vả để học sinh tiếp thu được bài, không nản, không bỏ học là tốt rồi. Vận động học sinh ra lớp đã khó, giữ được các em theo học còn khó hơn.
Lớp 5 do cô Trang chủ nhiệm chỉ có 6 học trò ở làng Tốt. Sau khi giảng bài cho từng em, cô Trang còn tranh thủ đi một vòng quanh làng, vừa kiểm tra bài tập, giảng lại những bài học trò các lớp khác chưa hiểu. “Mình là tổ trưởng Tổ Tiểu học, đi để nắm bắt tình hình nhằm sớm có phương án giải quyết và cũng để truyền cảm hứng học tập cho các em học trò”, cô Trang nói.
Không chỉ vậy, cô Trang còn tình nguyện mỗi tuần vài buổi tối ở lại khu nội trú của trường để dạy kèm thêm cho các em học sinh yếu. “Phụ huynh vùng cao, kinh tế khó khăn nên ít sự quan tâm đến chuyện học của con cái. Vì vậy mình bù đắp thêm cho các em”.
Nhìn vào khối lượng công việc, nhiều người hình dung đến một “siêu nhân” giữa núi rừng Ba Lế. Cô Trang ngoài đời thật chỉ vừa chạm mốc… 37kg. Nhiều người gọi cô với biệt danh Trang “ròm”. Với cô Trang, được đứng lớp, được dạy học trò biết con chữ đã là niềm vui. Giúp được học trò nghèo càng hạnh phúc hơn.
Vĩnh Yên
Bình luận (0)