Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Siêu thị, hàng quán dè dặt khi hoạt động trở lại

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Trong ngày đầu tiên TP HCM áp dụng nới lỏng một số quy định về giãn cách xã hội, giới kinh doanh còn khá thận trọng dù sức mua có dấu hiệu tăng…
Do chưa kịp chuẩn bị nguyên liệu, nhiều điểm kinh doanh dịch vụ ăn uống được mở bán mang về vẫn chưa hoạt động trở lại, một số quán mở cửa bán cầm chừng để nghe ngóng tình hình. Việc tìm shipper vận chuyển đến khách hàng vẫn rất khó khăn.
Ghi nhận tại khu phố ẩm thực quận 6, trong sáng 9-9 chỉ một cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn, uống hoạt động lại với hình thức bán mang về. Bà Trần Thị Hà Thanh, chủ quán bún bò Huế O Thanh (đường số 10, quận 6), cho biết nhờ có sẵn mối quen cung cấp nguyên liệu nên quán mới có thể mở cửa lại bán ngay nhưng nguyên liệu vẫn chưa thể đa dạng như ngày thường, đơn hàng trên mạng vẫn rất ít do hiếm shipper.
Siêu thị, hàng quán dè dặt khi hoạt động trở lại - Ảnh 1.
Ngày 9-9, một số cửa hàng ở TP HCM đã mở lại hoạt động bán hàng mang đi 

Vui mừng sau 2 tháng quán phải đóng cửa để phòng chống dịch Covid-19, anh Từ Hoài An, chủ quán cafe Time Lapse trên đường Nguyễn Văn Luông, quận 6, cho hay quán tại nhà nên thuận lợi để hoạt động trở lại. Đa phần quán khác khi bán lại đều giữ khoảng cách giao nhận hàng bằng việc giăng dây hay kê bàn ngay cửa để hạn chế tiếp xúc gần.
Còn với hoạt động bán lẻ, dù trong ngày đầu tiên được phép hoạt động đến 21 giờ (riêng tại quận 7 và huyện Củ Chi người dân bắt đầu được "đi chợ" 1 lần/tuần) nhưng hầu hết siêu thị, cửa hàng đều chưa có kế hoạch mở cửa phục vụ đến 21 giờ. Một số hệ thống bán lẻ cho biết vẫn duy trì mở cửa đến 16 giờ – 16 giờ 30 như từ ngày 23-8 đến nay hoặc kéo dài thêm 1-2 giờ. "Thành phố cho siêu thị, cửa hàng hoạt động đến 21 giờ nhưng chưa có văn bản hướng dẫn cho nhân viên làm việc tại những nơi này được ra đường đến 21 giờ nên trong thời gian chờ có hướng dẫn cụ thể, chúng tôi vẫn duy trì lịch hoạt động như cũ để tránh phiền hà cho nhân viên. Có thể trong vài ngày tới, tùy tình hình thực tế về quy định đi đường cho nhân viên và lượng đặt hàng, siêu thị sẽ tăng dần thời gian mở cửa bán hàng đến 18 giờ, 19 giờ" – giám đốc một hệ thống siêu thị nói.
Theo giám đốc này, dù thành phố đã đồng ý cho nhân viên siêu thị, cửa hàng được tiếp tục sử dụng giấy đi đường đến ngày 15-9 mà không cần gia hạn hoặc cấp giấy mới nhưng trong sáng 9-9, một số nhân viên siêu thị đã bị các chốt kiểm tra chặn không cho qua vì lý do "giấy đi đường hết hạn".
Một số hệ thống siêu thị nhận xét sức mua trong ngày 9-9 tiếp tục tăng so với những ngày trước, cả kênh "đi chợ hộ" và kênh online. Các hệ thống bán lẻ đã tăng lượng hàng thực phẩm tươi sống lên khoảng 20% so với thời điểm trước ngày 6-9 nên bảo đảm được lượng cung ứng, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng. "Một bộ phận khách hàng ở "vùng xanh" có tâm lý chờ được mở cho đi chợ 1 lần/tuần để trực tiếp đi mua sắm. Tại 1 số cửa hàng bắt đầu có khách lẻ đến mua hàng" – bà Võ Thị Ngọc Hường, Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty Co.op Food, nhìn nhận. Hệ thống này đã tăng gấp đôi chủng loại mặt hàng tươi sống tại các cửa hàng để tăng thêm lựa chọn cho những khách hàng được trực tiếp đến mua sắm. 
Khắc phục tình trạng hụt nguồn cung thực phẩm chế biến
Theo các hệ thống siêu thị, đang có tình trạng thiếu hàng, chậm giao hàng đối với một số mặt hàng thực phẩm chế biến.
Về vấn đề này, tại buổi họp báo cung cấp thông tin tuyên truyền về công tác phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP HCM chiều 9-9, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, xác nhận thời gian qua, các hệ thống phân phối tập trung chủ yếu cung ứng hàng hóa và thực phẩm tươi sống. Nay nguồn cung này ổn định thì người dân trở lại sử dụng thực phẩm chế biến. Tuy nhiên, hiện các nhà cung cấp, nhà sản xuất và cả kho trung chuyển gặp khó khăn. "Lượng cung ứng sản phẩm mì gói, miến khô còn lớn, Sở Công Thương sẽ rà soát lại hệ thống phân phối để hỗ trợ giấy đi đường cho nhà cung ứng nhằm bảo đảm nhu cầu. Về mặt hàng đồ hộp, xúc xích, Công ty Vissan đã hoạt động trở lại 50% công suất. Thời gian tới, sẽ cố gắng đẩy lên 100% công suất để đáp ứng nhu cầu thị trường. Ngoài ra, Sở Công Thương cũng làm việc với Hội Lương thực thực phẩm thành phố nhằm tính toán kế hoạch dài hơi trong việc tổ chức hoạt động sản xuất để giúp nguồn hàng ổn định lâu dài" – ông Phương nói.
 
Thanh Nhân (theo NLĐ)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)