Sau Tết, giá thực phẩm thường tăng mạnh, nhưng năm nay giá nhiều mặt hàng giảm hẳn so với trước Tết. Thậm chí, có siêu thị còn khuyến mãi nhiều loại thực phẩm tới 50%…
Khách hàng đổ xô mua thực phẩm khuyến mãi tại siêu thị Big C Thăng Long. |
Thực phẩm khuyến mãi khủng
Ngày mồng 7 tết (29 -1), phóng viên theo chân chị Hồng Nhung (Đống Đa, Hà Nội) đi chọn thực phẩm tại siêu thị Big C Thăng Long (Hà Nội). Các gian hàng quà Tết, rượu, nay được dọn để làm quầy ăn uống, với giá phải chăng 15.000 đồng/đĩa bánh cuốn, tô bún ốc…
Chị Nhung cho biết: “Năm nay cơ quan tôi thưởng ít nên sắm Tết cũng ít, còn ra Tết phải chọn thực phẩm vừa túi tiền, vì còn nửa tháng nữa mới có lương, chi tiêu không khéo thì chỉ có nhịn đói thôi”.
Vừa mới từ quê trở lại Hà Nội để chuẩn bị đi làm vào ngày thứ hai (mồng 8 Tết), chị Minh Lý đã vội đi siêu thị mua thực phẩm dự trữ. “Nhiều loại thực phẩm khuyến mãi giảm giá tới 50% nên tôi phải mua nhanh không vài hôm nữa dân đổ về lại Hà Nội sau nghỉ Tết thì thực phẩm khuyến mãi cũng chẳng còn”, chị Lý nói.
Hiện, giá các mặt hàng lương thực khuyến mãi đều rẻ hơn nhiều so với thị trường bên ngoài. Chả lụa Ebon: 64.000 đồng/kg (giảm giá 54.000/kg đồng), thịt ba rọi: 94.000 đồng/kg (giảm 16.000/kg), cá trứng: 52.000 đồng/nửa cân (giảm 7.000 đồng/kg), cá hồng: 30.000 đồng/kg (giảm 5.000 đồng/kg)…
Đại diện phòng truyền thông Big C cho biết, siêu thị có chương trình khuyến mãi giảm giá tới 200 mặt hàng, có nhiều mặt hàng thực phẩm thiết yếu giảm giá 50% như: thực phẩm khô, thực phẩm đông lạnh, nước uống kéo dài 18 ngày (từ 26-1 đến 12-2-2012) nhằm hỗ trợ khách hàng…
Tại TPHCM, từ mồng 3 Tết nhiều hệ thống siêu thị đã mở cửa trở lại. Tuy nhiên sức mua cũng chỉ bằng một nửa so với ngày thường. Tại siêu thị Co.op mart Phú Mỹ Hưng, quận 7 mặc dù mở cửa từ ngày 27-1 nhưng đến hôm qua 29-1 lượng người đến siêu thị vẫn chưa nhiều.
“Đa số người đi siêu thị để mua các mặt hàng rau củ quả, các mặt hàng thực phẩm khô vẫn chưa tiêu thụ được”- nhân viên siêu thị này cho biết.
Tại siêu thị Lotte mart sức mua cũng chỉ bằng khoảng 40% so với ngày thường cho, dù hôm qua là Chủ nhật. Quản lý siêu thị này cho biết các mặt hàng vẫn giữ giá như trước Tết. Ở một số siêu thị và điểm bán hàng bình ổn khác tại TPHCM, giá thịt lợn tiếp tục giảm 10.000 đồng/kg ở mức 84.000-95.000 đồng/kg, thấp hơn thị trường 20.000 đồng/kg.
Theo ông Nguyễn Thành Nhân- Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op, từ ngày 3 Tết đến nay, mỗi ngày hệ thống siêu thị này bán ra khoảng 60 tấn thịt gia súc, rau củ quả và trái cây. Giá cả vẫn ổn định do trước đó Tổng Cty Nông nghiệp Sài Gòn, Vissan, Saigon Co.op và Vinatexmart liên kết giảm giá 10.000 đ/kg trên tất cả loại thịt gia súc, kéo dài đến hết mùng 5 Tết.
Trong khi Cty Phạm Tôn giảm giá 2.000 đ/kg thịt gia cầm, kéo dài đến mùng 9 Tết. Các siêu thị cũng triển khai rất nhiều chương trình giảm giá nhãn hàng riêng hoặc giảm giá hàng ngàn sản phẩm khác từ 5% – 50% để thu hút khách.
Rau xanh, nơi giảm, nơi tăng
Nhiều chợ cóc xung quanh Hà Nội bắt đầu hoạt động trở lại từ ngày 3 Tết và giá cả nhỉnh hơn một chút so với trước Tết. Nhưng sang đến hôm qua, giá cả lại trở về mức ổn định.
Theo khảo sát của phóng viên tại chợ Nghĩa Tân (Cầu Giấy) ngày 29-1 (mùng 7 tết), giá rau xanh giảm mạnh so với trước Tết. Cụ thể: rau cần: 4.000 đồng/mớ (giảm 6.000 đồng), cải chít: 15.000 đồng/cân (giảm: 5.000 đồng) cân, giá đỗ: 15.000 đồng/cân (giảm: 10.000 đồng/cân, cải thảo: 12.000 đồng/cân (giảm: 8.000 đồng/cân), bắp cải: 13.000 đồng/cân (giảm: 4.000 đồng/cân), su hào: 3.000 đồng/củ (giảm: 7.000 đồng/củ), súp lơ: 7.000 đồng/cái (giảm: 8.000 đồng/cái)…
Theo tiểu thương tại chợ Nghĩa Tân, nguồn cung rau xanh sau Tết dồi dào nên không có chuyện giá tăng chóng mặt như trước Tết. “Mà bây giờ có tăng thì cũng chẳng ai mua, dân tình khó khăn, người ta mua mớ rau cũng mặc cả lên xuống chán họ mới mua, bán đắt thì chỉ có ế thôi”, một tiểu thương nói.
Khác với Hà Nội, rau xanh tại các chợ truyền thống tại TPHCM tăng. Tại chợ Tân Mỹ, chợ Tân Thuận Đông ở quận 7 các loại rau củ quả đều tăng giá từ 5-20%. Theo khảo sát của phóng viên trước Tết rau muống có giá 7.000 đồng/kg nhưng nay đã lên 12.000 đồng/kg; các loại rau dền, mồng tơi, cải ngọt…đều đồng loạt tăng từ 2.000-4.000 đồng/kg. “Do sức tiêu thụ rau củ tăng nhưng hàng rau củ ở các vựa đầu mối chưa về nhiều nên giá tăng lên”- chị Oanh bán hàng tươi sống ở chợ đầu mối Tân Mỹ giải thích.
Theo Ban quản lý chợ đầu mối Bình Điền, nơi đây mở cửa hoạt động trở lại từ tối mùng 1 Tết nhưng lượng hàng về chợ chỉ chiếm khoảng 25- 30% so thời điểm trước Tết, chủ yếu cung cấp cho các chợ lẻ và cửa hàng thực phẩm. Ban quản lý chợ này cho biết, giá cả các mặt hàng vẫn ổn định và khoảng mồng 9-10 Tết sức mua mới tăng trở lại.
Sức mua Tết giảm mạnh
Đại diện siêu thị Big C Thăng Long (Hà Nội), cho biết: Do kinh tế khó khăn nên sức mua tại siêu thị Tết năm nay so với năm trước giảm hẳn. Các mặt hàng như: hoa quả, bánh kẹo, thịt bò, dăm bông…, nhập khẩu đều bán chậm.
Chị Kinh Hạnh, nhân viên thu ngân quầy 68 chia sẻ: “Tôi thu một ca tầm 6 tiếng vào những ngày trước và sau Tết năm nay đông nhất chỉ tầm khoảng 100 triệu/ca, còn năm ngoái có hóa đơn của một khách hàng cũng lên tới 50 triệu, mua toàn rượu ngoại và đồ nhập khẩu”.
Còn bà Vũ Thị Hậu – Phó Giám đốc hệ thống siêu thị Fivimart cho biết: “Mục tiêu hệ thống siêu thị đặt ra là tăng trưởng từ 30 – 35% mà nay chỉ đạt 15 – 17%, nếu tính cả lạm phát, trượt giá thì con số tăng trưởng của siêu thị là thấp”.
|
Ngọc Mai – Lê Nguyễn
Theio Tiền Phong
Bình luận (0)