Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Siêu thị quên khu vệ sinh cho khách

Tạp Chí Giáo Dục

"Tôi thường đi siêu thị, thấy hàng hóa ngày một nhiều nhưng rất ít nơi có khu vệ sinh dành cho khách. Nhiều hôm muốn dừng chân mua sắm lâu một chút cũng đành vội vã ra về", chị An (Võ Thị Sáu, Hà Nội) phàn nàn.
Công việc bận rộn, chỉ tranh thủ đi mua sắm được những buổi tối nên chị An thường chọn điểm đến là các siêu thị. Song, điều khiến chị băn khoăn nhất là nhiều siêu thị hiện nay không có khu vực vệ sinh dành cho khách hàng. Cách đây 3 hôm, chị cùng gia đình đi shopping ở siêu thị Fivimart mới khai trương gần nhà. Đang chọn đồ thì con trai kêu đau bụng, nhưng chị hỏi mãi mà không ai biết nhà vệ sinh ở đâu.
"Tôi hỏi từ nhân viên thu ngân đến bảo vệ, ai cũng lắc đầu kêu không có nhà vệ sinh. Tôi nghĩ một siêu thị lớn và hiện đại thế này, không lẽ cơ sở tối thiểu đó cũng không có nên cố tìm nhưng không thấy thật. Con thì kêu đau bụng oai oái nên cả nhà đành đi về nhà, cũng không có hứng quay lại mua sắm nữa", chị An than thở.
Không ít người tiêu dùng than thở, nhiều siêu thị hiện đại
lại thiếu nhà vệ sinh. Ảnh minh họa: Xuân Ngọc

Nhiều siêu thị của Hapro cũng trong tình trạng tương tự. Thậm chí, một số nơi có nhà vệ sinh nhưng chỉ dành cho nhân viên của siêu thị, khách mua hàng không được sử dụng. Điều này khiến không ít người tiêu dùng cảm thấy bất cập và bức xúc.
Bác Thi (Tây Hồ, Hà Nội) cũng "sợ" đi siêu thị cũng vì vấn đề tế nhị này. Bác cho hay, mỗi lần vào siêu thị mua sắm cùng con cái thường đến vài tiếng đồng hồ, điều hòa lại lạnh nên bác thường xuyên trong tình trạng nổi da gà, muốn tìm nhà vệ sinh nhưng đành chịu đựng để về nhà. Bác Thi nhận xét, về điểm này, nhiều siêu thị không bằng các chợ truyền thống. "Tuy các chợ không sạch đẹp như siêu thị nhưng hầu như chỗ nào cũng có nhà vệ sinh", bác chia sẻ.
Nguồn tin từ hệ thống siêu thị Hapro Hà Nội phân trần, do diện tích kinh doanh không lớn, đa phần là chuỗi cửa hàng tiện ích, tất cả các khu vực đều được tận dụng để trưng bày hàng hóa nên chưa quan tâm được đầy đủ về vấn đề này. "Cái khó bó cái khôn. Đất chật, không có điều kiện xây dựng khu vệ sinh tách biệt với khu hàng hóa để đảm bảo chất lượng nên chúng tôi chưa tiến hành được", một đại diện của Hapro nói.
Bà Vũ Thị Hậu, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Nhất Nam, sở hữu chuỗi siêu thị Fivimart cho biết, có thể do sơ suất nên các nhân viên đã không chỉ dẫn cho khách hàng. Bà Hậu khẳng định, trừ một số siêu thị nằm trong khu chung cư, còn lại các siêu thị của Fivimart đều có khu vực vệ sinh. "Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiến hành làm biển chỉ dẫn vào khu vệ sinh để khách hàng dễ quan sát hơn", bà Vũ Thị Hậu nói.
Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, ông Vũ Vinh Phú thừa nhận, hiện nay nhiều siêu thị không có khu vực vệ sinh dành cho khách hàng. Riêng Hà Nội, trong số 71 siêu thị thì một nửa không có nhà vệ sinh. Trong khi đó, ông Phú cho rằng khu vực vệ sinh là yêu cầu tối thiểu trong quy chuẩn siêu thị. Một siêu thị đạt chuẩn, ngoài dịch vụ, hàng hóa cần đảm bảo cơ sở hạ tầng như trông xe, vệ sinh và khu vui chơi dành cho trẻ em.
"Sự phát triển các siêu thị tại Việt Nam chưa đồng bộ và toàn diện. Tôi đã từng kiến nghị với Bộ Công thương là cần thanh tra, rà soát tiêu chuẩn của tất cả các siêu thị trên toàn quốc. Siêu thị nào không đạt chuẩn thì phải hạ bậc, không thể để lẫn lộn tốt, xấu như hiện nay", ông Phú cho biết.
Quy chế về siêu thị, trung tâm thương mại của Bộ Thương mại, ban hành ngày 24/9/2004 nêu rõ, siêu thị hạng I, hạng II và hạng III đều phải có công trình kiến trúc vững chắc, có tính thẩm mỹ, trang thiết bị tiên tiến, hiện đại, đảm bảo các yêu cầu phòng cháy chữa cháy, vệ sinh môi trường, an toàn và thuận tiện cho mọi đối tượng khách hàng; có bố trí nơi trông giữ xe và khu vệ sinh cho khách hàng phù hợp với quy mô kinh doanh của siêu thị.

Theo Xuân Ngọc ( VNE)

Bình luận (0)