Đúng như dự đoán của các doanh nghiệp, nhiều người tiêu dùng đã tận dụng kỳ nghỉ lễ dài ngày để "săn sale" một cách hiệu quả…
Ghi nhận của phóng viên trong 4 ngày nghỉ lễ Quốc khánh cho thấy nhiều siêu thị tại TP HCM như: Co.opmart, Emart, Lotte, MM Mega Market thường xuyên đông đúc, khách phải chờ lâu để được thanh toán.
Thực phẩm "ăn lễ" tiêu thụ mạnh
Tại Co.opmart Rạch Miễu (quận Phú Nhuận), một số thời điểm bãi giữ xe hết chỗ nên khách phải quay về vì ngại gửi xe xa. Bên trong siêu thị, các quầy thực phẩm chế biến sẵn, trái cây và thực phẩm tươi sống khá đông khách chọn mua để tổ chức ăn uống tại nhà. Một số mặt hàng thời trang, khăn, mền, gối khuyến mãi còn được siêu thị đưa ra sảnh ngoài để thuận tiện cho khách đến chọn mua.
Phiên chợ Xanh – Tử tế (đường Pasteur, quận 3) họp vào ngày 3 và 4-9 với nhiều hoạt động hoạt náo như "bốc thăm trúng thưởng", khu ẩm thực với các loại bánh dân gian: bánh chuối, xôi vị, bánh đúc, bún chả mực… và có khu vui chơi cho trẻ em nên thu hút nhiều gia đình ghé đến tham quan, mua sắm. Tại phiên chợ này, lần đầu xuất hiện một số đặc sản Hải Phòng như: chả rươi, chả chìa Hạ Lũng, khâu nhục… đến từ các cơ sở sản xuất tại địa phương được chứng nhận OCOP (chương trình "Mỗi xã một sản phẩm").
Tại MM Mega Market An Phú (TP Thủ Đức), bãi giữ ôtô gần kín chỗ vì lượng khách vào mua hàng rất đông. Đại siêu thị này đang thực hiện chương trình "Mừng Quốc khánh – Sale thả phanh" nên thu hút nhiều người đến mua sắm, đặc biệt là các gian hàng khuyến mãi sâu. Do lượng người mua sắm đông nên siêu thị phải phát loa điều tiết khách chuyển quầy thanh toán để không phải đợi lâu.
Thông tin bước đầu, một số hệ thống siêu thị lớn tại TP HCM cho biết sức mua trong 4 ngày lễ tăng ít nhất 15% so với những ngày trước đó.
Tại hệ thống siêu thị Co.opmart, Co.opXtra, sức mua bắt đầu tăng nhẹ từ chiều 29-8, đạt đỉnh điểm vào trưa 3-9. Những nhóm hàng ghi nhận doanh số riêng lẻ cao nhất là thịt heo, bia và bột giặt – ngày 3-9 gấp đôi ngày 29-8. Các sản phẩm khuyến mãi giảm giá sâu như nước tương Nam Dương, gạo thượng hạng Neptune, sữa hộp Nutimilk, bột ngọt Ajinomoto, sữa Ông Thọ, cà phê hòa tan G7, nước giặt Omo, nước xả Downy… liên tục "cháy" hàng.
Các mặt hàng rau củ quả tăng gần gấp đôi so với ngày thường. Các loại thịt gia súc, gia cầm, thủy hải sản tăng trung bình 30%; nhóm thực phẩm khô, đồ nguội, hàng đông lạnh, các loại nước giải khát, bia, sữa tăng trung bình 25%; các mặt hàng gia vị, dụng cụ nhà bếp và hàng may mặc thời trang tăng trung bình từ 15% – 20%.
Hệ thống MM Mega Market cũng ghi nhận sức mua của nhóm khách hàng lẻ tăng đến 50% so với cùng kỳ năm 2021. Đơn hàng từ nhóm khách sỉ (nhà hàng, khách sạn, quán ăn…) tăng gấp đôi so với ngày thường. Tiêu thụ mạnh nhất là các mặt hàng thủy hải sản, thịt, rau, thực phẩm chế biến, thực phẩm khô, bia, nước giải khát, trái cây… Sức mua đặc biệt tăng tốt tại các siêu thị khu vực miền Trung và TP HCM.
Hải sản là một trong những mặt hàng tiêu thụ mạnh trong dịp lễ. Ông Dương Thanh Đảo, Giám đốc Công ty TNHH MTV Hải Đảo Food, cho biết nhiều gia đình không đi chơi xa đã chọn hải sản để đãi tiệc.
"Sức mua mấy ngày lễ tăng mạnh, nhân viên phải chạy hết công suất để phục vụ khách, doanh số tăng gấp 2 lần so với ngày thường. Các loại hải sản nhập khẩu được khách chọn mua nhiều do giá ổn định, nhiều người chọn để biếu tặng. Hải sản trong nước tăng giá dịp lễ do nguồn cung hạn chế nhưng vẫn được người tiêu dùng ưa chuộng. Không chỉ hải sản tươi sống, các dòng hải sản cấp đông cũng bán chạy nhờ giá cả hợp lý, dễ bảo quản và chất lượng hơn trước nhờ công nghệ cấp đông nhanh tốt hơn" – ông Đảo nhận xét.
Khách hàng mua sắm tại MM Mega Market An Phú (TP Thủ Đức, TP HCM) dịp nghỉ lễ 2-9
Hàng hóa khó tăng giá
Nhiều người lo ngại thông tin giá dầu có khả năng tăng mạnh trong kỳ điều chỉnh giá xăng dầu ngày 5-9 sẽ cộng hưởng tâm lý tăng giá ngày lễ khiến giá hàng hóa, đặc biệt là thực phẩm tươi sống và hàng thiết yếu, bị đội lên. Thế nhưng, những ngày qua, các siêu thị, trung tâm thương mại đua nhau tung khuyến mãi "khủng", người tiêu dùng đổ xô vào siêu thị mua hàng giảm giá. Chợ vắng khách, tiểu thương không những không tăng mà còn giảm giá để khỏi "ôm" hàng.
Các đơn vị vận tải hàng hóa cho rằng giá nhiên liệu tăng thời gian trước đây đẩy giá cả hàng hóa lên cao phần nhiều do yếu tố tâm lý. Nhiều mặt hàng không liên quan gì đến nhiên liệu cũng bị đẩy giá lên. Theo tính toán, mỗi xe tải lớn chở 10 tấn rau củ từ Lâm Đồng về TP HCM, cả đi và về tốn khoảng 200 lít dầu. Nếu giá dầu tăng 1.000 đồng/lít thì mỗi chuyến cả đi và về, nhà xe tốn thêm khoảng 200.000 đồng. Mỗi tấn hàng chỉ gánh thêm 20.000 đồng chi phí nhiên liệu tăng nên chia nhỏ cho từng ký hàng là không đáng kể.
Ông Lê Văn Tiển, Phó Giám đốc Công ty TNHH Quản lý và Kinh doanh chợ đầu mối nông sản Hóc Môn, xác nhận giá cả hàng hóa ở chợ phụ thuộc chính vào nguồn cung và sức cầu. Giá cước vận tải nếu có tăng thì chỉ tác động rất ít, không đáng kể lên giá hàng hóa. Do đó, trường hợp giá dầu có được điều chỉnh tăng cũng không tác động ngay đến giá cả hàng hóa tươi sống trên thị trường.
Các doanh nghiệp sản xuất cũng dự đoán thị trường sẽ khó xảy ra đợt tăng giá mới theo diễn biến giá nhiên liệu. Lý do là vì giá nguyên liệu trên thế giới đang trên đà giảm. Trong nước, nhiều doanh nghiệp chưa điều chỉnh giảm giá dù trong tháng 7 và 8-2022, xăng dầu giảm giá 5 lần liên tiếp nên hiện tại khó thuyết phục nhà phân phối cho tăng giá.
Một số hệ thống phân phối cho hay sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động khuyến mãi trong thời gian tới. "Người tiêu dùng đang rất nhạy cảm với giá nên giảm giá thực chất là phương thức hiệu quả nhất để thu hút khách. Bằng chứng là trong tháng 8-2022, chúng tôi tăng gấp đôi kinh phí cho khuyến mãi giảm giá. Kết quả là doanh thu của hệ thống tăng rất tốt dù tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tại TP HCM trong tháng 8 giảm 1,1% so với tháng 7" – đại diện một hệ thống phân phối lớn tiết lộ.
Chợ truyền thống hắt hiu
Trong khi các siêu thị hoạt động nhộn nhịp trong 4 ngày nghỉ lễ thì nhiều chợ truyền thống rơi vào cảnh vắng khách. Bà Ngô Mỹ Hạnh – tiểu thương chợ Hòa Bình, quận 5, TP HCM – cho biết cuối tuần qua, chợ vắng hơn so với cuối tuần trước. Ngay ngày 2-9, các mặt hàng thủy hải sản bán rất chậm, đến cuối buổi chợ còn ế nhiều. Hai ngày cuối tuần 3 và 4-9, tình hình vẫn không khá hơn.
Theo ông Huỳnh Thanh Trường – Trưởng Ban Quản lý chợ Bà Chiểu, quận Bình Thạnh, TP HCM – những ngày nghỉ lễ vừa qua, lượng khách vào chợ giảm đến 30%-40% so với ngày thường. Tiểu thương ở đây phải giảm lượng hàng nhập về bán mỗi ngày. Tương tự, chợ Bến Thành cũng vắng khách hơn thường lệ…
|
Ngọc Ánh (theo NLĐ)
Bình luận (0)