Hiện có khoảng 400 siêu thị nằm ở khắp các tỉnh, thành trong cả nước. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là sự gia tăng của hệ thống bán lẻ này lại chưa có tính bền vững về chất lượng hàng hóa.
Ảnh: minh họa – Internet |
Theo thống kê của Bộ Công Thương, trong 20 năm gần đây, kênh bán lẻ hiện đại đã tăng 40 lần, với khoảng 400 siêu thị nằm ở khắp các tỉnh, thành trong cả nước. Ước tính, đến năm 2020, siêu thị sẽ chiếm khoảng 35-40% thị phần bán lẻ ở Việt Nam.
Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là sự gia tăng của hệ thống bán lẻ này lại chưa có tính bền vững về chất lượng hàng hóa. Nhiều mặt hàng được niêm yết trong siêu thị có giá cao hơn ngoài chợ, đã có hiện tượng hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng hết hạn sử dụng có mặt tại nhiều siêu thị.
Chuỗi sản xuất phân phối, bán lẻ còn rời rạc, tốn chi phí, góp phần đẩy giá lên cao, ảnh hưởng tới người tiêu dùng… Đặc biệt, hoạt động quản lý chất lượng, khuyến mại, quảng cáo tại các siêu thị còn tồn tại nhiều bất cập, đòi hỏi những biện pháp kiểm soát "nghiêm" hơn nữa để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Sau 1 tuần kể từ khi Luật bảo vệ người tiêu dùng có hiệu lực (1/7/2011), trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Phương Nam, Phó cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) cho rằng để Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thực sự là công cụ hữu hiệu, bản thân người tiêu dùng phải là đối tượng tích cực nhất.
Ông nhận định thế nào về việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hiện nay?
Lâu nay, việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của Việt Nam chưa được quan tâm đúng mức. Hiện cả nước có 30 Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng/63 tỉnh, thành phố, nhưng chỉ có Kiên Giang và Bình Dương thực hiện có hiệu quả. Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Hà Nội gần như bị “tê liệt” từ 4 năm nay, gần đây mới hoạt động trở lại.
Khi Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có hiệu lực thì từ nay quyền lợi của người tiêu dùng cũng được bảo vệ bằng công cụ pháp lý. Người tiêu dùng có rất nhiều kênh để phản ánh chất lượng hàng hóa cũng như yêu cầu các cơ quan chức năng vào cuộc bảo vệ quyền lợi của mình trước tình trạng hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng tràn lan như hiện nay. Thời gian vừa qua, quyền lợi của người tiêu dùng bị xâm phạm một cách phổ biến và ngày càng nghiêm trọng.
Điển hình là các vụ nước tương nhiễm 3-MCPD, sữa nhiễm melamine, xăng có chất acetone, cây xăng gắn chíp điện tử để gian lận, sản phẩm bị lỗi nhà sản xuất không chịu bảo hành… khiến người tiêu dùng không chỉ thiệt hại về kinh tế mà nhiều sản phẩm còn làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của con người.
Vì thế đây là hành lang pháp lý vững chắc để công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại Việt Nam được thực hiện một cách thuận lợi và có kết quả cao hơn. Các công dân nước ngoài đến sinh sống, học tập ở Việt Nam, nếu mua hàng hóa ở Việt Nam mà khi về nước mới phát hiện thì vẫn có thể kiện và Cục Quản lý cạnh tranh xử lý. Ngược lại, công dân Việt Nam nếu mua phải hàng hóa kém chất lượng ở nước ngoài cũng có thể kiện các doanh nghiệp nước ngoài.
Xin ông cho biết làm thế nào để Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thực sự đi vào cuộc sống khi Luật này đã bắt đầu có hiệu lực?
Cùng với việc dự thảo trình Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục những sản phẩm hàng hóa thiết yếu phải sử dụng hợp đồng theo mẫu, Bộ Công Thương đang chủ trì xây dựng 2 nghị định gồm Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và Nghị định Xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Vì thế, chúng tôi đang nỗ lực để các quyết định, nghị định được ban hành sớm nhất. Trong đó, sẽ giao các Sở Công Thương thành lập bộ phận chuyên môn, phòng chuyên trách về vấn đề bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Ngoài ra, các hội nghị phổ biến Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng sẽ được tổ chức nhằm tuyên truyền, phổ biến nội dung Luật tới các tổ chức, hộ kinh doanh thực hiện tốt nhất nghĩa vụ với người tiêu dùng.
Từ trước đến nay, người tiêu dùng luôn ở thế yếu trước các nhà sản xuất, chính vì vậy Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ra đời là sự mong mỏi của hàng triệu người tiêu dùng cũng như các cơ quan quản lý nhà nước có hành lang pháp lý giải quyết các vụ việc liên quan.
Do đó, khi Luật được áp dụng vào đời sống có rất nhiều điểm mới, giúp người tiêu dùng tự bảo vệ quyền lợi của mình. Với Luật này, người tiêu dùng sẽ có 8 quyền cụ thể, phù hợp với các quyền đã được Liên hợp quốc thông qua gồm quyền được an toàn; quyền được thông tin; quyền được lựa chọn; quyền được góp ý; được tham gia xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; quyền được khiếu nại và bồi thường; được tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn kiến thức về tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ.
Ngoài quy định quyền của người tiêu dùng, Luật cũng quy định chặt chẽ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ: niêm yết giá, cảnh báo khả năng gây ảnh hưởng đến sức khỏe, các biện pháp phòng ngừa, cung cấp hướng dẫn sử dụng, thay thế linh kiện, điều kiện bảo hành…
Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã có hiệu lực từ 1/7, điều này đòi hỏi các doanh nghiệp phải nâng cao chất lượng dịch vụ và sản phẩm hàng hóa tới tay người tiêu dùng. Do đó, doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp phân phối cần có sự liên kết chặt chẽ trong việc bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng.
Nhằm loại bớt hàng giả, hàng nhái gây thiệt hại cho người tiêu dùng, Cục Quản lý cạnh tranh đang phối hợp với các cơ quan chức năng nghiên cứu việc phát hành tem cho các sản phẩm đảm bảo chất lượng.
Theo tôi, không nên kêu gọi người tiêu dùng phải "thông thái," mà các doanh nghiệp và cơ quan quản lý Nhà nước phải chủ động bảo vệ người tiêu dùng. Nếu thiếu đi vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước trong vấn đề này thì việc đưa Luật Bảo vệ người tiêu dùng vào cuộc sống khó thành hiện thực.
Như vậy, để cạnh tranh với các kênh bán lẻ truyền thống khác, thu hút người tiêu dùng, các siêu thị cần đẩy mạnh việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng bằng kiểm soát chặt chẽ các nguồn hàng nhập vào. Các doanh nghiệp sản xuất cũng cần kiểm soát hệ thống phân phối sản phẩm của mình để kịp thời phát hiện, ngăn chặn tình trạng sản phẩm bị làm giả, làm nhái.
Việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng không chỉ là kinh doanh hàng hóa có chất lượng, giá cả hợp lý mà còn phải xây dựng một môi trường kinh doanh chuyên nghiệp, xây dựng niềm tin của người tiêu dùng. Đây chính là cách các siêu thị, hệ thống bán lẻ cần thực hiện để bảo vệ thương hiệu và phát triển một cách bền vững./.
Theo TTXVN/Vietnam+
Bình luận (0)