Khoa học - Công nghệPhát minh khoa học

“Siêu Trái đất” giúp nghiên cứu khí quyển ngoài hành tinh

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Ngoại hành tinh mới phát hiện tên Gliese 486 quay quanh ngôi sao lùn đỏ mờ cách 26 năm ánh sáng, lớn gấp 1,3 lần và nặng hơn 2,8 lần so với Trái đất.
Gliese 486 b chỉ mất 1,47 ngày để quay quanh ngôi sao chủ. Do đó, đây là hành tinh gần thứ ba đi qua phía trước sao chủ và hành tinh gần nhất quay quanh sao lùn đỏ với khối lượng đo được. Ngôi sao Gliese 486 có khối lượng bằng khoảng 30% Mặt Trời). Ngoài ra, nhóm nghiên cứu cũng xác định Gliese 486 b nhiều khả năng có nhiệt độ bề mặt khoảng 430 độ C, đủ mát để khí quyển tồn tại, nhưng cũng nóng đủ để nghiên cứu khí quyển của nó từ xa.
Mô phỏng ngoại hành tinh Gliese 486 b và ngôi sao chủ.
Mô phỏng ngoại hành tinh Gliese 486 b và ngôi sao chủ.
Sự kết hợp của các đặc điểm trên biến Gliese 486 b thành mục tiêu lý tưởng để nghiên cứu khí quyển của ngoại hành tinh đá, theo trưởng nhóm nghiên cứu Trifon Trifonov ở Viện Thiên văn học Max Planck tại Heidelberg, Đức. Trifonov và cộng sự phát hiện Gliese 486 b bằng thiết bị quang phổ kế CARMENES lắp trên kính viễn vọng đường kính 3,5 m ở Đài quan sát Calar Alto tại Tây Ban Nha. CARMENES tìm kiếm các hành tinh thông qua phương pháp vận tốc xuyên tâm, chú ý tới dao động nhẹ trong chuyển động của ngôi sao gây ra bởi lực hấp dẫn của hành tinh xoay quanh. Thiết bị này phát hiện dao động như vậy ở ngôi sao Gliese 486.
Sau đó, nhóm chuyên gia nghiên cứu Gliese 486 với Vệ tinh khảo sát ngoại hành tinh chuyển tiếp (TESS) của NASA. TESS quan sát được hiện tượng giảm sáng ở Gliese 486, giúp xác nhận sự tồn tại của một ngoại hành tinh trong hệ thống. Trifonov và cộng sự tìm hiểu đặc điểm của Gliese 486 b thông qua dữ liệu của TESS và CARMENES, cũng như thông tin từ quang phổ kế khác gọi là MAROON-X trên kính viễn vọng Gemini North ở Hawaii.
Ví dụ, họ xác định khối lượng ngoại hành tinh từ dữ liệu vận tốc xuyên tâm và kích thước từ quan sát chuyển tiếp. Hai con số đó lần lượt hé lộ mật độ của Gliese 486 b vào khoảng 7 g/cm3, tương đương Trái đất (5,5 g/cm3). Do đó, ngoại hành tinh này nhiều khả năng cấu tạo từ sắt – silicate như Trái đất, theo kết quả nghiên cứu công bố hôm 4/3 trên tạp chí Science.
Tuy nhiên, nhiệt độ bề mặt gần với sao Kim khiến Gliese 486 b không thể trở thành ứng viên lý tưởng để sự sống tồn tại. Trifonov dự đoán đây là một thế giới nóng và khô, rải rác nhiều núi lửa và sông dung nham. Do quỹ đạo nhỏ, Gliese 486 b chịu ảnh hưởng khóa thủy triều với một mặt luôn quay về phía ngôi sao mẹ. Nhưng khoảng cách gần với Trái đất và nhiều đặc điểm khác cũng biến nó thành phòng thí nghiệm tuyệt vời để tìm hiểu về khí quyển ngoại hành tinh.
HT (theo khoahoc.tv)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)