Rất đều đặn ngày này qua ngày khác, bạn nhận được tin nhắn từ số điện thoại lạ với nội dung bạn được tặng miễn phí sim ĐTDĐ gần giống với số bạn đang dùng. Không ít người đã mua sim này để rồi nhận được những của nợ dở khóc dở cười…
Nhận tin nhắn quảng cáo sim số đẹp đã trở thành nỗi ám ảnh mỗi ngày của người dùng ĐTDĐ – Ảnh: Gia Tiến |
Không những nhắn tin đến ĐTDĐ, những người “tặng sim” còn quảng cáo trên các diễn đàn.
Không xài vẫn… đóng cước thuê bao
Chị Xuân Nguyên, SV một trường ĐH ở quận 10, TP.HCM thường xuyên nhận được những tin nhắn với nội dung rất hấp dẫn: “Công ty: khuyến mãi miễn phí số thuê bao: 0909603xxx (gần giống số của quý khách) và 840.000 đồng/12 tháng. Liên hệ: Thịnh: 0909119xxx” hay “Công ty điện thoại thông báo có số 0909603xxx giống số quý khách đang dùng, tặng miễn phí, tặng thêm 1.200.000 đồng tiền cước gọi cộng cước GPRS. Quý khách nhận sim liên hệ 0906610xxx”…
Tò mò vì nội dung tin nhắn quá hấp dẫn, chị Nguyên liên hệ với một trong những người gửi tin. “Khi hẹn gặp, anh ta bảo chỉ cần mang theo chứng minh nhân dân photo là đủ. Anh ta giải thích đây là sim thuộc gói cước trả sau MobiGold của MobiFone do đó phải ký hợp đồng thuê bao trả sau. Tôi đồng ý và ký hợp đồng.
Đúng một tháng sau tôi nhận được hóa đơn thông báo nộp tiền cước thuê bao 55.000 đồng dù tôi chỉ dùng sim đó để nhắn một vài tin cho bạn bè. Nghĩ mình bị lừa, tôi gọi lại cho người nhắn tin tặng sim và nhận được câu trả lời là số tiền khuyến mãi 1.200.000 đồng kia chỉ dành cho cước gọi phát sinh cộng cước GPRS, còn tiền thuê bao hằng tháng vẫn phải nộp vì đã ký hợp đồng”.
Trên một diễn đàn, một thành viên tên Ngọc giới thiệu “Tặng sim MobiGold hoàn toàn miễn phí, nhiều sim số đẹp, số ngày sinh, thần tài. Được khuyến mãi thêm 1.200.000 đồng trong 12 tháng… liên hệ em nhé: 0983669xxx – 0908251xxx”. Lời giới thiệu đã thu hút sự quan tâm của nhiều thành viên khác. Hằng Nga, một thành viên của diễn đàn này, đã hỏi xin ngay ba sim.
“Lúc đó mình có hỏi nếu không dùng sim này có sao không, có phải trả tiền không thì được bạn đó trả lời là không, thích dùng lúc nào cũng được, tùy mình. Chính vì vậy, mình mới xin đến ba sim. Sau đó hai tháng, dù sim mình chưa gọi cuộc nào nhưng số tiền cước được thông báo phải nộp cho mỗi sim lên đến 150.000 đồng/2 tháng”.
Lập lờ đánh lận con đen!
Qua tìm hiểu của chúng tôi, những người chuyên nhắn tin hay rao trên các website để tặng sim miễn phí là những nhân viên thuộc đội bán hàng trực tiếp của MobiFone. Họ có nhiệm vụ thuyết phục khách hàng sử dụng gói cước trả sau MobiGold để được hưởng hoa hồng trên mỗi hợp đồng. Do đó, để tìm được khách hàng, những nhân viên này phải dùng nhiều cách tiếp cận khác nhau. Với tin nhắn SMS thì họ sẽ gửi đến những số thuê bao gần giống với sim họ đang có trong tay.
Còn trên các trang mạng, họ sẽ rao tặng sim số đẹp hoàn toàn miễn phí, người dùng muốn số nào cứ thông báo để họ tìm giúp. Những nhân viên bán hàng trực tiếp này còn có thể mở rộng khả năng tìm kiếm khách hàng bằng cách “tuyển” thêm những nhân viên bán hàng cấp dưới cho mình với mức hoa hồng trên mỗi hợp đồng thấp hơn. Từ đó hình thành một mạng lưới bán hàng trực tiếp khá đông đảo, dẫn đến rất nhiều người sử dụng ĐTDĐ có khi phải nhận đến gần chục tin nhắn SMS với nội dung tặng sim số miễn phí mỗi ngày.
Những lời lẽ quảng cáo của các nhân viên này rất khéo léo. Ngoài lời rao tặng sim hoàn toàn miễn phí, số tiền khuyến mãi cũng được nói chung chung để dễ thuyết phục khách hàng. Thật ra khoản tiền 1.200.000 đồng một năm, tức là 100.000 đồng mỗi tháng thì chứa trong đó là 70.000 đồng tiền cước phát sinh cuộc gọi và 30.000 đồng tiền cước GPRS. Hay tiền khuyến mãi là 840.000 đồng một năm, tức 70.000 đồng tiền cước phát sinh cuộc gọi mỗi tháng. Trong khi đó khi ký hợp đồng, người sử dụng đã là thuê bao trả sau nên phải trả cước thuê bao hằng tháng từ 50.000-55.000 đồng.
Sau khi khách hàng đã ký hợp đồng thì đa số sim này đều được kích hoạt (khi đó nhân viên bán hàng trực tiếp mới được hưởng hoa hồng), người dùng có sử dụng hay không vẫn phải thanh toán cước thuê bao hằng tháng cho nhà mạng. Số tiền khuyến mãi chỉ được khấu trừ vào cước sử dụng nhắn tin, gọi điện của thuê bao trong tháng đó. Do đó khá nhiều người dùng (đều đã có sim điện thoại đang sử dụng) mất tiền lãng nhách vì ý định mua sim để dành của mình.
Một số trường hợp khác đau đầu hơn là người dùng phải trả tiền cước thuê bao đến 2-3 tháng trong khi chỉ mới “ký hợp đồng có một tháng và chưa sử dụng” như chị Hằng Nga. Đó là do khi nhân viên bán hàng trực tiếp chọn được sim số đẹp thì thường hay kích hoạt số luôn (để đảm bảo là hàng của mình, tránh bị nhân viên khác cướp mất), sau này khi có khách hàng muốn sử dụng họ sẽ làm thủ tục chuyển tên thuê bao nên dẫn đến tình trạng có khách vừa mua số nhưng thật ra sim đó đã được kích hoạt từ vài tháng trước. Và tất nhiên khách hàng sẽ phải thanh toán số tiền cước thuê bao của các tháng này vì đã trót ký hợp đồng rồi.
Có thể phạt đến 100 triệu đồng!
Ông Đỗ Ngọc Duy Trác, trưởng phòng nghiệp vụ VNCERT: “Theo định nghĩa của nghị định 90 thì: “Thư điện tử quảng cáo, tin nhắn quảng cáo là thư điện tử, tin nhắn nhằm giới thiệu đến người tiêu dùng về các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh, hoạt động xã hội, hàng hóa, dịch vụ bao gồm cả dịch vụ có mục đích sinh lời và dịch vụ không có mục đích sinh lời”.
Như vậy rõ ràng các tin nhắn trên là tin nhắn quảng cáo. Chưa xét đến việc người dùng đã đồng ý nhận các tin nhắn trên hay chưa thì những tin nhắn trên đã chắc chắn là tin nhắn rác do không được đánh nhãn ([QC…]) và thiếu phần hướng dẫn từ chối. Theo nghị định chống thư rác, đối tượng gửi tin nhắn rác nói trên đã vi phạm pháp luật.
Tùy theo bản chất và mức độ vi phạm có thể bị xử lý các mức khác nhau theo quy định, mức cao nhất có thể phạt đến 100 triệu đồng hoặc đình chỉ cung cấp dịch vụ, tịch thu phương tiện…
ĐỨC THIỆN (Theo TTO)
Bình luận (0)