Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Sim rác vẫn tràn lan

Tạp Chí Giáo Dục

Mặc dù Bộ Thông tin và Truyền thông đã siết chặt việc quản lý thuê bao di động trả trước; nghiêm cấm hành vi bán sim đã kích hoạt sẵn (sim rác), nhưng thời gian gần đây, tại TPHCM, việc mua bán sim rác vẫn diễn ra công khai, phổ biến.
Bán công khai, khuyến mãi lớn
Dạo một vòng quanh khu vực quận 9, Thủ Đức, vẫn thấy rất nhiều cửa hàng bán sim rác công khai, giá rẻ. Sim rác được bán tràn lan, treo biển quảng cáo kiểu như: “Bán sim sinh viên Viettel, Mobifone giá rẻ, bán sim số đẹp, sim học sinh – sinh viên, sim khuyến mãi…”. Chỉ cần bỏ ra một số tiền nhỏ là có thể sở hữu một sim rác đã kích hoạt sẵn.
Ghé vào một cửa hàng trên đường Võ Văn Ngân (quận Thủ Đức), chúng tôi thấy có bán rất nhiều loại sim rác khác nhau, mua rất dễ dàng. Người mua không cần xuất trình chứng minh nhân dân để đăng ký. Hầu hết sim rác đều có khuyến mãi rất lớn. Mua một sim Viettel 11 số giá 50.000 đồng thì có 100.000 đồng trong tài khoản phụ, khuyến mãi 100% thẻ nạp đầu tiên. Chị chủ cửa hàng này cho biết: “Cửa hàng bán đầy đủ các loại sim, từ sim giá rẻ, sim sinh viên đến sim số đẹp. Số lượng bao nhiêu cũng có, nếu muốn mua số lượng lớn thì cần đợi 1 ngày để lấy hàng”. Khi được hỏi về thủ tục đăng ký sim, chị trả lời: “Không cần đăng ký phiền phức, mua xong, lắp vào máy là xài được”.
Sim rác được rất nhiều người sử dụng, đặc biệt là sinh viên và công nhân các khu công nghiệp, do dễ mua, khuyến mãi lớn, không cần kê khai thông tin cá nhân để kích hoạt sim. Nhiều sinh viên cho biết họ cảm thấy phiền phức khi mua sim phải đăng ký chính chủ, với lại các nhà mạng chỉ tặng 50% khuyến mãi thẻ nạp cho khách hàng, giới hạn thời gian khuyến mãi. Chị Hà Anh, công nhân may tại Thủ Đức, cho biết: “Hiện nay các nhà mạng ít triển khai các chương trình khuyến mãi, nên khi mua sim rác chỉ cần bỏ ra một số tiền nhỏ nhưng lại có tài khoản lớn. Dùng hết thì bỏ sim đi, mua sim khác xài tiếp”.

Một cửa hàng bán sim điện thoại trên đường Lê Văn Chí, quận Thủ Đức.

Người sử dụng thiệt thòi
Việc mua sim không đăng ký chính chủ cũng có những hậu quả cho người sử dụng. Trần Xuân Nhật, sinh viên Trường Cao đẳng Xây dựng số 2, cho hay: “Khi mua sim sinh viên giá 50.000 đồng, được thêm 30.000 đồng trong tài khoản; hàng tháng được khuyến mãi 25.000 đồng, 150 MB truy cập internet, tin nhắn nội mạng 100 đồng/SMS và các ưu đãi của sim sinh viên. Chủ của hàng khẳng định sim sử dụng gói cước sinh viên này có thời hạn 4 năm, hết 4 năm sẽ tự động chuyển sang gói cước thường. Thế nhưng khi dùng chưa được một tháng thì gói cước sinh viên tự động chuyển sang gói cước thường, không như lời của chủ cửa hàng nói”. Có nhiều trường hợp sim rác khi mua về bị nhà mạng cắt vì lý do không chính chủ hoặc đã bị người chủ đứng sim hủy.
Sim rác tràn lan là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng phát tán tin nhắn rác đến các số thuê bao khác với mục đích quảng cáo hoặc để lừa đảo chủ thuê bao. Dịch vụ spam SMS, spam SMS thuê, nhắn tin bình chọn thuê, cho thuê sim được rao đầy trên mạng. Lần theo một số điện thoại được để lại trên một trang web, chúng tôi liên hệ với một người chuyên nhận spam SMS, chị cho biết: “Một tin nhắn spam SMS có giá khoảng 45 đồng. Vì spam SMS bằng gói cước sim học sinh là chủ yếu, nên giá cả có thể dao động liên tục theo ngày, phụ thuộc vào các chương trình khuyến mãi nhắn tin mà nhà mạng cung cấp. Bên chị có thể khoanh vùng khách hàng tới từng quận, huyện và giới tính. Dữ liệu khách hàng có thu nhập cao tại TPHCM rất lớn, rất thuận tiện để em spam SMS về mua bán nhà đất, đặt khách sạn, tour du lịch…”.
Trong khi các nhà mạng thu lợi lớn từ tin nhắn rác thì rất nhiều chủ thuê bao di động bực bội vì hàng ngày phải nhận các tin nhắn quảng cáo như: bán sim số đẹp, xem bói, mua bán nhà đất… Người sử dụng điện thoại thường xuyên bị các tin nhắn rác làm phiền, ngay cả vào thời gian nghỉ ngơi, rất bức xúc về tình trạng này, nhưng rất khó để tự mình ngăn chặn tin nhắn rác, vì khi chặn số điện thoại này thì sẽ có số điện thoại khác lại nhắn tin rác làm phiền. Có không ít trường hợp chủ thuê bao bị trừ tài khoản khi trả lời các tin nhắn rác, mỗi tin nhắn phản hồi chủ thuê bao bị trừ 5.000 – 15.000 đồng.

NGUYỄN VĂN THỦY

(SGGP)

Bình luận (0)