Học sinh Singapore làm quen với phương pháp đặt câu hỏi để phát triển khả năng tự học. Ảnh: I.T |
Học sinh (HS) tại Trường THCS Kranji hiện được làm quen với phương pháp đặt câu hỏi để phát triển khả năng tự học và tư duy phản biện logic.
Phương pháp giảng dạy đầy thú vị
Tại Trường THCS Kranji, các em HS lớp 6 đang làm quen với phương pháp “dạy ít, học nhiều”. Với phương pháp giảng dạy mới này, các em có thể phát triển tư duy phản biện trong quá trình học thông qua việc đặt những câu hỏi kiểu Socratic (câu hỏi phản biện). Yêu cầu đặt câu hỏi phản biện giúp HS tập trung vào việc trình bày quan điểm và đặt giả thuyết trong quá trình học. Trường THCS Kranji đã áp dụng phương pháp này trong 3 môn học: địa lí, vật lí và sinh học.
Giáo viên (GV) môn khoa học của trường, Koh Chee How giải thích: “Theo phương pháp cũ, khi dạy bài về nhiệt kế, GV sẽ trình bày từng đặc tính của nó nên bài giảng rất khô khan. Với phương pháp mới, chúng tôi sẽ đưa ra biểu đồ của nhiệt kế với một vài từ khóa, sau đó yêu cầu HS đặt câu hỏi về biểu đồ. Phương pháp này thật sự đã lôi cuốn cả thầy lẫn trò cùng học và khuyến khích các em HS phát triển khả năng tự tìm tòi hơn là tiếp thu kiến thức một cách thụ động”.
Với phương pháp này, GV có thể lồng ghép kiến thức của nhiều môn học vào với nhau. Cô Maybelline Tan, GV môn địa lí cho biết, trong quá trình soạn bài giảng về đá, cô đã đặt câu hỏi về kiến thức nền trong môn khoa học như “Bạn hãy định nghĩa thế nào là một vật thể sống?” “Đá có phải là vật thể sống hay không?”…
Học sinh hưởng ứng tích cực
Sự lao động miệt mài và nỗ lực của các GV cho việc ứng dụng phương pháp mới đã đạt được những thành công nhất định. HS tại Trường Kranji rất thích thú với cách học mới này. Sopjie Leong, một HS lớp 7 hào hứng nói: “Khi GV đặt câu hỏi, mọi người đều giơ tay trả lời, đưa ra ý kiến tranh luận, khiến cho không khí học tập trong lớp rất sôi nổi và thú vị”.
Thông qua việc đặt câu hỏi phản biện, HS cũng tìm ra cách giúp bản thân hiểu bài hơn, đồng thời có thể khám phá ra những câu trả lời cho riêng mình. Theo Lydiawati Mohamed, một HS của trường, với phương pháp này chúng em được khuyến khích tư duy, do đó sẽ có điều kiện phát triển khả năng suy nghĩ độc lập.
Phương pháp “dạy ít, học nhiều” bao gồm cả việc thuyết trình và làm tiểu luận, ở đó HS phải làm việc theo từng nhóm hoặc từng cặp để nghiên cứu, tìm hiểu về những chủ đề được giao, sau đó trình bày trước lớp. Việc thuyết trình trước lớp giống như một bài giảng nhỏ, và để làm được điều đó, HS phải tìm hiểu, thu thập rất nhiều thông tin trước khi đến lớp. Nurul Ain, HS lớp 6 chia sẻ: “Chúng em không phải phụ thuộc quá nhiều vào GV và cũng như sách giáo khoa trong quá trình tiếp thu kiến thức”.
Tuy nhiên, phương pháp này không dễ thực hiện vì đã bắt gặp những ý kiến phản đối trong suốt giai đoạn đầu. Cô Tan tâm sự: “Do các em HS đã quen với ý niệm GV là người cung cấp kiến thức, vì vậy, lúc bắt đầu rất khó để khuyến khích các em đặt câu hỏi và đưa ra ý kiến. Nhưng chúng tôi đã từng bước giúp học trò của mình làm quen với phương pháp dạy học mới như yêu cầu các em hỏi lẫn nhau hoặc ghi câu hỏi vào giấy, tạo điều kiện để các em cảm thấy tự tin khi đặt câu hỏi hoặc đóng góp ý kiến”.
Không chỉ có HS, các GV cũng có những khó khăn riêng khi thay đổi phương pháp giảng dạy. Thời điểm mới tiếp cận với ý tưởng giảng dạy bằng phương pháp phản biện, các GV phải trải qua một khóa tập huấn với các chuyên viên của Bộ Giáo dục để học cách soạn giáo án sao cho phù hợp. Mặc dù đang ở giai đoạn khởi đầu, nhưng hầu hết GV của Trường THCS Kranji đều tin rằng, với những phản hồi tích cực từ phía phụ huynh cũng như HS và kinh nghiệm của người đứng lớp, phương pháp này sẽ phát triển và đạt hiệu quả hơn nữa trong tương lai.
Thu Hà (Theo www3.moe.edu.sg)
Bình luận (0)